Chiều 16/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy giao thương Việt Nam – Hoa Kỳ trong hoàn cảnh mới”.
Tại diễn đàn, Vietnam Airlines đã chính thức đón nhận chứng chỉ cấp phép khai thác thường lệ các chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, mở ra cơ hội hợp tác thương mại lớn hơn cho 2 nước trong thời gian tới.
Phát biểu đề dẫn diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong suốt 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng hàng trăm lần (từ 451 triệu USD năm 1995 lên 90,8 tỷ USD năm 2020) và được kỳ vọng sẽ sớm đạt 100 tỷ USD trong thời gian tới.
Tốc độ tăng trưởng hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam giai đoạn 2010-2020 bình quân khoảng hơn 16%/năm. Một trong những lĩnh vực hợp tác thương mại rất tích cực giữa 2 nước trong những năm qua là hàng không với hàng loạt hợp đồng mua máy bay Boeing của Vietnam Airlines.
Về đầu tư, Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam với hình thức đầu tư đa dạng, với dự án đăng ký tại 43/63 tỉnh thành. Sau thời gian dài hoạt động hiệu quả, nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ mong muốn mở rộng quy mô đầu tư, giúp Việt Nam từng bước tạo dựng chỗ đứng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
“Dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nhưng nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ có xu hướng đẩy mạnh đàm phán để đầu tư vào các dự án tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, như chế tạo – chế biến, năng lượng sạch, hàng không, y tế, dược phẩm… Đây là tín hiệu tích cực trong việc thu hút nguồn vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam”, Phó Chủ tịch VCCI chia sẻ.
Đánh giá về quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ, bà Virginia Foote, Chủ tịch Amcham nhấn mạnh: Một trong những mối quan tâm hàng đầu hiện nay của nhà đầu tư Hoa Kỳ với Việt Nam là phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, bên cạnh phát triển dịch vụ số, hai nước phải xây dựng khung hoạt động trong lĩnh vực này để các doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines, khối ngân hàng tham gia mạnh mẽ hơn vào cấu trúc lại nền kinh tế số.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Amcham khuyến nghị, một trong những yếu tố cần nhấn mạnh là chính sách thuế, quản lý môi trường. Cụ thể, hiện tại chính sách thuế của Việt Nam còn chưa có sự đồng bộ giữa các tỉnh thành, ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp Hoa Kỳ. Cùng với đó là các thủ tục hành chính cần giảm thiểu, nhất là các thủ tục tốn nhiều chi phí.
Bà Virginia Foote cũng nhấn mạnh, một trong những vấn đề doanh nghiệp Hoa Kỳ rất quan tâm hiện nay là lĩnh vực năng lượng. “Chúng tôi đã tìm hiểu về quy hoạch điện VIII, vấn đề điện khí ngoài khơi, hình thức năng lượng tái tạo… Nếu có khuôn khổ quản lý, tạo lập như hợp đồng mua bán điện rõ ràng giúp cho Việt Nam có thể tận dụng nguồn lực toàn cầu mạnh mẽ, các quỹ, các ngân hàng cùng vào với các dự án từ đó có thể đóng góp vào tương lai xanh của đất nước”.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Văn Chung, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận những đóng góp lớn từ phía các nhà đầu tư Hoa Kỳ với nền kinh tế Việt Nam trong 25 năm hợp tác.
“Mặc dù kết quả thu hút đầu tư từ Mỹ được cho là chưa xứng với tiềm năng, tuy nhiên, với trên 1.100 dự án với tổng số vốn khoảng 10 tỷ USD, đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ vào Việt Nam được đánh giá cao trong thu hút, sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Bản thân số liệu thống kê cũng chưa phản ánh hết được đầu tư của Mỹ vào Việt Nam vì còn nhiều dự án lớn được đầu tư thông qua nước thứ 3”, Cục Phó Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Về cơ hội hợp tác đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam trong thời gian tới, ông Vũ Văn Chung cho biết, dù chịu tác động từ dịch bệnh nhưng các nhà đầu tư Hoa Kỳ vẫn đánh giá cao điểm đến là Việt Nam với nhận định: Thể chế, chính sách của Việt Nam đã tương đồng, phù hợp với quốc tế; tiềm lực của Việt Nam đã được nâng cao trong thời gian qua; lực lượng doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy kết nối đầu tư tư giữa doanh nghiệp 2 nước.
“Lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ Chính trị đã ban hành một Nghị quyết về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Theo đó, các tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài cao hơn; có chọn lọc phù hợp với điều kinh tế Việt Nam giai đoạn mới; thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mới như năng lượng, hạ tầng, logistic, công nghệ thông tin… Điều này có ý nghĩa thúc đẩy đầu tư nước ngoài chất lượng cao, trong đó có Hoa Kỳ”, ông Chung nói.
Cuối cùng, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định, một trong những nguyên nhân quan trọng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là sức hấp dẫn từ nguồn nhân lực với tổng 60 triệu lao động với chất lượng ngày càng cao, có tính kỷ luật. Kỳ vọng thời gian tới đầu tư trực tiếp từ Mỹ vào Việt Nam sẽ tăng cao thay vì đầu tư qua nước thứ 3.
Ngày 16/11, Vietnam Airlines đã chính thức đón nhận chứng chỉ cấp phép khai thác thường lệ các chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Với sự kiện này, Vietnam Airlines đã trở thành hãng hàng không đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được cấp phép bay thường lệ đến Mỹ. Dự kiến chuyên bay đầu tiên sẽ cất cánh vào ngày 28/11 đặt nền móng cho quá trình xây dựng đường bay thẳng giữa hai nước.
Theo báo nhadautu.vn