Không hạn chế khách hàng với đường bay Việt – Mỹ

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, sau khi được Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA) cấp phép khai thác đường bay thẳng Việt – Mỹ. Dự kiến đầu tháng 11.2021, hãng chính thức khai thác đường bay tiềm năng với trên 1,4 triệu khách/năm này.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Dự kiến đầu tháng 11 VNA sẽ khai thác thường lệ đường bay Việt – Mỹ. Ảnh: Đ.T

Không hạn chế đối tượng khách bay

Ngày 1.11.2021, Vietnam Airlines phát đi thông tin được Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA) chính thức xác nhận hãng này đáp ứng toàn bộ yêu cầu về bảo đảm an ninh để khai thác đường bay thẳng thương mại thường lệ đến Mỹ.

Các chuyến bay thường lệ khác biệt hoàn toàn với các chuyến bay thuê chuyến đặc biệt quốc tế mà một số hãng hàng không Việt được nhà chức trách Mỹ cấp phép. Theo đó, chuyến bay thường lệ được thực hiện đều đặn theo lịch bay mà hãng hàng không công bố, không hạn chế mọi đối tượng hành khách và mở bán vé rộng rãi tại website, ứng dụng di động, phòng vé… của hãng bay. Tất cả hành khách đều có thể tự tra cứu lịch bay, tùy chọn đặt chỗ, mua vé với mức giá phù hợp theo nhu cầu cá nhân trên các chuyến bay thường lệ.

Trong khi đó, các chuyến bay thuê chuyến đặc biệt quốc tế bị giới hạn về lịch bay, đối tượng, mục đích như đưa công dân Việt về nước. Các chuyến bay này cũng chỉ được phép khai thác trong khoảng thời gian quy định, sau khi kết thúc hãng hàng không phải xin phép lại từ đầu.

Mặc dù chưa có đường bay thẳng nhưng từ năm 1996 VNA đã hợp tác với các hãng hàng không để thực hiện nối chuyến, có các sản phẩm phục vụ đường bay giữa Việt Nam và Mỹ, qua đó thăm dò và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường. Từ năm 2010 đến nay, VNA đã hợp tác liên doanh linh hoạt với hãng hàng không Delta Air Lines (Mỹ) để có các sản phẩm phục vụ thị trường đường bay Mỹ.

Đối với ngành hàng không Việt Nam, việc Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) cấp chứng nhận CAT 1 cho Cục Hàng không Việt Nam là sự đánh giá rất quan trọng của FAA và hàng không thế giới về trình độ quản lý, trình độ an toàn khai thác bay và kỹ thuật của ngành hàng không Việt Nam nói chung và sau đó là các hãng hàng không.

Sau khi Cục Hàng không Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn, FAA sẽ tiếp tục đánh giá đến năng lực của từng hãng hàng không tại Việt Nam để quyết định hãng đó có đủ tiêu chuẩn bay tới Mỹ hay không. Năm 2020, VNA đã thực hiện hơn 20 chuyến bay giữa Việt Nam và Mỹ để vận chuyển công dân hồi hương, hàng hóa và chuyên gia.

Các chuyến bay theo hình thức thuê chuyến là bước đệm để Hãng thử nghiệm, đánh giá và chuẩn bị cho kế hoạch khai thác thường lệ đường bay giữa Việt Nam và Mỹ. Đặc biệt, tháng 5.2020, VNA thực hiện chuyến bay lịch sử – chuyến bay thẳng đầu tiên từ Việt Nam đến Mỹ và ngược lại.

Thị trường tiềm năng

Theo các chuyên gia, do tình hình đại dịch COVID-19, thị trường hàng không quốc tế sụt giảm mạnh và dự báo đến năm 2023 mới có thể phục hồi về mức năm 2019. Từ nay đến năm 2023, nguồn lực tàu thân rộng của toàn ngành hàng không thế giới nói chung sẽ dư thừa.

Trong bối cảnh khả năng xử lý tàu bay thừa theo phương thức bán hoặc cho thuê lại gặp nhiều khó khăn, việc mở thêm đường bay Mỹ có hiệu quả so chi phí biến đổi, giúp hãng bay tăng thêm doanh thu, giảm thiểu thiệt hại tài chính do dư thừa nguồn lực sau ảnh hưởng của COVID-19, đồng thời đáp ứng được nhiệm vụ chính trị thiết lập cầu nối giao thương và tạo tiền đề cho sự phát triển khi thị trường phục hồi sau COVID-19.

Trao đổi với Báo Lao Động, đại diện VNA cho biết, trước dịch COVID-19, thị trường hàng không giữa Việt Nam – Mỹ đạt khoảng 1,4 triệu lượt khách/năm, là thị trường lớn nhất chưa có đường bay thẳng khai thác.

Cụ thể trong năm 2019, ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng trưởng trung bình 8%/năm giai đoạn 2017-2019. Giai đoạn 2012-2017, thị trường tăng trưởng mạnh trung bình 19%/năm. Trong thời gian gần đây, những nỗ lực của chính phủ hai nước Việt Nam và Mỹ đã tăng cường quan hệ nhiều mặt cùng chính sách cởi mở của Việt Nam đối với cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ và ở nước ngoài là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường hàng không giữa hai nước phát triển.

Theo nghiên cứu của VNA, thị trường khách đi/đến Mỹ rất lớn, phát triển ổn định và không có đột biến. Khu vực bờ Đông với sự tập trung dân số cao nhất, với các trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại sầm uất của Mỹ là thị trường khách ra nước ngoài lớn nhất, đồng thời cũng là nơi thu hút số lượng lớn khách doanh nhân quốc tế, chiếm 50% lượng khách Mỹ ra nước ngoài và 70% khách khách quốc tế đến Mỹ. Bờ Tây nước Mỹ với các điểm du lịch như Las Vegas, San Francisco và quần đảo Hawaii thu hút số lượng lớn khách du lịch.

Trong cơ cấu khách Mỹ – Việt Nam thì tỉ lệ Việt Kiều chiếm trên 50% tổng hai chiều. Tốc độ tăng trưởng của khách Việt Kiều có xu hướng chậm lại, trong khi đó, cùng với sự gia tăng quan hệ nhiều mặt giữa hai nước cũng như với việc căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung dẫn tới quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác, tốc độ tăng trưởng khách công vụ và du lịch sẽ nhanh hơn và tỉ trọng cũng sẽ tăng lên trong cơ cấu khách xuất phát từ Mỹ. Đối tượng khách xuất phát từ Việt Nam chủ yếu là khách công vụ, sinh viên học sinh du học và đoàn tụ gia đình.

Mặc dù có doanh thu trung bình thấp và có tốc độ tăng trưởng chậm hơn các nhóm khách khác, nhưng khách Việt Kiều vẫn sẽ là nhóm khách quan trọng nhất của thị trường Mỹ – Việt Nam trong nhiều năm tới, vì vậy các chính sách tiếp cận thị trường Mỹ khi VNA mở đường bay cũng sẽ nhằm xoay quanh việc tiếp cận nhóm khách này.

Theo báo Lao Động

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.