Rất nhiều hành khách quốc tế đã phải trầm trồ khi trái vải tươi, loại quả được liệt kê vào danh sách 20 trái cây ngon và hiếm trên thế giới, bỗng “hiện ra” ngay trước mắt khi tiếp viên xin phép được phục vụ bữa ăn trên các chuyến bay của VNA giai đoạn hồi tháng 6 vừa qua. Ngay sau đó, trái nhãn lồng Hưng Yên – đặc sản quý tiến vua khi xưa “tiếp bước” trái vải thơm kể tiếp câu chuyện ẩm thực theo mùa của đất Việt vào tháng 9 chính vụ.
Câu chuyện của tháng 12 tiếp tục mở ra một vùng sơn cước Hòa Bình với thứ cam ngọt Cao Phong trứ danh. Cam là trái cây được trồng phổ biến ở nhiều châu lục và ngay cả ở Việt Nam cũng có nhiều vùng trồng cam. Nhưng những tép cam Cao Phong vàng óng, mọng nước, vị ngọt thanh mát đọng mãi ở cổ họng để lại dư vị thật khó quên cho du khách bay cùng VNA.
Cam Cao phong để lại dư vị thật khó quên cho du khách bay cùng VNA.
Năm 2018 này, trái cây Việt mau chóng trở thành điểm nhấn của ẩm thực hàng không đồng thời truyền tải đến du khách giá trị về ẩm thực và văn hoá Việt cùng với sự đồng hành cùng Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam.
Lựa chọn ẩm thực hàng không là con đường ngắn nhất và cũng là thuận lợi nhất để truyền tải văn hóa dân tộc, từ nhiều năm nay, VNA luôn chú trọng nâng cao chất lượng cũng như tạo ra những nét đặc sắc cho những suất ăn trên máy bay. Ngay sau khi món Phở – quốc hồn quốc tuý của người Việt trở thành một trong những món ăn được yêu cầu nhiều nhất trên những chuyến bay quốc tế đường dài, VNA tiếp tục “đầu tư” cả một thực đơn quy mô in đậm dấu ấn ẩm thực 3 miền Bắc – Trung – Nam với sự tư vấn của “phù thủy ẩm thực” Luke Nguyễn.
Lựa chọn ẩm thực hàng không là con đường ngắn nhất và cũng là thuận lợi nhất để truyền tải văn hóa dân tộc.
Đáng chý ý là với một quốc gia xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 Đông Nam Á, đứng thứ 15 thế giới như Việt Nam, trong đó, giá trị xuất khẩu nông sản dự kiến cán mốc 40 tỷ USD vào năm nay, riêng kim ngạch xuất khẩu trái cây có thể đạt 10 tỷ USD, thì việc chọn trái cây Việt trở thành đặc trưng ẩm thực là lựa chọn vô cùng khôn ngoan của VNA.
Theo kế hoạch, chỉ trong chưa đầy một tháng từ ngày 8-22/12, khoảng 20 tấn cam Cao Phong được cấp lên các chuyến bay theo đúng quy trình nghiêm ngặt của ngành hàng không. Cụ thể, ngay từ sáng sớm, những trái cam đạt tiêu chuẩn sẽ được thu hái rồi chuyển ngay vào kho mát 5-7 độ C để giữ được độ tươi ngon. Về đến công ty chế biến suất ăn hàng không (NCS), trái cam được sơ chế, ngâm khử trùng, gọt vỏ, cắt miếng rồi trình bày vào từng khay sứ nhỏ màu trắng, tô điểm thêm sắc vàng dịu mát cho suất ăn 4 sao tinh tế của VNA.
Trái cam được sơ chế, ngâm khử trùng, gọt vỏ… trước khi đến bàn ăn của khách.
Trái cam Cao Phong vàng óng, mọng nước, vị ngọt thanh mát đọng mãi ở cổ họng hứa hẹn sẽ để lại dư vị thật khó quên cho du khách bay cùng VNA. Giống cam Cao Phong được gây trồng từ những năm 60, từng được xuất khẩu, trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn giữ được nguồn gen quý. Cho đến hiện nay, cùng với việc được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chỉ dẫn địa lý, Hòa Bình đã mở rộng diện tích trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap đáp ứng các yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng.
Chia sẻ thêm về hành trình “khoe” trái cây Việt trên những chuyến bay mang tên “Bốn mùa cây trái, bốn mùa yêu thương”, ông PTGĐ Lê Hồng Hà cho biết “Với vai trò là Hãng hàng không Quốc gia, Vietnam Airlines luôn dành sự ưu tiên đặc biệt cho các sản phẩm mang thương hiệu Việt. Vải Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên hay cam Cao Phong là những nông sản tiêu biểu chúng tôi mong muốn giới thiệu với hành khách trên những chuyến bay của hãng, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá trải nghiệm ẩm thực trên không và quan trọng hơn là quảng bá nông sản Việt đến với thế giới, góp phần giải bài toán đầu ra cho người nông dân. Đây cũng là cách để Vietnam Airlines gắn kết sản phẩm hàng không với sản phẩm truyền thống của dân tộc”.
Kết nối giữa các vùng trồng, kết nối các giá trị văn hóa, có thể thấy rõ, Vietnam Airlines đang trở thành cầu nối quan trọng để quảng bá cho trái cây Việt ra thị trường thế giới trên hành trình nâng cao chất lượng dịch vụ của hãng hàng không 4 sao.
Theo Dân Việt