Đưa người xem “lên rừng xuống núi”
Trong thời buổi sự cạnh tranh về sáng tạo nội dung ngày càng gay gắt, hàng loạt sản phẩm video, đặc biệt là các sản phẩm mang tính hướng dẫn, tuyên truyền, cổ động… cũng phải tìm những hình thức mới mẻ hơn để thu hút người xem. Bởi lẽ sự sáng tạo thường mang tới hiệu quả nhiều hơn cách tuyên truyền, giới thiệu cứng nhắc. Thành công của MV “Ghen Cô Vy” năm 2020 của Bộ Y tế đã minh chứng cho điều này.
Hàng không cũng là một trong những lĩnh vực mà sự sáng tạo đang được đẩy lên cao trong các sản phẩm video hướng dẫn an toàn bay.
Theo thông tin của Báo Giao thông, Vietnam Airlines “trình làng” một phim Hướng dẫn an toàn bay (Safety 2022). Trong đó, không đơn thuần là hướng dẫn về an toàn bay, còn là sự “chịu chơi” khi hãng này đã đầu tư để đưa khán giả có những trải nghiệm mới qua nhiều miền văn hóa của Việt Nam.
Nói như đạo diễn Phương Vũ, ê-kíp đã có hành trình “lên rừng xuống núi”, “sáng ở Pleiku, tối ở Hà Giang” để phim An toàn bay chính thức “bay” cùng Vietnam Airlines từ tháng 8.
Gần 6 phút của phim, khán giả được đưa tới vùng núi Hà Giang xanh mướt mắt hùng vĩ bao la, lại “bay” vào không gian lửa trại Tây Nguyên với tiếng đàn T’nưng, màn múa cồng chiêng cùng những cô gái Tây Nguyên xinh đẹp trong những bộ trang phục truyền thống…
Đi qua những miền văn hóa của đất nước, điều này không chỉ gợi nên cảm hứng di chuyển cho người xem, còn là cơ hội để quảng bá văn hóa Việt.
Điểm nhấn của sự sáng tạo là các điệu múa truyền thống đậm chất mảnh đất núi rừng Tây Nguyên đều được lồng ghép trong các điệu múa, minh họa cho hướng dẫn an toàn bay như không hút thuốc, đặt hành lý đúng chỗ, cách sử dụng áo phao, tắt thiết bị phát sóng… nhưng không gợn sự khiên cưỡng mà vẫn có sự mềm mại, uyển chuyển để người xem dễ tiếp thu.
Bởi thế, dù là phim hướng dẫn an toàn bay, nhưng cách thức truyền tải lại giống như một video ca nhạc, mang đậm bản sắc văn hóa. Để làm sản phẩm này, Phương Vũ gần như đi hết Việt Nam để tìm bối cảnh. Bản thân anh thấy mình được học hỏi nhiều thứ về văn hóa dân tộc, về điệu nhảy múa của các vùng miền, những danh lam thắng cảnh.
Theo bà Lý Thanh Hương – Quản lý dự án, ê-kíp khá lo lắng vì có quá nhiều thách thức đối với phim: từ trang phục, biên đạo với số lượng diễn viên múa đông đảo và số lượng cảnh quay di chuyển khá nhiều. Mỗi điểm đến đều bố trí hai điểm quay cùng đạo cụ sản xuất theo từng bối cảnh. Ngoài ra, thời tiết cũng là một thách thức khi có nhiều điều bất ngờ không lường trước.
Cần mới mẻ, thu hút
Trên thực tế, xu hướng đổi mới cách thức hướng dẫn an toàn bay đang được nhiều hãng bay triển khai để thu hút sự chú ý của hành khách, cũng như có thể tạo được sự tiếp nhận, lan tỏa tốt hơn.
Turkish Airlines từng gây hứng thú với video an toàn bay được sáng tạo dựa trên hoạt hình Lego. Ở đó, kịch bản được triển khai theo hướng hài hước, nhưng vẫn nói lên được cái thông điệp cần thiết. Hainan Airlines cũng từng làm hẳn một phim hoạt hình để hướng dẫn an toàn bay, thu hút hàng triệu lượt xem khi đăng tải lên mạng xã hội.
Tại Việt Nam, Vietnam Airlines cũng nhiều lần đổi mới nội dung trong phim hướng dẫn an toàn bay, lúc là đưa thủ ngữ vào nghệ thuật múa đương đại, lúc lại lựa chọn các không gian như phố cổ, nhà hát để mô phỏng các vấn đề.
Đạo diễn Phương Vũ cho biết, video lần này được thực hiện với mong muốn vừa hoàn thành sứ mệnh hướng dẫn an toàn bay, vừa mới mẻ, sáng tạo, thu hút và vừa quảng bá được du lịch Việt Nam.
“Đưa động tác múa truyền thống của các dân tộc vào thể hiện an toàn bay là lý tưởng của chúng tôi. Và quan trọng là làm sao thực hiện được phim an toàn bay mà giới trẻ, người già đều xem được, đều cảm thấy hấp dẫn, trong khi vẫn đảm bảo được tính điện ảnh”, anh thổ lộ.
Đây chính là yếu tố quan trọng mà trên thực tế, các hãng bay không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới đều đang có sự thay đổi. Bởi về bản chất, thông điệp truyền tải trong các video hướng dẫn bay đều như nhau. Tuy nhiên, cách thức truyền tải nội dung cuốn hút ra sao sẽ là yếu tố để truyền tải thông điệp một cách tích cực và hiệu quả nhất.
Theo Báo Giao thông