IATA khuyến nghị Việt Nam áp dụng ‘hộ chiếu vắc xin’, sớm bay quốc tế

Đại diện Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho rằng Việt Nam cần ứng dụng chứng chỉ số (hộ chiếu vắc xin) và sớm mở lại bay quốc tế thường lệ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Theo ông Philip Goh, Phó chủ tịch IATA khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tình hình dịch Covid-19 hiện nay đã khác so với 18 tháng trước, khi đại dịch mới bắt đầu. Giai đoạn ban đầu, các biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới đã giúp Chính phủ các nước có thêm thời gian để phản ứng với đại dịch. Tuy nhiên đến nay không còn lý do gì để thực hiện các biện pháp này, nhất là khi xét nghiệm và vắc xin Covid-19 đã và đang được triển khai rộng rãi.

IATA khuyến nghị Việt Nam sớm nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ

“Chúng ta đã hiểu biết nhiều hơn về Covid-19, cách nó lây nhiễm, cách điều trị cho bệnh nhân và cách để hạn chế phát tán dịch bệnh. Các thông tin và dữ liệu sẵn có giúp định hướng những hành động tiếp theo cho các Chính phủ. Nhiều nhà khoa học nhận định Covid-19 sẽ trở thành một bệnh đặc hữu và chiến lược loại bỏ hoàn toàn là bất khả thi. Chúng ta cần học cách sống chung với Covid-19”, ông Philip Goh đánh giá.

Vì thế, IATA kêu gọi Chính phủ các nước tuân thủ theo các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới khi mở cửa biên giới như tiêm chủng vắc xin nhanh nhất có thể, tạo thuận lợi cho hành khách đã tiêm vắc xin, Chính phủ nên trả chi phí xét nghiệm, để chi phí xét nghiệm không trở thành rào cản kinh tế khi hành khách đi lại, du lịch…

Đặc biệt, IATA đề xuất Việt Nam nên nhanh chóng ứng dụng các chứng nhận số về xét nghiệm và tiêm chủng để thúc đẩy bay quốc tế đến và đi từ Việt Nam. Trước đó, tổ chức này đã hợp tác và triển khai thí điểm hộ chiếu số (IATA Travel Pass) với hàng không Việt.

Theo đại diện IATA, nhiều nước như Singapore, Australia và Thái Lan cũng đã chấp nhận cho du lịch bằng đường hàng không mà không quy định cách ly. Nhiều nước châu Âu và Mỹ cũng không yêu cầu cách ly với hành khách đã tiêm vắc xin.

“Lộ trình nối lại bay quốc tế của Cục Hàng không Việt Nam là bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, việc Việt Nam yêu cầu cách ly khách quốc tế đến sẽ trì hoãn quá trình phục hồi cũng như là trở ngại lớn cho những lĩnh vực kinh doanh phụ thuộc vào hàng không và khách quốc tế. Hàng không sẽ tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng tài chính, còn du lịch, khách sạn vẫn sẽ đầy khó khăn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trên quy mô rộng lớn hơn”, ông Philip Goh nêu.

Tại Việt Nam, hiện bay quốc tế thường lệ mới chỉ mở lại một số chiều đi mà chưa nối lại chiều đến. Vietnam Airlines đang khai thác 4 chuyến bay thường lệ chở khách đi tới các nước như Úc, Nhật, Hàn, Thái Lan.

Với các chuyến bay thường lệ chở khách tới Việt Nam, Vietnam Airlines và các hãng chỉ có thể khai thác theo hình thức chuyến bay hồi hương hoặc chuyến combo (chở khách chuyên gia) vào Việt Nam, cấp phép bay theo từng chuyến khi có đầy đủ bộ giấy tờ như yêu cầu. Tất cả hành khách phải cách ly 14 ngày.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các điều kiện như trên không đủ để các hãng hàng không Việt Nam khôi phục lại hoạt động chở khách quốc tế thường lệ và không đủ cạnh tranh với chính sách của các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Singapore.

Từ 1.11, Thái Lan đã cho phép du khách tiêm chủng đầy đủ vắc xin ngừa Covid-19 từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ đến nước này mà không cần cách ly. Còn Singapore dù siết chặt hơn việc phòng chống dịch, song nước này vẫn duy trì chủ trương mở cửa.

Singapore cũng đã triển khai việc xây dựng các đường bay an toàn “Vaccinated travel lane” (hành lang đi lại cho người đã tiêm chủng) với 10 quốc gia (tính đến 26.10). Hành khách có thể đi trên các chuyến bay giữa Singapore và 10 quốc gia này khi đã hoàn thành tiêm chủng và có kết quả xét nghiệm âm tính trước 48 giờ bay.

Theo Báo Thanh Niên

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.