[Đại biểu nhân dân] Hỗ trợ ngành hàng không là để nuôi dưỡng nguồn thu

Hiện, ngành hàng không đang đóng góp đắc lực trong việc vận chuyển, đưa người Việt Nam từ các nước, kể cả những nước là tâm dịc

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

“Hiện, ngành hàng không đang đóng góp đắc lực trong việc vận chuyển, đưa người Việt Nam từ các nước, kể cả những nước là tâm dịch về nước phòng, chống dịch Covid-19. Ngành này đang chịu tác động rất lớn từ dịch bệnh. Do đó, nếu không hỗ trợ ngành hàng không ngay bây giờ thì đợi đến khi nào, vì dịch đang ở giai đoạn 2. Chúng ta đừng sợ hỗ trợ cho họ làm giảm thu ngân sách, mà điều này chính là để nuôi dưỡng nguồn thu”, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đặng Hoàng Tuấn nêu ý kiến.

Hỗ trợ lúc này chính là nuôi dưỡng nguồn thu

– Ông nghĩ sao về đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) liên quan việc miễn, giảm thuế cho ngành hàng không do tác động của dịch Covid-19?

– Trước hết, cần khẳng định rằng, trong nhiều năm qua, ngành hàng không đã đóng vai trò không nhỏ trong thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cũng như tại các địa phương có đường bay. Thực tế, nhiều tỉnh, thành phố có sự phát triển vượt bậc cũng chính bởi ngành hàng không, như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Kiên Giang, Quảng Ninh… Doanh thu ngành du lịch năm 2019 đạt hơn 30 tỷ USD có đóng góp quan trọng của ngành hàng không. Số liệu tính toán trên thế giới cũng cho thấy, ngành hàng không tăng trưởng 2 – 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng 1% GDP.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, hàng không là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất. Thống kê sơ bộ của Bộ GT – VT cho biết, các hãng hàng không Việt Nam thiệt hại khoảng 30.000 tỷ đồng do dừng các chuyến bay tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… Rõ ràng, đề xuất miễn, giảm thuế, phí để gỡ khó cho ngành hàng không thời điểm này là cần thiết. Bởi lẽ, hàng không đang đưa đón, vận chuyển hàng nghìn người Việt Nam từ nước ngoài, trong đó có cả những nước đang là tâm dịch về nước. Họ cần được hỗ trợ để hoạt động và cần hỗ trợ ngay.

Ông Đặng Hoàng Tuấn Uỷ viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. (Ảnh: Quang Khánh).

– Nhưng có ý kiến lo ngại, nếu miễn, giảm thuế cho ngành hàng không sẽ khiến việc thu ngân sách vốn đã khó khăn do tác động của dịch Covid-19 tới toàn bộ nền kinh tế sẽ càng khó khăn hơn?

– Thực ra, trong những năm qua, ngành hàng không đã đóng góp thu ngân sách rất lớn. Chỉ tính riêng năm 2019, ngành hàng không Việt Nam vận chuyển 116 triệu lượt khách. Các doanh nghiệp hàng không như Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Vietnam Airlines, Vietjet… trực tiếp tạo ra doanh thu khoảng 180.000 tỷ đồng và nộp ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng.

Tác động của dịch Covid-19 mang tính toàn cầu, tất cả các nước đều bị ảnh hưởng, kể cả thu ngân sách chứ không riêng gì Việt Nam. Nhưng nếu tiếp tục giữ mức thuế như trước khi có dịch đối với ngành hàng không để bảo đảm thu ngân sách sẽ khó cho ngành này phục hồi phát triển sau dịch, đồng nghĩa thu ngân sách sẽ càng khó khăn. Vì hiện nay, chi phí cho ngành rất lớn, trong khi nhiều dịch vụ đều giảm hoặc ngừng hoạt động nhưng họ vẫn phải bảo đảm duy trì hệ thống để sau khi hết dịch có thể hoạt động kịp thời trở lại. Do đó rất cần có sự hỗ trợ đối với ngành này, thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, phí, vốn ngân hàng.

Đừng lo điều này khiến ngân sách đã khó khăn sẽ càng khó khăn. Bởi thực tế đợt dịch SARS năm 2002 – 2003 cho thấy, hết dịch làm bùng nổ du lịch, và ngành hàng không chính là bệ phóng của ngành du lịch cũng như thu hút đầu tư, giao thương… Nói cách khác, chúng ta hỗ trợ cho ngành hàng không trong thời điểm dịch bệnh này cũng chính là một cách để nuôi dưỡng nguồn thu. Chưa kể như tôi đã nói ở trên, ngành này là bệ phóng đối với một số ngành khác. Bản thân các hãng hàng không cũng đang đưa hàng nghìn người Việt Nam ở nước ngoài về nước nên việc hỗ trợ rất cần thiết.

alt text Ngành hàng không cần được hỗ trợ khẩn trương để hạn chế tác động của dịch Covid-19. (Ảnh: St).

Khẩn trương ban hành chính sách hỗ trợ

– Vậy theo ông, sự hỗ trợ này cần được tiến hành ra sao?

– Bây giờ đang là giai đoạn 2 của dịch tại Việt Nam và nhiều nước châu Á. Trong giai đoạn 1, các hãng hàng không đã ước tính thiệt hại khoảng 10.000 tỷ đồng do dịch. Giai đoạn 2 ước thiệt hại khoảng 20.000 tỷ, nâng tổng thiệt hại ước tính sơ bộ của ngành hàng không Việt Nam lên khoảng 30.000 tỷ đồng. Rõ ràng, đây là vấn đề lớn cần được Chính phủ sớm xem xét để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành, bởi tác động của dịch bệnh đang theo cấp số nhân.

Nếu chúng ta không hỗ trợ ngay từ bây giờ thì còn đợi đến bao giờ? Theo tôi, trên cơ sở đề xuất của bộ, ngành, Chính phủ cần quyết ngay các giải pháp hỗ trợ thuế, phí. Mức thuế nào vượt thẩm quyền cần đề xuất ngay sang Quốc hội xem xét, xử lý. Chống dịch như chống giặc, doanh nghiệp nguy cấp thì cần hành động ngay.

– Hiện, các hãng hàng không đang phải chịu tới 16 loại phí theo quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT. Ngoài ra, họ còn phải chịu nhiều loại phí dịch vụ hàng không khác cho các cảng hàng không. Ông nghĩ sao về điều này?

– Việc một dịch vụ, hàng hóa chịu nhiều khoản thuế, phí xảy ra ở nhiều lĩnh vực. Quốc hội đã họp bàn nhiều về vấn đề này. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo phải chống lại việc phí chồng phí, thuế chồng thuế. Trong bối cảnh hiện nay, tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, nếu xảy ra tình trạng thuế chồng thuế, phí chồng phí thực sự sẽ càng khó khăn cho các doanh nghiệp. Do đó, Bộ Tài chính cũng như các bộ, ngành có liên quan cần sớm rà soát các loại thuế, phí trên các lĩnh vực, trong đó có GTVT để khắc phục tình trạng chồng chéo nếu có. Đồng thời, xem xét cắt, giảm phí, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh. Việc này cần được làm sớm để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

– Xin cảm ơn ông!

Mới đây, Bộ Giao thông – Vận tải đề nghị Chính phủ cho phép áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, bay đến đối với các chuyến nội địa từ ngày 1.3 – 31.5.2020 và có thể kéo dài tùy diễn biến dịch bệnh. Áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ ngày 1.3 – 31.5.2020 (có thể kéo dài tùy diễn biến của dịch bệnh), nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ giảm giá cho các hãng hàng không. Ngoài ra, xem xét các giải pháp hỗ trợ như miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong 3 tháng, hoặc giảm 50% nếu ngân sách nhà nước khó khăn và giãn thời hạn nộp thuế, các khoản đóng góp vào ngân sách…

 Nguồn: http://www.daibieunhandan.vn

 

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.