Tăng trưởng GDP quý I/2020 chỉ còn 3,82% so cùng kỳ năm 2019. “Cỗ máy tăng trưởng” là doanh nghiệp (DN) đang đối mặt với khó khăn chưa từng có trong lịch sử, buộc phải cắt giảm mạnh lao động và triển khai các giải pháp ứng phó như “ngủ đông”, duy trì hoạt động tối thiểu… nhưng cũng chỉ có thể cầm cự trong ngắn hạn. Nếu để DN dừng hoạt động, chi phí để khởi động lại rất lớn và đáng lo ngại hơn, kinh tế có thể mất đà tăng trưởng.
ĐỔ NỢ VÌ DỊCH COVID-19
Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (CMSC) cho biết, tính đến hết quý I/2020, đã có 7 trong tổng số 19 DN bắt đầu không cân đối được thu chi, tổng số lỗ khoảng 3.728 tỷ đồng. Trong đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) là DN chịu thiệt hại nặng nề nhất. Tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 đã được kiểm toán, VNA thông báo đến các cổ đông về tình hình tài chính khó khăn do tác động của dịch Covid-19 và cho biết Ban lãnh đạo Tổng công ty đã có kế hoạch ứng phó, xây dựng kịch bản xấu nhất làm cơ sở xác định những phương án điều hành kinh doanh tốt nhất. Tuy nhiên, cũng như ngành hàng không toàn cầu, đại dịch đã ảnh hưởng nằm ngoài các kịch bản quản trị rủi ro của VNA. Khả năng hoạt động liên tục của Hãng sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ, gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại và các nhà cung cấp.
Để giảm thiểu tối đa tác động của dịch Covid-19, ngay từ tháng 1/2020, VNA đã xây dựng ngay các kịch bản điều hành phù hợp tình hình diễn biến của dịch bệnh và các chính sách của Chính phủ. Trong đó đặc biệt ưu tiên các giải pháp về cân đối, quản trị dòng tiền, bảo đảm duy trì hoạt động của DN. Kế toán trưởng, Trưởng Ban Tài chính VNA Trần Thanh Hiền cho biết: Quý I/2020, VNA đã bị giảm sản lượng khoảng 40%, lỗ dự kiến khoảng 2.400 tỷ đồng. Nếu dịch bệnh diễn biến như kịch bản xấu nhất, dự kiến năm 2020 VNA sẽ bị giảm doanh thu khoảng 50.000 tỷ đồng, mức lỗ có thể lên tới gần 20.000 tỷ đồng, dòng tiền bị thâm hụt từ 15.000 đến 17.000 tỷ đồng. Đây là những con số rất lớn, mà bản thân DN không thể chống đỡ được với tiềm lực của chính mình.
Bị ảnh hưởng kép do tác động từ cuộc chiến thương mại và giảm giá dầu do nhu cầu vận tải sụt giảm mạnh từ khi dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu, trong quý I/2020, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng giảm 13.194 tỷ đồng doanh thu, giảm 4.580 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế so cùng kỳ. Theo kịch bản xấu nhất, nộp ngân sách cả năm của PVN có thể giảm từ 5.000 tỷ đồng đến 27.100 tỷ đồng so với kế hoạch. Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất đang phải tính đến phương án tạm dừng sản xuất do tồn kho xăng có thời điểm lên đến hơn 90%, vượt xa mức cho phép.
Theo CMSC, dự kiến cả năm 2020, nếu dịch bệnh kéo dài, giá dầu không phục hồi, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm khoảng 279.767 tỷ đồng so với kế hoạch; 8 trong tổng số 19 tập đoàn, tổng công ty bị thua lỗ, tổng số lỗ khoảng 26.324 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước giảm khoảng 32.836 tỷ đồng so với kế hoạch.
“NGỦ ĐÔNG” CHỜ PHỤC HỒI
Khó khăn không chỉ bủa vây các đầu tàu kinh tế mà còn thử thách sức chống chịu của cả cộng đồng DN Việt Nam. Thông lệ hàng năm, quý I thường là thời điểm có tỷ lệ DN quay trở lại hoạt động tăng nhiều nhất do nhà đầu tư lên kế hoạch kinh doanh cho một năm tài chính mới, nhưng điều đó đã không lặp lại. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, hoạt động đăng ký kinh doanh của cả nước ghi nhận số DN ngừng hoạt động và rời bỏ thị trường cao hơn so với số DN được “khai sinh”. Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đã có nhiều nhà hàng, khách sạn, DN phải rao bán. Dự báo trong thời gian tới, số lượng DN rút lui khỏi thị trường còn nghiêm trọng hơn do khả năng cầm cự của nhiều DN đã tới hạn.
Sự gia tăng đột biến về số lượng DN rút lui khỏi thị trường thể hiện sự khó khăn của DN và cũng phản ánh tâm lý nhà đầu tư đang nghe ngóng, chờ đợi tình hình tiến triển của dịch bệnh để ra quyết định tiếp tục kinh doanh hay đóng cửa. Các chuyên gia kinh tế lo ngại DN phá sản chưa bao giờ là một tương lai gần đến thế và khuyến cáo, cứu nền kinh tế phải bắt đầu từ cứu DN.
HỖ TRỢ KỊP THỜI CHO CÁC TRỤ CỘT KINH TẾ
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 trên “mặt trận” kinh tế đang ở vào giai đoạn hết sức cam go khi sức khoẻ của cộng đồng DN bắt đầu suy giảm. Nếu không tận dụng được giai đoạn vàng đưa vốn ứng cứu cho sản xuất kinh doanh, rất có thể nhiều DN không còn đủ sức để đợi hỗ trợ.
Lựa chọn thứ tự ưu tiên trong các chính sách ứng phó với đại dịch là một bài toán khó, nhưng lại quyết định sự thành công của các chính phủ. Chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch nhận định, ưu tiên hàng đầu hiện nay là hạn chế DN phá sản ở mức thấp nhất. Với nguồn lực có hạn, chính sách hỗ trợ của Chính phủ hiện đang ưu tiên nguồn lực đến các DN nhỏ và và siêu nhỏ, vốn được xem là khu vực chiếm đa số trong cộng đồng DN nhưng yếu về nguồn lực, thiếu về kinh nghiệm ứng phó với khủng hoảng, và đó là một sự lựa chọn ưu tiên đúng. Nhưng tình hình đang thay đổi hàng ngày, ngay cả sức chống chịu của các DN lớn cũng có hạn trước sức tàn phá của dịch Covid-19. Các chính sách ưu tiên như hiện nay có thể áp dụng đến tháng 5, sau đó phải tính cách hỗ trợ các DN lớn, trong đó có các DN nhà nước như đề xuất của cơ quan chủ quản là Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN. Điều này rất cần thiết vì đó là những DN được coi là trụ cột của nền kinh tế, có đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước.
Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ cho rằng, các chính sách của Chính phủ đang hướng tới hỗ trợ chung nhưng cần có thêm giải pháp rất cụ thể hỗ trợ cho các tập đoàn, tổng công ty lớn là trụ cột cho phát triển. Chính phủ cần có nguồn hỗ trợ, được ví như một chính sách bảo hiểm để các DN này duy trì tồn tại để phát triển sau khi dịch bệnh kết thúc. Đây cũng là nội dung được đề cập trong Báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế vừa được Trường Đại học Kinh tế quốc dân công bố. Nhóm chuyên gia thực hiện Báo cáo cho rằng, nếu dịch bệnh được khống chế trong quý II/2020, phản ứng chính sách chỉ nên mang tính hỗ trợ nhưng nếu dịch bệnh kéo dài hơn, sẽ phải chuyển thành giải cứu. Khi đó không chỉ tập trung vào hỗ trợ thanh khoản của DN mà còn là khả năng thanh toán, cụ thể là câu chuyện tồn tại hay phá sản. Ngân hàng nhà nước cần sẵn sàng bơm thêm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng để lãi suất có thể cắt giảm thêm 1-2 điểm phần trăm. Khi các chính sách tiền tệ hay tài khóa truyền thống không đủ hỗ trợ khả năng thanh toán của DN, cần có các can thiệp tài khóa trực tiếp từ Chính phủ như mua lại nợ, tăng sở hữu vốn nhà nước tại các DN, bơm tiền trực tiếp… ở một số lĩnh vực đặc biệt quan trọng để tránh tối đa sự đổ vỡ của các tập đoàn lớn.
Tại báo cáo đánh giá về tác động của Covid-19 lên các ngành kinh tế Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã chỉ rõ du lịch, kho bãi là 2 trong số 9 ngành kinh tế chịu tác động mạnh với mức độ thiệt hại lớn, cần được tập trung ưu tiên từ các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ.
Ngành du lịch những năm qua đóng góp vào tăng trưởng GDP trên 8% và sẽ là động lực tương lai của tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nếu như du lịch đóng vai trò là trụ cột của nhiều nền kinh tế thì hàng không là một trong những công cụ chính để điều chỉnh ngành du lịch và kinh tế, bởi ngành hàng không có tác động lan tỏa đến các hoạt động kinh tế nói chung và đối với du lịch nói riêng. Ngành dịch vụ logistics hiện có quy mô 20-22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP của cả nước. Sự tác động qua lại chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng hàng không cho thấy trung bình cứ 1% tăng trưởng GDP sẽ ứng với khoảng 2% tăng trưởng hàng không. Vì vậy, hỗ trợ hàng không vượt qua khó khăn do cú sốc của đại dịch Covid-19 sẽ tác động ngay đến sự phục hồi tăng trưởng cho du lịch và logistic, góp phần quan trọng vào phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.
Tô Hà