Cần cơ chế đầu tư ‘mở’ cho sếu đầu đàn

Ngày 13/9/2021, thị trường đổ dồn sự chú ý vào thương vụ rót vốn mua cổ phiếu Vietnam Airlines (HVN) của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) trị giá lên tới 6.894,9 tỷ đồng. Sau vụ “chốt deal” đình đám này, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần tính tới một cơ chế “mở” và linh hoạt hơn để cho phép Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp thông qua Quỹ Đầu tư Chính phủ…

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

alt text
Việc SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines vừa qua đã cho thấy một động thái thể hiện sự thay đổi tích cực tư duy về đầu tư nhà nước.

Vụ “chốt deal” này được đánh giá là giúp Vietnam Airlines tạm thời bước qua “lằn ranh sinh tử”, cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 của hãng bay quốc gia đã giảm gần 44% so với cùng kỳ về mức gần 14.000 tỷ đồng, lỗ sau thuế lên đến 8.585 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 5.262 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020.

NHU CẦU CẤP THIẾT

Vì thế, đây được xem là cái kết “có hậu” cho chuỗi ngày tranh luận, trao đổi để ra được phương án hợp lý nhất cho tương lai của cánh chim đầu đàn ngành hàng không Việt Nam.

Không chỉ Vietnam Airlines, mà rất nhiều doanh nghiệp được xem là những “sếu đầu đàn” dẫn dắt nền kinh tế cũng đang gặp khó khăn vì Covid-19. Do đó, nếu những doanh nghiệp này nhận được chính sách hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ sẽ dẫn dắt “ván cờ” phục hồi kinh tế một cách hiệu quả và nhanh chóng.

“Chắc chắn điều này sẽ tác động lớn đến những doanh nghiệp vệ tinh là các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Đầu tàu chuyển động ắt các toa xe sẽ có cơ hội lăn bánh theo ngay, đó là quy luật thị trường”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Lương chia sẻ.

Nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là việc hỗ trợ các “sếu đầu đàn”, đặc biệt là những “sếu đầu đàn” nhà nước như thế nào để vừa tuân thủ các quy định, nguyên tắc của cơ chế thị trường, vừa đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế?

Bên cạnh những giải pháp hỗ trợ lãi suất, miễn, giảm, giãn các khoản thuế phí… tại Đề án “Phát triển doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới” theo Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 26/02/2020 của Chính phủ, trong giai đoạn trước mắt sẽ phát triển 8 tập đoàn, tổng công ty.

Đó là gồm EVN, PVN (lĩnh vực năng lượng), VNPT, MobiFone, Viettel (lĩnh vực viễn thông), Tân Cảng (lĩnh vực logistics), SCIC, Vietcombank (lĩnh vực tài chính – ngân hàng) được hỗ trợ trở thành “sếu đầu đàn” dẫn dắt trong việc hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới. Trong đó, đồng hành cùng sự phát triển của các tập đoàn, tổng công ty này là SCIC với vai trò phối hợp, cùng đầu tư vào các dự án trong các lĩnh vực then chốt như năng lượng tái tạo, viễn thông…

alt text
SCIC rót gần 7.000 tỷ đồng mua cổ phiếu Vietnam Airlines

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), để có thể đảm nhận vai trò dẫn dắt các ngành kinh tế trọng yếu, việc thúc đẩy hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng.

“Không thể đặt mục tiêu 

như hiện nay là phải bảo toàn vốn trong đầu tư, kinh doanh đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đây là tư duy quá gò bó, nhất là trong bối cảnh kinh doanh hiện nay. Phải cho phép doanh nghiệp linh hoạt tăng vốn, thoái vốn, đầu tư thêm hay thay đổi danh mục đầu tư để giá trị tài sản của các tập đoàn, giá trị tài sản của nhà nước lớn lên. Chứ không phải như hiện nay, cứ cổ phần hóa, thoái vốn là rút tiền ra, đưa vào ngân sách và cuối cùng chi tiêu hết”, ông Cung đặt vấn đề.

ĐẦU TƯ THEO CƠ CHẾ QUỸ ĐẦU TƯ CHÍNH PHỦ 

Còn theo TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, việc SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines vừa qua đã cho thấy một động thái thể hiện sự thay đổi tích cực tư duy về đầu tư nhà nước.

“Nhìn rộng hơn, nền kinh tế đang rất cần có một Quỹ Đầu tư Chính phủ. Đây là mô hình tích cực để giải quyết việc hỗ trợ doanh nghiệp trên nền tảng thị trường, chứ không phải cứu trợ doanh nghiệp, giống như một quỹ bảo hiểm nhưng theo phương án thị trường”, ông Thiên so sánh.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã thành lập Quỹ Đầu tư Chính phủ để đầu tư vào những doanh nghiệp dẫn dắt nền kinh tế, doanh nghiệp đầu ngành trong những lĩnh vực quan trọng, hỗ trợ doanh nghiệp khi gặp khó khăn. Thậm chí, nhiều Quỹ Đầu tư Chính phủ còn đầu tư vào các doanh nghiệp nước ngoài hoặc cho chính phủ nước ngoài vay vốn.

alt text
Sẵn sàng "vốn mồi" cho các dự án BOT

Tuy nhiên, do SCIC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nên phạm vi đầu tư rất hạn hẹp. Theo Luật 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước chỉ được đầu tư vào 4 lĩnh vực (doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; lĩnh vực độc quyền tự nhiên; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế).

Đây là một trong những hạn chế về cơ chế, chính sách cần sớm được tháo gỡ để hoạt động đầu tư của SCIC có thể tương xứng với tiềm năng vốn có.

Chính vì vậy, để Quỹ Đầu tư Chính phủ đi vào hoạt động thì phải sửa đổi, bổ sung Luật 69/2014/QH13 theo đúng mô hình tổ chức, hoạt động của các quỹ đầu tư chính phủ trên thế giới.

Theo đại diện SCIC, do là quỹ đầu tư, nên phải có cơ chế tiền lương, tiền thưởng, thu nhập, cũng như các chế độ đãi ngộ khác với doanh nghiệp nhà nước thông thường để thu hút được các chuyên gia đầu tư, chuyên gia phân tích tài chính có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản.

“Hoạt động đầu tư trên thị trường vốn rất khác với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ khác. Chỉ cần ra một quyết định đầu tư, thoái vốn chính xác, kịp thời là có thể lãi hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng và ngược lại”, ông Thiên nói thêm.

Chuyên gia Nguyễn Đình Cung lại cho rằng để SCIC hoạt động độc lập với vai trò nhà đầu tư của Chính phủ, cần thay đổi mục tiêu, đồng thời cần thực hiện tăng vốn cho SCIC để tạo nguồn đầu tư cho khu vực doanh nghiệp nhà nước.

“Để đảm bảo quy mô hoạt động của một Quỹ Đầu tư Chính phủ, nguồn vốn hoạt động của SCIC có thể được hình thành từ lợi nhuận sau thuế mà SCIC được giữ lại, thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp… Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cho phép SCIC chủ động, linh hoạt trong ra quyết định đầu tư dựa trên những nguyên tắc, cơ chế được định trước của Quỹ”, ông Cung nhấn mạnh.

Theo báo vneconomy.vn

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.