Cách du lịch và hàng không sống chung với Covid-19

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thích nghi với Covid-19, ngành du lịch Singapore và hàng không Việt Nam triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và ứng dụng công nghệ để mở cửa an toàn.

Hai khách mời của talkshow Nguy – Cơ mùa 2, số phát sóng ngày 16/12 là bà Sherleen Seah – Trưởng đại diện Văn phòng Tổng Cục Du lịch Singapore tại Việt Nam và ông Trịnh Hồng Quang – Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ về quá trình thích nghi với Covid-19 và triển vọng của du lịch, hàng không thời gian tới.

Du lịch Đông Nam Á trước “bão Covid-19”

Theo bà Sherleen, nền kinh tế Đông Nam Á trong vài năm vừa qua được đóng góp lớn từ du lịch. Tuy nhiên, sau tác động của Covid-19, du lịch quốc tế bị ngưng trệ, ngành này đã hứng chịu những tổn thất nặng nề. Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực thích nghi với khủng hoảng kinh tế, thu nhỏ quy mô, thậm chí đóng cửa. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn do đại dịch.

Theo một báo cáo từ Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc, Liên minh Châu Âu và Hội nghị Thương mại và Phát triển, khu vực Đông Nam Á có thể phải mất hơn 8,4% lượng tổng sản phẩm quốc nội trong năm 2021. Khu vực này còn được dự đoán sẽ mất 82% khoản chi tiêu trong du lịch quốc nội.

Trước đại dịch, mảng du lịch của Singapore tăng trưởng ổn định từ năm 2007 tới 2019. Số lượng khách nước ngoài cũng như chi tiêu du lịch tăng trưởng hàng năm tăng từ 4,5 tới 5%. Những số liệu gần đây cho thấy, chỉ trong nửa đầu 2021, lượng khách du lịch tới Singapore đã giảm 95,5%, chi tiêu du lịch giảm 80,2% so với cùng kỳ 2020.

Việt Nam cũng chịu những ảnh hưởng tương tự. Đại diện Vietnam Airlines dẫn chứng, năm 2019 có 18 triệu khách du lịch đến Việt Nam, năm 2020 có khoảng 3,8 triệu khách. Trong khi đó, năm 2021 dự đoán chỉ có 150.000 lượt khách quốc tế. Một ví dụ cụ thể là với ngành hàng không, năm 2019 Vietnam Airlines có thể bay trên 400 chuyến một ngày, nhưng lúc này còn khoảng 50 chuyến bay một ngày. Thậm chí, nhiều giai đoạn, có tuần không có chuyến bay chở khách nào.

Các doanh nghiệp trong ngành buộc phải tái cấu trúc, áp dụng những công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số. Sau đại dịch, khách hàng đòi hỏi những sản phẩm được cá biệt hóa và cần có chuỗi cung ứng cho cả hành trình khách hàng. Trong đợt dịch, hãng hàng không quốc gia cũng đã tích cực làm việc với những công ty lớn như Vingroup, Sun Group và Saigontourist để cùng xây dựng những sản phẩm cho thị trường khách quốc tế và nội địa.

Giải pháp của Singapore và bài học cho Việt Nam

Theo bà Sherleen, có 3 điểm doanh nghiệp du lịch nên tập trung. Thứ nhất là đổi mới và công nghệ. Riêng với mảng du lịch, Tổng cục Du lịch Singapore vừa ra mắt T-Cube, tạo ra không gian cho doanh nghiệp du lịch nhìn sâu hơn về những phương pháp số hóa, đổi mới trải nghiệm của du khách và phát triển bền vững. Thứ hai, doanh nghiệp cùng Chính phủ đã liên tục chú trọng và thúc đẩy phát triển bền vững, bảo vệ hệ sinh thái và tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ sau. Thứ ba, doanh nghiệp nên chú trọng đến vấn đề sức khỏe. Tại Singapore, nơi nổi tiếng với tiêu chí sạch và xanh cũng đạt được độ tín nhiệm cao về khoa học và sức khỏe, cho phép Singapore trở thành điểm đến đô thị hàng đầu.

Singapore từng có chiến lược “không Covid-19” nhưng đã chuyển đổi sang mô hình “sống chung với Covid-19” và mở cửa với một số quốc gia trong năm 2021. Theo đại diện Tổng cục Du lịch Singapore, việc tiêm vaccine là chìa khóa giảm thiểu rủi ro trong lúc những biến thể virus Covid-19 đang biến hóa không ngừng. Tính đến ngày 14/12, tổng số trường hợp đã hoàn thành tiêm chủng hai liều vaccine chiếm khoảng 96% dân số Singapore đủ điều kiện, 87% trong tổng dân số. Bên cạnh đó, khoảng 31% trong tổng dân số đã được tiêm chủng liều nhắc lại.

Xét nghiệm thường xuyên cũng là cách tiếp cận khác để sớm phát hiện ca nhiễm, điều trị sớm cho bệnh nhân và giảm thiểu rủi ro lây bệnh cho cộng đồng. Quy trình y tế liên tục được nâng cấp, cải tiến theo sự hướng dẫn của chuyên gia y tế để đảm bảo an toàn, sức khoẻ và sự thuận tiện.

Singapore chọn cách đánh giá rủi ro, mở cửa biên giới tùy tình hình dịch bệnh trên thế giới. Để tạo điều kiện cho du lịch, nước này đã thực hiện những chương trình du lịch an toàn, như làn xanh cho kinh doanh, du lịch và làn du lịch cho du khách đã được tiêm vaccine để kích cầu du lịch giải trí cả trong và ngoài nước.

alt text
Ông Trịnh Hồng Quang – Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines. Ảnh: NVCC

Theo ông Trịnh Hồng Quang, chỉ khi các hãng hàng không có các đường bay và mở ra hai chiều, lúc đó khách du lịch mới tin tưởng và có kế hoạch đi du lịch. Đây là điều kiện tiên quyết để các hãng du lịch tổ chức tour du lịch cũng như khách du lịch đi lại thuận tiện đến các quốc gia họ mong muốn. Cần phải có sự kết hợp giữa hai quốc gia với nhau, cụ thể là Singapore và Việt Nam để có những quy định nhất quán thúc đẩy du lịch hai nước.

Hiện “hộ chiếu vaccine” được xem là chìa khóa cho ngành du lịch thế giới. Chứng nhận tiêm chủng cho phép người đã tiêm bỏ qua quá trình xác minh y tế, tùy theo những biện pháp tại biên giới của mỗi nước. Theo đại diện Tổng Cục Du lịch Singapore, quốc đảo này hiện có hơn 20 làn xanh du lịch, vaccine và đa số được áp dụng hai chiều. Điều này không chỉ giúp hồi sinh ngành hàng không và du lịch khỏi ảnh hưởng từ đại dịch, mà còn giúp phục hồi nền kinh tế.

Vietnam Airlines cũng thử nghiệm hộ chiếu vaccine theo chương trình của Hiệp hội các hãng hàng không quốc tế. Ông Trịnh Hồng Quang cho rằng, cần phải đẩy mạnh công nghệ số và áp dụng hộ chiếu vaccine để tăng hiệu quả, tốc độ và xử lý các dữ liệu hộ chiếu vaccine của du khách để khi khách sử dụng hộ chiếu thuận tiện khi nhập cảnh và xuất cảnh, ngăn chặn rủi ro hộ chiếu vaccine giả.

Bên cạnh đó, Singapore cũng áp dụng các giải pháp sáng tạo để kích cầu du lịch, định hình những xu hướng du lịch mới. Để tạo ra giá trị mới này, các thương hiệu du lịch Singapore đẩy mạnh ứng dụng số hóa vào trong những biện pháp kinh doanh thực, tận dụng công nghệ mới như VR – thực tế ảo và AR – thực tế tăng cường để tạo ra trải nghiệm mới cho khách hàng.

Tương lai cho du lịch hai chiều Việt Nam – Singapore

Từ góc nhìn của mình, ông Trịnh Hồng Quang cho rằng, điều kiện cần và đủ để các hãng hàng không của Việt Nam có thể phục hồi là dịch bệnh phải được kiểm soát, có chính sách cách ly hợp lý và đẩy mạnh truyền thông rằng Việt Nam là điểm đến an toàn. Trong khi đó, các công ty du lịch và các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng ở Việt Nam cần có những sản phẩm mới, những tư duy mới.

“Chúng tôi biết rằng có một điều không bao giờ thay đổi, đó là niềm đam mê, khao khát đi du lịch và khám phá những điểm đến mới”, bà Sherleen nhấn mạnh.

Trong cuộc khảo sát gần đây của Tổng cục Du lịch Singapore về nguyện vọng du lịch với hơn 2.000 người Việt Nam trên toàn quốc, hầu hết trả lời họ thực sự khao khát được đi du lịch. Họ chú trọng hơn về an toàn cũng như trải nghiệm chân thực và phong phú tại một điểm đến. Đặc biệt, ở nhóm tuổi từ 20 đến 40 tuổi, nhiều người muốn đi du lịch nước ngoài và chỉ cần một điểm gần đã đáp ứng nhu cầu của họ. Đây là cơ hội cho oanh nghiệp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để phục vụ khách hàng.

Đại diện Vietnam Airlines cũng bày tỏ tin tưởng, sau đại dịch, việc du lịch sẽ trở nên bùng nổ. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đang trong quá trình nắm bắt hành vi của khách để không những thỏa mãn nhu cầu đó mà còn đưa ra định hướng để khách nên sử dụng những dịch vụ gì.

“Sản phẩm du lịch phải tích hợp mọi cái tinh từ truyền thống đến hiện đại. Tất cả những cái đó tạo ra một thị trường du lịch mới, một nguồn năng lượng mới cho ngành du lịch sau đại dịch. Hàng không cũng vì sự phát triển của ngành du lịch thì tôi nghĩ cũng sẽ cất cánh”, ông Trịnh Hồng Quang nói.

Ở một góc nhìn khác, bà Sherleen nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển bền vững, không chỉ vì mục tiêu xã hội, mà còn cho phép hoạt động kinh doanh hiệu quả về chi phí. Sản phẩm du lịch cần hướng đến người tiêu dùng làm trung tâm và cá nhân hóa hơn. Khi biên giới dần dần mở lại, các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau sẽ phải làm việc cùng nhau để đổi mới, phát triển các giải pháp đó và hình dung lại những gì trải nghiệm du lịch mới.

Đến nay, Việt Nam có kế hoạch mở cửa cho khách quốc tế cũng như các hãng hàng không khai thác các chuyến bay quốc tế tới Việt Nam và đi các nước khác là vào khoảng tháng 1/2022.

“Trong kế hoạch năm 2022, chúng tôi đã đề nghị xây dựng một kế hoạch theo các kịch bản, ở mức cao nhất. Nguồn lực của Vietnam Airlines đáp ứng mọi yêu cầu về du lịch của thị trường Việt Nam cũng như thị trường quốc tế đến Việt Nam. Các bạn sẽ không lo rằng không có các chuyến bay hay thiếu nguồn lực phi công, máy bay, kỹ thuật, tiếp viên để nối lại đường bay quốc tế”, ông Quang nói.

Để thúc đẩy gia tăng sự hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Singapore, bà Sherleen cho rằng, cần có sự công nhận lẫn nhau của các chứng chỉ vaccine để việc đi lại hai chiều được tiếp tục.

Trong khi đó, ông Trịnh Hồng Quang cho rằng, Chính phủ hai nước cần có sự hợp tác chặt chẽ và đặt ngay trong quý I/2022 một bước tiến dài trong việc phát triển du lịch sau đại dịch. “Vietnam Airlines sẵn sàng kết hợp với Tổng Cục Du lịch Singapore để đưa ra những chương trình khuyến mại, những chương trình hợp tác một cách cụ thể và sâu rộng”, đại diện hãng hàng không cho biết.

Theo báo vnexpress.net

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.