[Báo Giao thông] Hành khách lợi gì khi bay thẳng thường lệ tới Mỹ?

Trưởng phòng Vận tải Cục Hàng không VN Hồ Quốc Cường cho rằng, đường bay thẳng luôn là sản phẩm bay hoàn hảo nhất dành cho hành khách.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chiều qua (16/11), VNA chính thức nhận chứng chỉ cấp phép khai thác thường lệ các chuyến bay thẳng không điểm dừng đến Mỹ. Chuyến bay đầu tiên dự kiến cất cánh vào ngày 28/11. Báo Giao thông trao đổi với ông Hồ Quốc Cường – Trưởng phòng Vận tải, Cục Hàng không VN xung quanh vấn đề này.

Thể hiện năng lực của ngành hàng không Việt

Việc VNA được cấp phép bay thẳng đến Mỹ có ý nghĩa như thế nào trong thời điểm này?

Việc hãng hàng không Việt Nam nói chung và VNA nói riêng thiết lập đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không chỉ mang tính thương mại thuần túy, còn thể hiện năng lực của hãng hàng không cũng như toàn ngành hàng không và đặc biệt là thể hiện mối quan hệ toàn diện giữa hai đất nước.

Ngay từ khi ngay sau khi Hiệp định hàng không Việt Nam – Hoa Kỳ được ký tháng 12/2003, các nhà hoạch định chiến lược của ngành hàng không Việt Nam và VNA với vai trò là hãng hàng không quốc gia của Việt Nam đã phối hợp, xúc tiến xây dựng một kế hoạch khai thác các đường bay đến bờ Tây Hoa Kỳ.

Thị trường vận tải hàng không đến Hoa Kỳ là một thị trường lớn, giàu tiềm năng với tổng dung lượng thị trường giữa Việt Nam và Hoa Kỳ những năm trước đây luôn đạt trên 700 nghìn lượt hành khách. Tỷ lệ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010-2019 đạt trên 8%/năm.

alt text
VNA đang khai thác đội tầu bay tầm xa B787-9, B787-10 và A350-900 được đánh giá là bước chuẩn bị tích cực cho việc khai thác thị trường Hoa Kỳ (Ảnh: VNA).

Để có thể khai thác đường bay trực tiếp đến Hoa Kỳ, ngành hàng không Việt Nam mà cụ thể là Cục Hàng không VN và VNA nhiều năm qua đã và đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, từ công tác nghiên cứu thị trường, xác định sản phẩm bay hiệu quả tới việc đáp ứng mức 1 (Category 1) năng lực giám sát an toàn hàng không theo quy định của Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) trên cơ sở FAA tổ chức đánh giá An toàn hàng không toàn cầu (IASA) đối với Cục Hàng không VN cũng như công tác chuẩn bị kỹ thuật, làm chủ công nghệ khai thác, bảo dưỡng chủng loại tàu bay thế hệ mới để có thể thực hiện chuyến bay xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific) tới Mỹ.

Với vai trò là nhà chức trách hàng không, ngày 15/2/2019, Cục Hàng không VN đã được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1), đồng nghĩa với việc các hãng hàng không của Việt Nam được quyền mở đường bay đến Hoa Kỳ; Đồng thời, tạo điều kiện cho hoạt động hợp tác liên danh với hãng hàng không của Mỹ trên các chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam. Vì vậy, có thể khẳng định, việc đạt CAT1 đã đảm bảo điều kiện cần, tiên quyết để các hãng hàng không của Việt Nam mở đường bay đến Hoa Kỳ.

Hạn chế tối đa rủi ro có thể bị từ chối nhập cảnh

Vậy thưa ông, hành khách sẽ được gì khi VNA khai thác đường bay thẳng thường lệ đến Mỹ?

Về sản phẩm đường bay thẳng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (bay không điểm dừng hoặc có điểm hạ cánh kỹ thuật tiếp nhiên liệu, hành khách vẫn ngồi trên tàu bay như các chuyến bay đưa công dân hồi hương đã thực hiện thời gian qua).

Tôi có thể khẳng định, đây luôn là sản phẩm bay hoàn hảo nhất dành cho hành khách khi thời gian bay rút ngắn tối đa, hạn chế tới mức thấp nhất các vướng mắc có thể xảy ra đối với hành khách và hành lý khi so sánh với việc phải nối chuyến, nhất là các hành khách không tự tin khi phải chuyển chuyến bay tại sân bay nước thứ 3.

alt text

Đường bay thẳng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (bay không điểm dừng hoặc có điểm hạ cánh kỹ thuật tiếp nhiên liệu) luôn là sản phẩm bay hoàn hảo nhất dành cho hành khách khi thời gian bay rút ngắn tối đa, hạn chế tới mức thấp nhất các vướng mắc có thể xảy ra đối với hành khách và hành lý khi so sánh với việc phải nối chuyến (Ảnh: VNA).

Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ trên thế giới, các chuyến bay thẳng hạn chế tối đa khả năng hành khách phải tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau khi nối chuyến.

Bên cạnh đó, khi hành khách tham gia các chuyến bay trực tiếp giữa hai nước thì thông tin về hành khách (thị thực, thông tin sức khỏe…) đã được chuyển tới điểm đến để kiểm tra trước chuyến bay nên hạn chế tối đa rủi ro có thể bị từ chối nhập cảnh.

Cạnh tranh lớn khi bay đến thị trường hàng đầu thế giới

Theo ông, việc VNA khai thác đường bay thẳng đến Mỹ vào thời điểm này có thuận lợi và khó khăn gì? VNA khai thác đường bay thẳng quan trọng này vào thời điểm này liệu có hiệu quả?

Về yếu tố thị trường, VNA đã có nhiều nghiên cứu nhằm tìm lời giải cho bài toán thị trường (nguồn khách thường xuyên), theo đó, lựa chọn phương án tìm một điểm giữa thích hợp tại Châu Á để có thể kết hợp khai thác thương quyền 5 tới Hoa Kỳ hoặc bay thẳng (non-stop).

Bên cạnh đó, người Việt tại Hoa Kỳ nói riêng và khu vực Bắc Mỹ nói chung cùng với cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ là một cộng đồng đông đảo, chiếm tỷ trọng trên 75% tổng dung lượng. Tuy nhiên, cộng đồng người Việt lại sinh sống phân tán, đi lại mang tính thời điểm, chưa thực sự thành một nguồn khách thường xuyên trong khi lượng khách doanh nhân chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 40% nên việc xác định điểm đến là nhiệm vụ thực sự khó khăn để đảm bảo duy trì hiệu quả khai thác đường bay trong cả năm.

Tuy nhiên, với đánh giá việc khai thác trực tiếp đến Hoa Kỳ sẽ tạo cho hãng hàng không một vị thế cạnh tranh trên thị trường, là sự khẳng định thương hiệu quốc tế của hãng và đặc biệt là nhiệm vụ chính trị nhằm tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế của Việt Nam, Cục Hàng không VN, VNA và các đơn vị trong ngành đều xác định sự cần thiết phải sớm đưa vào khai thác đường bay trực tiếp đến Hoa Kỳ dù điều kiện về thị trường thời gian đầu chưa thực sự thuận lợi.

Tương tự như các hãng hàng không khác, việc vận chuyển khách vào Việt Nam vẫn phải tuân thủ các quy định của Chính phủ về đưa người nhập cảnh cũng như các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh nên giai đoạn đầu hệ số sử dụng ghế trên các chuyến bay sẽ chưa thể cao.

Ông đánh giá thế nào về mức độ cạnh tranh mà VNA có thể đối mặt khi khai thác đường bay này?

Thị trường hàng không đi/đến Hoa Kỳ là một trong những thị trường hàng không hàng đầu trên thế giới với sự tham gia của hầu hết các hãng hàng không lớn nên khi VNA tham gia thị trường hàng không đi/đến Hoa Kỳ chắc chắn sẽ phải đối mặt với sức cạnh tranh không hề nhỏ từ nhiều hãng hàng không.

Tuy nhiên, với ưu thế là hãng hàng không đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm hiện tại tổ chức khai thác chuyến bay chở khách thường lệ trực tiếp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ với các lợi thế về đường bay thẳng như đã nói ở trên, VNA vẫn có những ưu thế riêng, nguồn khách tiềm năng riêng để duy trì và phát triển đường bay.

Tôi tin VNA sẽ giữ định hướng khai thác, sớm vượt qua giai đoạn khó khăn chung của ngành hàng không trên toàn thế giới vì dịch bệnh để khai thác ổn định, bền vững đường bay, đưa đường bay trở thành một trong các đường bay trọng điểm trong mạng đường bay quốc tế của VNA, đặc biệt là trong định hướng cải tổ mạng đường bay quốc tế giai đoạn hậu Covid-19.

Đội tàu bay của VNA hiện tại có thể đảm bảo bay thẳng đầy tải đến Mỹ?

Việc khai thác đến Hoa Kỳ với đường bay xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific) là một thách thức về kỹ thuật khai thác tàu bay đối với nhiều hãng hàng không, bao gồm cả năng lực tàu bay cũng như năng lực đội ngũ nhân lực khai thác tàu bay như phi công, thợ kỹ thuật…

VNA đang khai thác đội tầu bay tầm xa B787-9, B787-10 và A350-900 được đánh giá là bước chuẩn bị tích cực cho việc khai thác thị trường Hoa Kỳ với đường bay thẳng không điểm dừng (non-stop) hoặc có 1 điểm hạ cánh kỹ thuật tại Đông Bắc Á. Với đường bay này, thời điểm khai thác trong năm cũng ảnh hưởng không nhỏ tới lượng tải thương mại có thể thực hiện khi yếu tố thời tiết, chiều gió các mùa sẽ có các khác biệt rõ rệt.

Về lâu dài, VNA đã nghiên cứu đầu tư chủng loại tàu bay B777X hoặc A350-900ULR là những dòng máy bay chuyên khai thác trên các đường bay dài với hiệu quả khai thác cao để bay thẳng đến Hoa Kỳ không có điểm dừng, đảm bảo hiệu quả kinh tế của đường bay.

Cảm ơn ông.

Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục phối hợp các hãng hàng không trong việc đảm bảo về cơ sở pháp lý cho việc hoàn thiện sản phẩm bay hiệu quả cũng như đảm bảo về năng lực khai thác bay, Cục Hàng không VN vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng là duy trì CAT1, đảm bảo không bị hạ cấp gây ảnh hưởng tới uy tín của ngành hàng không cũng như kế hoạch mở đường bay của hãng hàng không Việt Nam.

Theo quy định của Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA), trong trường hợp vừa được phê chuẩn CAT1 như Việt Nam, trong một năm tiếp theo, phía Mỹ sẽ thanh sát trở lại. Những năm tiếp theo, Mỹ tiếp tục theo dõi quá trình hoạt động của Việt Nam và có thể thanh sát bất thường. Trong quá trình đó, Việt Nam phải đảm bảo các tiêu chuẩn chuyên ngành, hệ thống tổ chức của ngành hàng không dân dụng phải liên tục cập nhật, trong đó, chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực và huấn luyện đào tạo nguồn nhân lực là quan trọng nhất trong đánh giá của FAA.

Định kỳ hàng năm, Cơ quan an ninh vận tải Hoa Kỳ (TSA) đều sẽ tổ chức đánh giá công tác bảo đảm an ninh tại hai Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất là các điểm xuất phát (last point of departure-LPD) của các chuyến bay đến Hoa Kỳ.

Theo: Báo Giao thông

Nguyen Mai Huong-COMM

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.