[Báo Đầu tư] Thị trường hàng không Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng cao hơn mặt bằng khu vực và thế giới

Đây là khẳng định của ông Dương Trí Thành – Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTPCP (Vietnam Airlines – HVN) tại Hội thảo về triển vọng kinh tế vĩ mô 2019 do HSBC tổ chức vào chiều nay.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TGĐ Dương Trí Thành là diễn giả khách mời tại Hội thảo về triển vọng kinh tế vĩ mô 2019 do HSBC tổ chức. (Ảnh: Vũ Tuấn). 

Logistics hàng không hưởng lợi

Theo ông Thành, bất chấp việc kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy thoái do những tác động tiêu cực cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, thị trường hàng không Việt Nam trong giai đoạn 2020 – 2023 vẫn sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng từ 10 – 12%/năm, cao gấp khoảng gấp đôi so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới.

“Dư địa tăng trưởng vẫn còn do các lĩnh vực vận tải khác như đường bộ, đường sắt chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân nhưng việc có tới 2 -3 hãng hàng không mới sẽ được cấp phép vào năm tới (2020) sẽ khiến cạnh tranh của thị trường hàng không Việt Nam ngày một gay gắt”, ông Thành đánh giá.

Ghi nhận những tác động tích cực của sự chuyển dịch chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu vào khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, CEO Vietnam Airlines cho rằng logistics hàng không sẽ là một trong những lĩnh vực sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

“Nếu như trước đây hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bằng đường hàng không chủ yếu là trái cây nhưng thời gian gần đây mặt hàng chủ lực lại là các sản phẩm điện thoại công nghệ cao có khối lượng và giá trị lớn”, ông Thành cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, theo dự báo của Bộ GTVT và dự đoán đến năm 2035, Việt Nam được đánh giá nằm trong 5 thị trường tăng trưởng hàng hóa hàng không nhanh nhất thế giới, là cơ hội cho các hãng hàng không, doanh nghiệp logistics hàng không phát triển. 

Hiện tốc độ phát triển bình quân hàng năm của logistics Việt Nam đang ở mức tăng trưởng bền vững 14-16%. LPI (Logistics Performance Index) của Việt Nam năm 2018 xếp cao hơn các nền kinh tế có quy mô lớn như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia với hiệu suất dịch vụ logistics tốt hơn hẳn các thị trường có mức thu nhập tương đương.

Bên cạnh đó, về vị trí địa lý, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để đưa hàng hóa xuất nhập khẩu đến với thế giới cũng như trở thành địa điểm trung chuyển hàng hoá lý tưởng cho các nước. Dù Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển logistics, nhưng đến nay cơ sở hạ tầng cũng như công nghệ quản lý và chính sách vẫn cần được đẩy mạnh hơn nữa để bắt kịp trình độ phát triển của các nước đối tác và thu hút đầu tư từ nước ngoài. Đặc biệt trong lĩnh vực hàng không, hạn chế về mặt bằng cho các dịch vụ logistics là thách thức không nhỏ.

“Vietnam Airlines đã sớm nhìn thấy tiềm năng, cơ hội lớn trong việc dịch chuyển chuối cung ứng để xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, đặc biệt trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa và logistics. Chúng tôi đang tích cực nghiên cứu mô hình hãng hàng không có tàu bay chuyên dụng chở hàng và cơ hội phát triển các Trung tâm logistics hàng không tại các sân bay quốc tế”, ông Thành.

Vietnam Airlines đang tích cực nghiên cứu mô hình hãng hàng không có tàu bay chuyên dụng chở hàng và tìm cơ hội phát triển các Trung tâm logistics hàng không tại các sân bay quốc tế. (Ảnh: VNA).

Áp lực hạ tầng và nhân lực

Tuy nhiên để biến các lợi thế thành hiện thực, theo ông Thành, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển hạ tầng, tạo điều kiện cho logistics phát triển. Thông tin việc Vietnam Airlines đang đầu tư phát triển Trung tâm logistics hàng không tại Cần Thơ nhưng tiến độ khá chậm do những vướng mắc trong việc xin cấp đất, ông Thành cho rằng, đây cũng là một trong những nút thắt cần sớm được tháo gỡ trong việc kêu gọi phát triển các trung tâm logistics.

Mặc dù vây, theo CEO Vietnam Airlines, những khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục cấp phép không phải là chuyện riêng tại Việt Nam. Tại Trung Quốc, hãng hàng không quốc gia đã và đang phải chờ đợi được cấp thêm slot từ nhiều năm nay mà chưa được giải quyết.

“Trong thời gian vừa qua, việc cấp phép thành lập các hãng hàng không mới là khá nhanh. Trong thời gian tới thị trường sẽ sôi động hơn nữa nhưng việc cho ra đời hãng hàng không mới cũng cần đặt trong tương quan cơ sở hạ tầng và năng lực quản lý của nhà chức trách hàng không”, ông Thành bình luận.

Được biết, do quá tải về hạ tầng tại một số cảng hàng không lớn đang khiến việc nâng cao sản lượng và chất lượng vận chuyển của các hãng hàng không bị hạn chế. Rõ nhất là việc hạn chế về giới hạn hầu hết các khung giờ hạ/cất cánh ban ngày tại Tân Sơn Nhất hoặc khống chế số chuyến cất cánh tối đa 5 chuyến quốc tế trong một khung giờ tại Cam Ranh… đã làm ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển mạng bay của các hãng hàng không.

Ngoài cơ sở hạ tầng, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có đội ngũ phi công cũng sẽ là bài toán khó không dễ giải quyết trong một sớm một chiều mà các hãng hàng không trong nước sẽ phải đối mặt. Ngay cả khi có đủ nguồn lực tài chính, thời gian để đào tạo một phi công Boeing787 hoặc A350 cần khoảng từ 6 -8 năm, trong khi nhu cầu thị trường đang tăng nhanh.

Theo ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế Thế giới của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (NCIF), việc Việt Nam tham gia 2 hiệp định quan trọng là CPTPP và EVFTA đã tạo ra những kỳ vọng cho tăng trưởng Việt Nam thời gian tới.

Tuy nhiên, EVFTA cũng đặt ra những thách thức lớn đối với Việt Nam, như sức đề kháng thấp và cạnh tranh trước các dòng thuế quan, tiếp cận các dòng thuế quan ưu đãi. Hiệp định cũng đặt Việt Nam trước việc có sẵn sàng cải cách thể chế hay không để hưởng lợi những ưu đãi và khắc phục những tác động tiêu cực của hiệp định. Điều này vô hình chung, đặt ra thách thức không chỉ cho Chính phủ mà cả doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất lao động. 

Hướng tới top 3 ASEAN

Khẳng định Vietnam Airlines đang quyết tâm sớm trở thành hãng hàng không top 3 về quy mô  trong khu vực Đông Nam Á và Top 10 hãng hàng không được ưa thích tại châu Á. Đây là những điều kiện để hãng khẳng định vị thế cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường nội địa và quốc tế.

Để đạt mục tiêu này, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục đầu tư đổi mới đội tàu bay hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí; đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, từng bước đạt chứng nhận hãng hàng không 5 sao sau năm 2020 gắn với cung cấp các dịch vụ truyền thống đặc trưng Việt Nam; tăng cường liên doanh, liên kết mở rộng mạng bay, đáp ứng nhu cầu đa dạng của hành khách, đồng thời thông qua các hoạt động hợp tác tạo ra những sản phẩm mới, tăng thêm giá trị vào sản phẩm cốt lõi là vận tải hàng không.

Hướng tới việc phát triển bền vững, Vietnam Airlines cũng xác định sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp có sức thu hút chất xám hàng đầu Việt Nam bằng việc thực hiện các chiến lược cụ thể môi trường làm việc năng động, sáng tạo, tạo hứng thú trong công việc, thu nhập cao, ổn định, cơ hội đào tạo và phát triển nghề nghiệp; nâng cao năng lực quản trị điều hành doanh nghiệp  theo chuẩn mực quốc tế; xây dựng bộ máy cán bộ, người lái, kỹ sư, chuyên gia tinh nhuệ về chuyên môn, năng suất lao động cao.

Trong bối cảnh tất cả các hãng hàng không đều tiết giảm chi phí, phương châm của Vietnam Airines sẽ là tăng chi phí hợp lý nhưng doanh thu bù đắp các chi phí đó phải tăng nhanh hơn.

Lấy ví dụ với thị trường Việt Nam nơi mà đối tượng khách trung lưu tăng trưởng 10%/năm trong những năm qua và sẽ tiếp tục tăng, CEO Vietnam Airlines cho biết đây là đối tượng chủ yếu sử dụng dịch vụ của Vietnam Airlines. Do vậy, việc triển khai các chương trình chăm sóc để thu hút, giữ và phát triển đối tượng này cần được ưu tiên tập trung.

“Điều quan trọng là sử dụng công cụ để hiểu thị hiếu của các đối tượng khách hàng mục tiêu để có thể đầu tư chi phí dịch vụ đúng và hợp lý”, ông Thành cho biết.

Được biết, bốn chủ đề tại Hội thảo đều là các vấn đề nóng, liên quan sát sườn, có tác động trực diện tới hoạt động của các doanh nghiệp và nhà đầu tư đang làm ăn tại Việt Nam là căng thẳng thương mại Mỹ Trung và những tác động tới nền kinh tế Việt Nam; ứng phó của chính phủ và các nhà hoạch định chính sách; tiềm năng của thị trường nội địa bù đắp các thách thức đối với thị trường xuất khẩu; doanh nghiệp nên làm gì để hạn chế rủi ro và nắm bắt cơ hội phát triển.

Theo ông Joseph Incalcaterra, chuyên gia kinh tế ASEAN cao cấp, thuộc Khối nghiên cứu Tập đoàn HSBC, năm 2019 dự báo tăng trưởng của Hoa Kỳ là 2,3% năm 2019 và 1.6% năm 2020 trong khi đó quốc gia láng giềng Trung Quốc dự báo tăng trưởng 6,2% năm nay và 5,8% năm 2020, còn khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng trưởng quanh mức 1%.

Những mức tăng trưởng này đều tác động đáng kể tới hợp tác kinh tế Việt Nam với các đối tác. HSBC dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% năm 2019 và 6,5% năm 2020 với chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng lần lượt 2,7% và 3,0% trong năm 2019 và 2020.

Quan ngại về những tác động tiêu cực từ thuế quan của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, ông Trần Toàn Thắng cho rằng, trong ngắn hạn, ví dụ nửa đầu năm 2019, thương chiến Mỹ – Trung mang lại một số tác động tương đối tích cực đối với xuất khẩu của Việt Nam, chẳng hạn xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Thậm chí, nhiều đánh giá cho rằng Việt Nam là một trong những thị trường hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại.

Tuy nhiên, trong dài hạn, chẳng hạn từ năm 2021 – 2023 khi chiến tranh thương mại chuyển từ phạm vi thương mại sang sản xuất thì những tác dụng tiêu cực tương đối lớn tới kinh tế Việt Nam, do đó buộc Việt Nam phải chuẩn bị tâm thế đương đầu với các thách thức, bởi ranh giới giữa cơ hội và thách thức của thương chiến Mỹ – Trung rất mong manh.

Vietnam Airlines quyết tâm trở thành hãng hàng không top 3 về quy mô trong khu vực Đông Nam Á và Top 10 hãng hàng không được ưa thích tại châu Á. (Ảnh: Vũ Tuấn).

Theo Anh Minh – Báo Đầu tư

Nguyen Xuan Nghia – COMM

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.