Bảo đảm tuyệt đối an toàn bay trong “cơn lốc” tăng trưởng

Thị trường hàng không Việt Nam (HKVN) thời gian qua có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, giai đoạn 2010-2017 tăng trung bình 16,64%/năm về hành khách, 14%/năm về hàng hóa. Điều này đặt ra không ít thách thức đối với công tác bảo đảm an toàn bay, yếu tố quan trọng hàng đầu của ngành hàng không.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN


Nhân viên Cảng hàng không quốc tế Nội Bài kiểm tra an ninh đối với hành khách đi tàu bay.

An toàn bay – yêu cầu số một

Sáng 29-10 vừa qua, chiếc máy bay Boeing 737 của Hãng hàng không Lion Air (In-đô-nê-xi-a) chở theo 189 người đã rơi xuống vùng biển ở độ sâu khoảng 30 đến 35 m ngoài khơi đảo Java, sau khi cất cánh từ thủ đô Gia-các-ta. Theo công bố của Cơ quan tìm kiếm và cứu hộ quốc gia In-đô-nê-xi-a, không người nào trên máy bay may mắn sống sót. Thảm họa hàng không này khiến cả thế giới bàng hoàng. In-đô-nê-xi-a là quốc gia có thị trường hàng không tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông – Nam Á, và cũng là nơi hứng chịu những vụ tai nạn máy bay gây thương vong lớn nhất trong vài năm trở lại đây. Một vụ tai nạn máy bay thảm khốc với gần 200 nạn nhân thiệt mạng đã cảnh báo rất nhiều điều về vấn đề an toàn bay, không riêng với quốc gia nào. Đối với hàng không, vấn đề an toàn được xác định là mục tiêu, nhiệm vụ số một, có ý nghĩa sống còn.

Theo thống kê năm 1990, lượng hành khách đi lại bằng hàng không tại Việt Nam chưa đến 1 triệu lượt/năm, đến năm 2017 đã tăng lên 94 triệu lượt khách/năm (tăng trưởng 17% so với năm 2016). Dự kiến trong năm nay, hành khách thông qua các cảng HKVN sẽ vượt 100 triệu lượt. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đánh giá, Việt Nam là một trong năm thị trường hàng không có lượt hành khách tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trên thực tế, mỗi năm nước ta vẫn xảy ra hàng chục sự cố hàng không, trong đó có những sự cố nghiêm trọng như máy bay hạ cánh nhầm hoặc lệch đường băng, lốp máy bay bị cắt do va vào vật thể trên đường băng,… Cho đến nay, hàng không vẫn là ngành vận tải an toàn nhất. Hơn 20 năm liên tục, vận tải HKVN đã được bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để xảy ra tai nạn nào, dù mỗi năm có hàng trăm nghìn chuyến bay trên bầu trời của các hãng hàng không trong nước. Yếu tố này là nền tảng vững chắc để vận tải hàng không phát triển với tốc độ cao. Tuy nhiên, đi kèm với tăng trưởng cao là áp lực ngày càng tăng với nhiệm vụ bảo đảm an toàn bay, công tác điều hành bay, cung cấp các dịch vụ trên không, mặt đất,…

Giữa tháng 10 vừa qua, ba hãng hàng không của Việt Nam là Vietnam Airlines (VNA) và Jetstar Pacific đã được AirlineRatings, một website uy tín trên thế giới chuyên đánh giá về mức độ an toàn và chất lượng dịch vụ của hơn 435 hãng hàng không toàn cầu xếp hạng tuyệt đối 7/7 sao về an toàn hàng không. Bên cạnh nỗ lực rất lớn của các hãng hàng không, Cục HKVN đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống giám sát an toàn hàng không trên tám yếu tố trọng yếu của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) để đạt điểm xếp hạng tổng thể tối đa 7/7 sao. Hãng hàng không VNA đã xây dựng thành công và đưa vào vận hành hệ thống quản lý an toàn dựa trên dữ liệu an toàn để dự báo, xác định các nguy cơ, từ đó có phương án xử lý, phòng ngừa kịp thời.

VNA được xếp hạng cao nhất về an toàn hàng không

Phó Tổng Giám đốc VNA Nguyễn Thái Trung khẳng định, hãng luôn xác định an toàn là nguyên tắc số một, không thể đánh đổi trong mọi hoạt động và là hoạt động thường kỳ, liên tục. Điều này tiếp tục khẳng định ngành HKVN thường xuyên và đặc biệt chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn bay. Lãnh đạo Cục HKVN cũng nhiều lần khẳng định, không vì chạy theo tăng trưởng mà lơ là công tác an toàn, “hạ bớt” tiêu chuẩn bảo đảm an toàn bay. Theo Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên, Hiệu trưởng Trường phi công Bay Việt, hàng không dân dụng luôn lấy an toàn làm gốc, vì đằng sau phi công là sinh mạng hàng trăm hành khách và chiếc máy bay – khối tài sản trị giá tới 250 triệu USD. Thống kê trong ngành hàng không cho thấy, có hơn 80% số vụ tai nạn máy bay thương mại xảy ra đều gắn với yếu tố con người. Các máy bay khi đang bay đều có thể gặp sự cố kỹ thuật nhưng nguyên nhân khiến máy bay rơi lại là sự mất bình tĩnh, dẫn đến sai lầm của phi công khi xử lý sự cố.

Siết chặt quy định bảo đảm an toàn

Thời gian gần đây, tại một số cảng hàng không, sân bay đã xảy ra nhiều sự cố uy hiếp an toàn hàng không, trong đó có những vụ việc khá nghiêm trọng. Tuy các sự cố này chưa để lại hậu quả, song đã làm dấy lên lo ngại về công tác bảo đảm an ninh, sự phối hợp, hiệp đồng của các cơ quan chức năng tại các sân bay, cũng như mức độ ứng dụng công nghệ trước yêu cầu ngày càng cao của kiểm soát an ninh trong vận tải hàng không. Đơn cử, hồi đầu tháng 3 vừa qua, một thanh niên bị tâm thần đã trèo tường vào sân bay Vinh (Nghệ An), vượt qua nhiều “chốt” bảo đảm an ninh, trèo lên cầu thang lên máy bay đang chuẩn bị đón khách. Thanh niên này đến cửa máy bay mới bị nhân viên hàng không phát hiện, ngăn chặn và báo cho lực lượng an ninh. Sự cố xâm nhập trái phép vào khu bay và lên tàu bay này được cơ quan chức năng và các chuyên gia hàng không nhận định là sự cố uy hiếp nghiêm trọng an ninh, an toàn. Để xảy ra sự cố đe dọa an toàn, lỗi chủ quan chính thuộc về lực lượng chức năng chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thực hiện công việc. Nguyên nhân khách quan do cơ sở vật chất, trang bị phục vụ bảo đảm an ninh tại nhiều sân bay còn sơ sài. Tại một số sân bay nội địa, còn xảy ra hiện tượng gia súc, vật nuôi chạy vào đường băng, uy hiếp trực tiếp an toàn bay.

Cảng vụ hàng không miền nam cho biết, trong tháng 10 vừa qua, tại sân bay Tân Sơn Nhất xảy ra 40 vụ việc liên quan vấn đề an ninh, an toàn hàng không, từ những vụ việc ảnh hưởng trực tiếp như chiếu tia la-de vào buồng lái khi phi công đang hạ cánh, đến việc hành khách mang vũ khí, công cụ hỗ trợ trái phép,… đều được ghi nhận. Lực lượng an ninh hàng không và cơ quan chức năng tại sân bay đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý cho nên không gây ảnh hưởng, uy hiếp đến an ninh, an toàn bay. Với tần suất hơn 2.000 chuyến bay và gần ba triệu lượt hành khách trong một tháng, các sự cố xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Theo thống kê của Cục HKVN, trong tám tháng năm nay, cả nước đã xảy ra 60 sự cố hàng không, tăng 17,6% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, có một sự cố nghiêm trọng (mức B), bảy sự cố uy hiếp an toàn cao (mức C) và 52 sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn (mức D). Về phân loại sự cố, có 29 sự cố do kỹ thuật tàu bay; 21 sự cố do lỗi con người, trong đó 14 sự cố do lỗi tổ bay, số còn lại do nhân viên kỹ thuật, nhân viên mặt đất và kiểm soát viên không lưu. Cục HKVN đánh giá, nguyên nhân sự cố kỹ thuật chủ yếu do nhân viên bảo dưỡng tàu bay không tuân thủ hướng dẫn sửa chữa được phê chuẩn, không thực hiện theo danh mục kiểm tra khi bảo dưỡng tàu bay, trước khi đưa vào khai thác hoặc xác nhận công việc bảo dưỡng khi chưa thực hiện công việc. Đối với sự cố do tổ bay, nguyên nhân do kỹ năng kiểm soát chuyến bay của tổ lái không tốt, chưa tuân thủ quy trình khai thác tiêu chuẩn, dẫn đến tàu bay không đạt trạng thái ổn định khi tiếp cận, điển hình là sự cố máy bay từ Huế hạ cánh lệch tâm đường băng tại sân bay Nội Bài và sự cố máy bay hạ cánh trượt ra ngoài đường băng tại sân bay Vinh,…

Để siết chặt an ninh, an toàn hàng không, Cục HKVN đã ban hành nhiều chỉ thị về an toàn, trong đó có Chỉ thị về việc tăng cường bảo đảm an toàn bay, ngăn ngừa việc nhầm đường cất/hạ cánh, Chỉ thị về việc bảo đảm an toàn lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay; Chỉ thị về việc bảo đảm an toàn hàng không,… Trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới, Cục đã ra chỉ thị yêu cầu các hãng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình khai thác tiêu chuẩn đã được phê duyệt; bố trí hợp lý nguồn lực tàu bay, phi công, thiết bị tại sân bay để khắc phục kịp thời sự cố kỹ thuật. Các cảng hàng không thường xuyên kiểm tra đường băng, duy tu, bảo dưỡng kịp thời, bảo đảm không có vật ngoại lai để giảm tình trạng lốp máy bay bị cắt,…

Trong điều kiện thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, ngành hàng không tăng trưởng nóng, công tác an ninh hàng không nước ta được bảo đảm an toàn tuyệt đối trong hơn 20 năm liên tục là thành tựu hết sức ý nghĩa. Những quy định về an toàn hàng không của nước ta được đánh giá là khá chặt chẽ, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, thời gian qua, tại các sân bay trọng điểm, đã xảy ra tình trạng đường băng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không. Vì vậy, ngành hàng không cần nghiên cứu, khẩn trương cải tạo, nâng cấp đường băng, đầu tư trang thiết bị đồng bộ, áp dụng công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả khai thác,…

Theo: Báo Nhân Dân

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.