Vậy quy trình để bảo vệ thông tin cho người báo cáo bí mật được thực hiện như thế nào, tầm ảnh hưởng của hình thức báo cáo đặc biệt này ra sao,… hãy theo dõi bài phỏng vấn giữa VNA Spirit và anh Nguyễn Hải Thanh – Phó trưởng Phòng Đảm bảo an toàn chất lượng kỹ thuật, Ban ATCL để có câu trả lời cụ thể.
Theo anh, văn hóa an toàn có vai trò quan trọng như thế nào trong sự phát triển của TCT?
Sự phát triển của tất cả Hãng Hàng không luôn phải gắn chặt với an toàn. Giá trị cốt lõi “An toàn luôn là số 1” không thể đánh đổi với bất cứ điều gì. Quan điểm này đã được khẳng định rõ nét tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TCTHKVN lần thứ V với nội dung an toàn là nhiệm vụ tiên quyết, là cơ sở, tiền đề cho sự tồn tại và phát triển của TCT. (Trích Báo cáo chính trị số 105-BC/ĐUTCTHK trình tại ĐH đại biểu đảng bộ TCT lần thứ V).
Văn hóa an toàn (VHAT) là tập hợp các giá trị và quan điểm bền vững về an toàn, được chia sẻ, thấu hiểu giữa các thành viên ở mọi cấp độ trong tổ chức. VHAT của VNA thể hiện khí chất của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam về an toàn. VHAT càng tiến bộ, tiên tiến thì sự cố, tai nạn sẽ ngày một giảm xuống, được kiểm soát và mức độ an toàn tổng thể sẽ được nâng lên. Vì vậy, trong báo cáo đã khẳng định thêm quan điểm rất rõ ràng và xuyên suốt là “Nâng cao VHAT lên mức chủ động (Generative), đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động khai thác của TCT”.
Anh có thể chia sẻ về quá trình xây dựng và phát triển của VHAT trong TCT?
VHAT như khái niệm đã được nêu trên, bền vững, lâu dài. Bởi vậy, quá trình xây dựng và phát triển VHAT phải trải qua một quá trình, thời gian bền bỉ, nỗ lực liên tục và không có điểm dừng. VNA đang nỗ lực hết sức để xây dựng VHAT đặc sắc, mang tinh thần VNA.
Tôi chỉ có thể chia sẻ về những bước xây dựng VHAT của VNA thực sự mạnh mẽ và khí thế nhất bắt đầu từ tháng 5 năm 2018, với dấu mốc là Hội thảo VHAT quy mô cấp TCT tại Đà Nẵng từ ngày 12-13/5/2018.
Tại đây, TGĐ TCT khi ấy là đồng chí Dương Trí Thành đã ra tuyên bố xây dựng VHAT đạt mức chủ động (Proactive) vào năm 2020 và đạt mức tiên tiến (Generative) vào năm 2025.
Năm 2020 được nhớ mãi sự khó khăn vô cùng đặc biệt, đại dịch Covid-19, nhưng VNA đã “ghi danh” với kết quả đánh giá VHAT đạt mức chủ động bởi công ty Welbees, tổ chức đánh giá có uy tín. Kết quả này đã được công bố tại Hội thảo VHAT lần thứ 3, được tổ chức tại Nha Trang vào tháng 10/2020.
Nhưng trước đó, VNA đã có Hội thảo VHAT lần thứ 2 được tổ chức vào mùa hè năm 2019 tại thành phố biển Hạ Long. Một trong những thành quả lớn lao VNA đã đạt được, đó là ban hành Bộ định nghĩa hành vi an toàn. Đây là bộ quy tắc ứng xử đối với các hành vi an toàn. Qua đó, xác định tiêu chuẩn đối với một hành vi cụ thể về an toàn, để có những giải pháp hiệu quả, triệt để nâng cao an toàn các hoạt động. Từ đó củng cố giá trị, niềm tin của người lao động TCT.
Năm 2021 đầy thách thức đối với quá trình xây dựng, phát triển VHAT nhưng với chiến lược lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Lãnh đạo TCT, các mục tiêu rất rõ ràng đã được nêu ra, đó là định hướng, lấy con người là trung tâm, số hóa…, VHAT của TCT sẽ tiếp tục đi lên một tầm cao mới trên hành trình tiếp cận mục tiêu đạt được mức tiên tiến vào năm 2025.
Có một nội dung rằng “thông tin an toàn phải được bảo vệ, nhận biết và xử lý”, anh có thể phân tích kỹ hơn về quy định này?
Đây là yêu cầu, quy định trong Quy chế an toàn hàng không của các tổ chức hàng không quốc tế như IATA mà VNA là thành viên. Trong quản lý nói chung và quản lý an toàn nói riêng, nguyên tắc ra quyết định phải dựa trên số liệu, sự kiện là nguyên tắc rất quan trọng. Để quản lý được ta phải có thông tin. Để quản lý an toàn ta phải có thông tin an toàn – đó là lẽ đương nhiên.
Thông tin an toàn nói một cách hình ảnh, đó tựa như vàng, tiền. Vì vậy, trước hết ta cần phải bảo vệ nó, giữ gìn, phát hiện và khai thác nó, xem nó như tài nguyên đừng để mất nó. Có những trường hợp tai nạn đã xảy ra, nếu thông tin an toàn được kịp thời nhận ra, xử lý trước đó thì tai nạn đã có thể không xảy ra.
Thông tin an toàn có tính chất nhạy cảm, thường bị che dấu, bưng bít hay không dám nêu ra. Điều này vô hình chung đã làm mất đi cơ hội để ngăn chặn sự cố, tai nạn. Chính vì vậy, thông tin an toàn cần được bảo vệ. Nghĩa là, tổ chức phải đảm bảo người lao động có niềm tin viết báo cáo an toàn, cung cấp các thông tin an toàn, kể cả các thông tin an toàn này có mức độ nhạy cảm, có thể ảnh hưởng đến bản thân họ, đồng nghiệp hay lãnh đạo của họ. Cuối cùng, đó chính là tạo ra một môi trường tin tưởng, chính là VHAT, văn hóa báo cáo và văn hóa chính trực.
Đâu là sự khác biệt giữa báo cáo bình thường và báo cáo bí mật là gì?
Khác biệt cơ bản nhất đó là thông tin của người báo cáo được đảm bảo bí mật và tổ chức không được phép sử dụng thông tin an toàn từ báo cáo bí mật để thực hiện các hành động trừng phạt hay kỷ luật.
Vai trò của báo cáo bí mật có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong tổ chức?
Báo cáo bí mật có vai trò rất quan trọng và không thể thiếu trong tất cả hệ thống báo cáo an toàn. Ngoài hệ thống báo cáo bắt buộc (Mandatory Occurence Report- MOR), hệ thống báo cáo tự nguyện, thì hệ thống báo cáo bí mật rất cần có để bảo vệ các thông tin an toàn. Nếu không có hệ thống báo cáo bí mật thì như đã trao đổi ở trên, tổ chức đã mất đi một phần thông tin an toàn. Với báo cáo bí mật, tai nạn hoàn toàn có thể được ngăn chặn ngay từ khi mới chỉ là nguy cơ nếu thông tin an toàn được nêu ra.
Báo cáo bí mật có quy trình nghiêm ngặt như thế nào để bảo vệ thông tin cho người báo cáo?
Do đặc điểm và tính chất mà quy trình xử lý báo cáo bí mật khác với quy trình xử lý báo cáo an toàn khác. Để đảm bảo hệ thống báo cáo bí mật nhận được nhiều thông tin an toàn, quy trình xử lý báo cáo bí mật phải được xây dựng trên nguyên tắc mọi thông tin liên quan đến người báo cáo phải được xóa (de-identify) trước khi đưa thông tin an toàn vào xử lý.
Tổ chức phải chỉ định ra người có thể được đặt niềm tin để thực hiện xóa các thông tin xác định danh tính người gửi và người này cũng phải chịu trách nhiệm khi để lộ thông tin danh tính người gửi.
Lãnh đạo TCT có trách nhiệm phải cam kết và phải truyền đạt cam kết bảo vệ danh tính người báo cáo và tuyệt đối không sử dụng thông tin an toàn trong báo cáo bí mật để trừng phạt, kỷ luật.
Báo cáo bí mật đã có những bước chuyển mình từ hộp thư tới số hóa trên hệ thống, bước tiến này có ý nghĩa như thế nào để bảo vệ thông tin của người báo cáo chặt chẽ hơn nữa?
Trước đây, báo cáo bí mật được thiết kế là báo cáo giấy. Tuy nhiên, hiệu quả không đạt được như mong đợi. Quy trình và cách thức xử lý cũng không đảm bảo “tính bí mật”. Ngày nay, cùng với định hướng số hóa các hoạt động, TCT đã đầu tư và đưa vào sử dụng phần mềm quản lý an toàn, gọi là AQD- do RollRoyce là nhà cung cấp. Phần mềm này có tính năng viết báo cáo bí mật và tích hợp quy trình xử lý báo cáo. Để đánh giá hiệu quả của phần mềm này cần thêm thời gian, tuy nhiên, những tín hiệu tích cực ban đầu chính là việc một số nguy cơ tiềm ẩn rủi ro mất an toàn khi khai thác đã được giải quyết nhờ có những báo cáo bí mật gửi về.
Xin cảm ơn anh Hải Thanh đã tham gia buổi phỏng vấn với VNA Spirit.
Vu Hoang Quy – COMM