Tin tưởng và kỳ vọng vào hệ thống báo cáo bí mật

Gần 2 thập kỷ gắn bó với Skypec, với VNA, chị Nguyễn Thu Trà – phó trưởng phòng phụ trách mảng khách hàng, phòng Điều hành – Khai thác, Khu vực miền Trung đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của văn hoá an toàn, đặc biệt chị tin tưởng và kỳ vọng vào hệ thống báo cáo bí mật mà TCT triển khai.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Gần 20 năm chứng kiến sự chuyển mình của Văn hóa an toàn

Trong suốt 20 năm qua, chị Thu Trà đã chứng kiến sự chuyển mình, phát triển mạnh mẽ của Văn hóa an toàn tại đơn vị và TCT. “Thời điểm chị vào Chi nhánh năm 2001 là khi Chi nhánh vừa xây dựng xong hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000. Có thể nói lúc đó mọi quy trình hoạt động đã bắt đầu được kiểm soát theo hệ thống. An toàn cũng đã được đề cập trong nội dung các quy trình, hướng dẫn, nhưng chủ yếu ở các quy trình liên quan đến vận hành, thao tác trang thiết bị. Và chỉ khi có sự cố, vụ việc nào xảy ra, thì mới tiến hành phổ biến, kiểm điểm, rút kinh nghiệm, rà soát ngược lại quy trình để bổ sung, sửa đổi (nếu cần)”, chị nhớ lại.

Đến cuối năm 2015, việc xây dựng một hệ thống quản lý an toàn mới được định hình, trước hết là về tài liệu và tổ chức. Đến tháng 3/2016, Công ty đã ban hành bộ tài liệu về hệ thống quản lý an toàn. Tiếp theo đó là công tác thông tin, đào tạo, huấn luyện để truyền tải cốt lõi của hệ thống đến đội ngũ làm công tác an toàn và từng người lao động. Theo chị Thu Trà, đây là dấu mốc quan trọng để thấy rằng, công tác an toàn được lãnh đạo Tổng Công ty và Công ty đặc biệt quan tâm. “Cán bộ làm công tác an toàn được cử tham gia các khóa đào tạo ở cả trong nước và ngoài nước, tham gia các chương trình hội thảo; người lao động được tham gia các khóa huấn luyện, đào tạo an toàn định kỳ”, chị chia sẻ.

alt text
Trong suốt 20 năm qua, chị Thu Trà đã chứng kiến sự chuyển mình, phát triển mạnh mẽ của Văn hóa an toàn tại đơn vị và TCT (Ảnh: Skypec).

Mặc dù có những cải tiến và dấu ấn đậm nét trong công tác xây dựng và phát triển văn hoá an toàn, vậy nhưng thực tế trong một thời gian dài, hệ thống quản lý an toàn tại Chi nhánh vẫn cứ dừng lại ở các báo cáo định kỳ theo mẫu của Cục Hàng không, của Tổng Công ty, và các báo cáo bắt buộc sau khi đã xảy ra một sự cố, vụ việc nào đó. Cả mấy năm trời cũng không có một báo cáo tự nguyện hay báo cáo bí mật nào. Tuy nhiên, trong khoảng 3 năm trở lại đây, Skypec Khu vực miền Trung bắt đầu tiếp nhận nhiều hơn số lượng báo cáo nhận diện mối nguy hiểm, báo cáo quản trị sự thay đổi và nhất là các báo cáo tự nguyện. Điều này đã cho thấy tầm quan trọng của thông tin. Hay nói một cách đơn giản, nhận thức sẽ quyết định hành động của con người. Con người sẽ hiểu và hành động đúng nếu được thông tin đầy đủ, chính xác, tin cậy.

“Hy vọng sắp tới khi đưa vào áp dụng các mẫu báo cáo online, với hình thức và nội dung báo cáo được Việt hóa, dễ hiểu, ngắn gọn và bảo mật, thì người lao động trong Chi nhánh sẽ tự tin đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển hệ thống quản lý an toàn của Chi nhánh”, chị Thu Trà tin tưởng.

Báo cáo bí mật rất có giá trị trong việc giúp phát hiện các mối nguy

Theo thống kê, 80% sự cố mất an toàn hàng không liên quan đến yếu tố con người. Nắm bắt được yếu tố này, VNA đã nỗ lực xây dựng cả một văn hóa an toàn hàng không trong suốt quá trình phát triển. Việc xây dựng văn hóa an toàn là một quá trình xây dựng kiên trì, mỗi ngày; kết hợp cùng một lúc nhiều biện pháp để có được sự thay đổi nhận thức, quan niệm và hành động của mỗi một cá nhân. Đặc biệt, CBNV VNA luôn có thể hoàn toàn yên tâm lên tiếng trên cơ sở thông tin hoàn toàn được bảo mật thông qua các mẫu báo cáo bí mật.

alt text
alt text

Nắm bắt được yếu tố 80% sự cố mất an toàn hàng không liên quan đến yếu tố con người, VNA đã nỗ lực xây dựng cả một văn hóa an toàn hàng không trong suốt quá trình phát triển (Ảnh: Skypec).

Theo chị Thu Trà, cùng với báo cáo tự nguyện, báo cáo bí mật có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giúp cho hệ thống quản lý an toàn của một tổ chức tốt lên. “Bởi vì bạn sẽ viết báo cáo bí mật khi nào? Khi viết về lỗi của chính bạn, lỗi của tổ chức, hoặc lỗi của cấp trên. Những lỗi này có thể nói là phần chìm của tảng băng trôi, rất có giá trị trong việc giúp phát hiện các mối nguy. Trước đây những trường hợp như thế này rất khó báo cáo nếu bạn phải để lại danh tính. Vì vậy nếu áp dụng hiệu quả báo cáo bí mật thực sự sẽ giúp ích rất nhiều cho hệ thống quản lý an toàn của tổ chức”, chị nhận định.

Báo cáo bí mật sẽ không để lại danh tính của người gửi báo cáo và được xử lý theo quy trình riêng biệt, thông tin về người gửi báo cáo được bảo mật. Chính vì vậy qua báo cáo bí mật, tổ chức có thể thu thập được những thông tin an toàn mà trong các báo cáo thường sẽ không thể ghi nhận được, do người báo cáo luôn có tâm lý e ngại, sợ hãi bị trù dập, bị kỳ thị khi báo cáo những sai lỗi liên quan đến bản thân, đến cấp trên hay tổ chức. Đó cũng là điểm khác biệt giữa báo cáo bình thường và báo cáo bí mật để phát triển của văn hóa an toàn.

Bước chuyển mình từ hộp thư tới số hóa trên hệ thống

Báo cáo bí mật đã có những bước chuyển mình từ hộp thư tới số hóa trên hệ thống, đây có thể nói là một bước tiến cực kỳ ý nghĩa trong việc triển khai văn hoá an toàn. Trước đây dù khuyến khích người lao động thực hiện các báo cáo bí mật nhưng thực tế làm báo cáo giấy và gửi vào hòm thư vẫn không đủ sức thuyết phục người lao động thực hiện. Vì vẫn có những lý do khiến cho người lao động không đủ tin cậy vào việc bảo mật, và hình thức thực hiện cũng không mang tính thời sự, tức thời. “Với việc số hóa trên hệ thống, thao tác nhanh gọn, nội dung đơn giản, dễ hiểu, danh tính được bảo mật, thông tin được coi trọng, phản hồi nhanh gọn sẽ là động lực giúp người lao động tin tưởng vào hệ thống, thúc đẩy người lao động đóng góp xây dựng hệ thống”, chị Thu Trà đánh giá.

Theo chị Thu Trà, với những cải tiến vượt bậc trong thời gian qua, để thúc đẩy sự phát triển của báo cáo bí mật hơn nữa, chúng ta nên có hình thức khuyến khích, khen thưởng xứng đáng, vừa bảo mật nhưng vẫn mang tính tuyên truyền đối với các báo cáo có nội dung giá trị. “Những người có thể cung cấp được nhiều báo cáo bí mật nhất chính là những người lao động trực tiếp. Vì vậy các nội dung báo cáo cần đơn giản, dễ hiểu, ngắn gọn, và cần có tiếng Việt”, chị chia sẻ.

alt text
alt text

Báo cáo bí mật đã có những bước chuyển mình từ hộp thư tới số hóa trên hệ thống, đây có thể nói là một bước tiến cực kỳ ý nghĩa trong việc triển khai văn hoá an toàn (Ảnh: Skypec).

Ngành hàng không đang phải chống chọi với “cơn bão” Covid-19, tần suất những chuyến bay nội địa ảnh hưởng rất lớn, những chuyến bay quốc tế “đóng băng” cũng là lúc chị Thu Trà và các đồng nghiệp tại Skypec miền Trung tận dụng thời gian để củng cố kiến thức về văn hoá an toàn. Theo đó, tháng 4/2020, trong thời điểm dịch bệnh Covid -19 đang bùng phát, cả nước thực hiện giãn cách xã hội, Tổ SAG Skypec miền Trung đã quyết định tận dụng thời gian này để hướng dẫn thêm cho người lao động cách thức nhận diện mối nguy hiểm, thông qua các bài tập tình huống.  

Cụ thể, Tổ SAG đã đăng tải lên group zalo an toàn của Chi nhánh các bức tranh có tiềm ẩn các mối nguy hiểm để trưởng bộ phận triển khai cho người lao động nhận diện, rồi tổng hợp lại thành đáp án chung, gửi cho Tổ SAG. “Thời hạn nhận đáp án là 01 tuần lễ. Nhưng thật không ngờ khi triển khai thì mọi người tham gia rất hào hứng, gửi đáp án ngay trong ngày, thậm chí còn chủ động gửi trực tiếp kết quả cho thư ký tổ SAG. Và hơn nữa mọi người còn phát hiện thêm một số vấn đề so với đáp án gốc”, chị Thu Trà hào hứng kể lại.

Những kỷ niệm, dấu ấn mà chị Thu Trà chia sẻ, những hành động cụ thể của Skypec miền Trung cùng sự điều chỉnh hiệu quả sau các báo cáo bí mật của TCT đã tiếp tục mang lại những tín hiệu tích cực trên hành trình hoàn thiện từng chi tiết nhỏ nhất nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mọi chuyến bay của VNA.

Vu Hoang Quy – COMM

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.