Ở mỗi vị trí công tác, mỗi đơn vị của VNA, báo cáo bí mật đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng Văn hoá an toàn (VHAT). Là một trong những CBNV tham gia trực tiếp vào công tác an toàn, anh Trần Đức Quỳnh – Quyền Trưởng chi nhánh Chu Lai đã có những chia sẻ cùng VNA Spirit về vai trò của báo cáo bí mật trong công tác xây dựng văn hoá an toàn.
Xin chào anh Quỳnh!
Là một trong những lãnh đạo đơn vị tuyến trước, anh đánh giá thế nào về VHAT mà VNA đang xây dựng?
VHAT phải là một sự phát triển liên tục, một quá trình lâu dài, bền bỉ và có sự định hướng rõ ràng trong sự nghiệp xây dựng VHAT của VNA. Trong suốt những năm, bên cạnh việc đẩy mạnh nâng cấp chất lượng dịch vụ thì VHAT của chúng ta được đẩy mạnh liên tục và mục tiêu đạt được mức tiên tiến (Generative) vào năm 2025, cùng với đó là việc xây dựng niềm tin, củng cố giá trị của VHAT đối với người lao động trong TCT.
Việc xây dựng văn hóa an toàn là một quá trình xây dựng kiên trì, mỗi ngày; kết hợp cùng một lúc nhiều biện pháp để có được sự thay đổi nhận thức, quan niệm và hành động của mỗi một cá nhân.
Vậy anh hiểu thế nào là An toàn luôn là số 1?
Theo tôi, muốn phát triển bền vững, vững mạnh, Hãng hàng không phải luôn gắn liền với an toàn. Đó chính là minh chứng rõ nét nhất cho tiêu chí An toàn luôn là số 1 mà VNA kiên trì xây dựng trong suốt những năm qua.
Để đạt được giá trị cốt lõi này, các vị trí trong tất cả các cấp của TCT phải nắm rõ các thông tin, kiến thức, quan điểm rõ ràng về an toàn, phải được chia sẻ, thấu hiểu để mọi người có thể được hoàn thiện, tiến bộ, các sự cố sẽ được giảm thiểu đến mức tối thiểu.
Thời gian gần đây, TCT đã xây dựng các loại báo cáo an toàn của hệ thống SMS, trong đó báo cáo bí mật về an toàn trên cơ sở được bảo mật thông tin hoàn toàn. Vậy là Quyền trưởng Chi nhánh, anh đánh giá thế nào về báo cáo này?
Báo cáo bí mật có vai trò rất quan trọng, nó có thể giúp tổ chức phát hiện được các nguy cơ, phân tích các rủi ro, đưa ra các phương án, hướng xử lý để ngăn chặn kịp thời các sự cố ở mức độ lớn hơn.
So với báo cáo bình thường, báo cáo bí mật sẽ đảm bảo được danh tính của người báo cáo, không sử dụng các thông tin này để trừng phạt hay kỷ luật, điều này sẽ góp phần tăng mức độ khách quan, kịp thời hơn. Do đó, báo cáo bí mật được xem như là một yếu tố rất quan trọng trong quá trình phát triển của VHAT.
Anh đánh giá thế nào khi cùng với định hướng số hóa các hoạt động, chúng ta cũng số hoá báo cáo bí mật?
Trong thời đại 4.0, việc số hoá báo cáo bí mật trên hệ thống là điều cần thiết và có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển VHAT, ngoài việc thuận tiện cho người tham gia báo cáo còn giúp những phòng, ban chuyên môn xử lý được những thông tin (Báo cáo bí mật) nhanh chóng, kịp thời hơn. Tôi tin rằng, TCT đầu tư và đưa vào sử dụng phần mềm quản lý an toàn AQD- do RollRoyce là nhà cung cấp, hệ thống báo cáo bí mật sẽ được CBNV tích cực tham gia, góp phần đưa VHAT của VNA lên mức chủ động vào năm 2025 như mục tiêu chúng ta đã đề ra.
Vậy để thúc đẩy hơn nữa báo cáo bí mật, chúng cần có những hành động cụ thể nào thưa anh?
Theo tôi, để thúc đẩy sự phát triển của báo cáo bí mật hơn nữa, chúng ta cần ghi nhận các phản ánh của CBNV nhanh chóng và đưa ra hướng phân tích, xử lý, phản hồi thoả đáng để làm động lực, sự tin tưởng cho CBNV tham gia báo cáo bí mật trên hệ thống.
Bên cạnh đó, để khuyến khích CBNV tham gia báo cáo bí mật, lãnh đạo TCT có trách nhiệm phải cam kết và phải truyền đạt cam kết bảo vệ danh tính người báo cáo và tuyệt đối không sử dụng thông tin an toàn trong báo cáo bí mật để trừng phạt, kỷ luật.
Vu Hoang Quy – COMM