[Đọc sách phong cách VNA] Thiện, Ác và Smartphone – Thảm họa thời đại Internet

“Ác quỷ không dọn đường cho một cái thiện lớn hơn. Nó dọn đường cho một bãi chiến trường. Nếu trên bãi chiến trường ấy những đấu sĩ trở thành vô danh, những đối thủ chỉ là các avatar hư ảo, những nhát kiếm giết người chỉ cần bấm nút like, thì khả năng tàn sát của chúng ta chẳng khác gì những trò chơi điện tử đẫm máu. Vấn đề ở đây là máu thật và những số phận người thật. Chính vì những lý do này, những điều Đặng Hoàng Giang chia sẻ chưa bao giờ đúng thời điểm hơn, khi mà mạng xã hội đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại.”

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vì sao báo chí ưu tiên đưa tin giật gân?

Vì sao trên mạng xã hội luôn nhan nhản bài viết về hiếp dâm, bạo hành, trộm cắp, cướp giật, đánh ghen… còn tin tức tốt đẹp thì thoảng qua như một cơn gió? Vì sao con người phản ứng với tin xấu mạnh và nhiều hơn tin tốt? Vì sao cư dân mạng chia sẻ rất nhiều tin tiêu cực?

Có rất nhiều câu hỏi cần lời giải đáp trong thời đại internet ngày nay, khi mà con người đáng lý ra nên chọn hạnh phúc và sống an yên thì lại cứ quanh quẩn trên mạng xã hội và luôn ở tư thế sẵn sàng hóng hớt những chuyện thị phi.

alt text
Thiện, Ác và Smartphone – Thảm họa thời đại Internet

Theo wikipedia, amygdala (hạch hạnh nhân) đóng một vai trò thiết yếu trong việc ra quyết định và phản ứng cảm xúc, bao gồm sợ hãi, lo lắng và giận dữ.

Báo chí ra đời để đáp ứng nhu cầu của con người, bản năng con người quan tâm tin xấu, chính vì vậy mà 90% báo chí toàn tin không vui. Thế nhưng, có một sự thật đáng buồn ở đây là một bộ phận lớn cư dân mạng thả trôi cảm xúc theo bản năng mỗi khi đọc mấy tin giật gân, để rồi amygdala nhảy tưng tưng khiến cho sự lo sợ, sự giận dữ trào dâng, khi đấy mọi suy nghĩ trở nên phiến diện, con người ta dễ dàng buông lời nhục mạ.

“Thiện, ác và smartphone” là một cuốn sách nghiên cứu chuyên sâu vào vấn đề sử dụng mạng xã hội để lăng nhục con người trong một cộng đồng hàng chục triệu người.

Văn hóa làm nhục

Ở tập tiểu luận thứ hai này, thay vì gợi ra rất nhiều hiện tượng xã hội như trong “Bức xúc không làm ta vô can”, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang chỉ tập trung khắc họa rõ nét bức tranh “thảm họa” của thời đại công nghệ 4.0 – Văn hóa làm nhục.

Từ những câu chuyện thời sự nóng bỏng liên quan tới hai bảo mẫu, hai anh em giám đốc, một nữ ca sĩ và người mẫu, một dịch giả ngoài 80 tuổi, một nữ sinh 15 tuổi, và chính tác giả… “Thiện, ác và smartphone” thành công lột tả hành vi làm nhục công cộng trong thời đại số, khiến độc giả phải rùng mình vì sự xấu xí và sức phá hủy của nó.

Nửa đầu cuốn sách xoáy vào sự lăng nhục với chiều dài lịch sử, qua kỳ thị, giận dữ và căm ghét. Văn hóa làm nhục đã có từ rất lâu rồi, nhưng chưa bao giờ bùng nổ mạnh mẽ như trong thời đại internet ngày nay.

Vì sao lại diễn ra dễ dàng trên mạng xã hội?

Bởi “cư dân mạng” không cần quan tâm đối phương là ai, chỉ cần có người vi phạm một chuẩn mực nào đấy của cộng đồng là họ không ngần ngại xuống tay. Họ nhân danh công lý hoặc tiêu chuẩn đạo đức chung để miệt thị, chửi rủa. Sau một cái avatar, mỗi cư dân mạng cảm thấy an toàn vì sự ẩn danh của internet, không ai để ý họ là ai, không phải chịu trách nhiệm, không phải trả giá, cũng không sợ bị nạn nhân trả thù. Họ hả hê và thoải mái khi có quyền lực của đám đông, có nhiều người cùng phe với mình, hùa nhau tấn công người phạm chuẩn. Họ vui sướng, thỏa mãn khi chứng kiến “tội nhân” đau đớn, nhục nhã, thậm chí chịu không nổi dẫn đến những kết quả thương tâm.

“Chó có thể cắn xé nhau, tranh nhau thức ăn hay lãnh địa, nhưng chúng sẽ không coi những con chó khác ‘không phải là chó nữa’.”

Ấy vậy mà động vật cấp cao như con người, lại mặc nhiên cho rằng một đối tượng phạm chuẩn là không xứng đáng được sự đối xử như một con người nữa. “Con gì chứ không phải con người!”, “Đồ cầm thú!” – Khi đó, họ không hề ý thức được việc làm tàn nhẫn của bản thân mà vẫn cho rằng mình đang thanh lọc xã hội và dọn đường cho tương lai tốt đẹp. Đặng Hoàng Giang dùng cụm từ “cái thiện cuồng tín” để diễn tả cho hiện tượng này.

Tác giả chỉ ra quá trình trên gọi là “phi nhân hóa” và “tha nhân hóa” của mỗi cá nhân, họ đã hoàn toàn vượt qua lương tâm con người khi dễ dàng chà đạp các nạn nhân. Nguồn cơn sâu xa của mọi bạo lực, bao gồm cả bạo lực ngôn ngữ trên mạng xã hội, thực chất là sự phòng vệ mà mỗi kẻ bắt nạt dựng lên để che đậy tội lỗi, sự tự ti bản thân thấp kém và sự sợ hãi mình đã từng hoặc có thể sẽ phạm phải lỗi lầm đó.

Tất cả những phân tích thấu đáo ấy có thể khiến người đọc đỏ bừng mặt vì xấu hổ, khi chính bản thân có lẽ cũng đã từng gõ những lời tàn nhẫn trên bàn phím, hoặc like, hoặc share mà không để ý tới số phận con người thật – bằng xương, bằng thịt ở đằng sau câu chuyện.

Tử tế và tha thứ

“Thiện, ác và smartphone” sẽ chỉ là một cuốn sách lên án và phê bình xã hội, nhưng Đặng Hoàng Giang không bao giờ dừng lại ở việc đặt vấn đề rồi bỏ ngỏ. Ở các chương cuối, tác giả mở ra giải pháp và đặt vào tay người đọc những cơ hội thay đổi, với sự điềm tĩnh, ngôn ngữ bất bạo lực, tử tế, tôn trọng đời tư, tôn trọng nhân phẩm, tha thứ và dự án trắc ẩn.

Trong tác phẩm nghị luận xã hội này, thoạt nhìn có vẻ như tác giả đứng về phe của những người bị ném đá, và kêu gọi mọi người nhân từ với họ. Nhưng phải suy ngẫm thật kỹ mới thấy rõ ý đồ của người viết, tác giả mong muốn mỗi người cân nhắc trước khi tham gia ném đá trên mạng, bởi “căm ghét phá huỷ cả người bị ghét lẫn người ghét”.

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.