[Đọc sách phong cách VNA] Quảng cáo không nói láo! Thế làm sao để nói thật cho hay?

Quảng cáo không nói láo chính là đúc kết từ 400 bài viết trong suốt 10 năm của tác giả Hồ Công Hoài Phương, người từng trải qua nhiều công ty quảng cáo như Chuo Senko, Lowe, Dentsu Alpha, Pencil Group, và là một trong những chuyên gia có sức ảnh hưởng lớn trong ngành truyền thông đương thời.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nếu bạn đang làm quảng cáo: Viết 1 bài quảng cáo trên facebook mỗi ngày; làm 1 video quảng cáo trên titok, hay đang hoạch định những chiến dịch quảng cáo chi mạnh tiền, thì đương nhiên, bỏ qua cuốn sách này là một điều dại dột!

Bức tranh tổng thể – đa chiều về quảng cáo

Quảng cáo không nói láo – theo lời của chính tác giả- không phải là một “ngôn tình về quảng cáo”. Cuốn sách được kể từ những kinh nghiệm đúc kết thực tế bởi chính bản thân tác giả suốt hơn 10 năm trong nghề.

“Sáng tạo quảng cáo là một hoạt động nghệ thuật. Nhưng để quảng cáo hiệu quả, mang lại kết quả mong muốn, nó cũng phải tuân theo những nguyên tắc khoa học cơ bản.”

Nếu bạn từng bị thuyết phục bởi khoa học quảng cáo của Ogivly và Claude C. Hopkins thì đó cũng chính là nguyên tắc xuyên suốt trong cuốn sách này. Tác giả đã vận dụng khoa học đó để việc giải thích “bí mật” để tạo nên quảng cáo thành công trở nên dễ đọc, dễ hiểu, và dễ ứng dụng nhất. 

Bạn thắc mắc: Quảng cáo là gì? Quảng cáo có những điểm gì nổi bật cần lưu ý? làm sao đánh giá một quảng cáo hiệu quả? Câu trả lời trong sách sẽ đến từ lối “tư duy ngược”: Tức là bắt đầu từ đích đến để tìm ra nơi khởi hành. 

Muốn viết được quảng cáo hay, hãy xuất phát từ phía của chính những người tiếp nhận quảng cáo, những khách hàng “bị bắt” xem quảng cáo. Khi đó, bạn sẽ có được góc nhìn đa chiều hơn, và thực sự “thấu hơn” về nghiệp vụ này.

Bạn sẽ được nghe về: giác quan, bộ nhớ ngắn hạn và dài hạn, mã hóa thương hiệu thành dữ kiện và sự kiện ra sao, tư duy nhanh và tư duy chậm, thống kê trong quảng cáo, quy tắc 15s, xa mặt cách lòng, cái khung tranh, động lực, trở lực và trợ lực… Những điều mà trong giáo trình marketing trên ghế nhà trường, thậm chí cả sau nhiều năm thực chiến cũng ít người gọi được thành tên. Thú vị phải không nào?

Và tác giả kỳ công tổng hợp toàn cảnh và phân bổ các kiến thức này thành các chương cụ thể: Quảng cáo; thương hiệu; chiến lược, ý tưởng. Phần cuối sách dành cho chuyện nghề. 

Có đọc sách, ta mới hiểu:  Quảng cáo không phải là 1 TVC, 1 video “sponsor” xuất hiện trên facebook hay youtube “làm phiền”, 1 bài viết, đó là sự làm việc của cả một hệ thống, có cả một kế hoạch và hướng đến mục tiêu rõ ràng. Người làm quảng cáo, nếu có thể hiểu được bức tranh toàn cảnh sẽ như “hổ thêm cánh” mà sáng tạo ra quảng cáo “ngon” hơn, hiệu quả hơn. 

alt text
Quảng cáo không nói láo! Thế làm sao để nói thật cho hay?

Đến những tri thức để hành trình “dấn thân” bớt nhọc nhằn

Nhiều người bị hào quang của ngành quảng cáo thu hút. Nhiều người bị những ảo tưởng rằng đây là một nghề luôn thú vị, nhẹ nhàng, luôn luôn sáng tạo và tươi mới. Đúng. Nhưng phía trên bóng đèn là bóng tối. 

“Làm quảng cáo có nghĩa là phục vụ, là áp lực, là bức bối, là “làm dâu trăm họ”, là không được quyết định, là không có cái nhìn tổng thể về kinh doanh tiếp thị… Và dần dần, người làm nghành này trụ lại không nhiều… Sự dấn thân là cần thiết”.

Nhẹ nhàng mà thực tế, lãng mạn theo cách khoa học, tác giả đã đưa người đọc thực sự được vén bức màn phía sau sân khấu. Người đọc khám phá ra những lúc chẳng như mơ, những “hao não, tổn tâm” để có được bài quảng cáo hay, những video rung động con tim triệu người, những slogan đắt giá, hay chỉ đơn giản là vài dòng post ngàn like. Và những ai trong nghề, sắp vào nghề sẽ chuẩn bị tâm lý trước : sẽ có đôi lúc muốn buông rơi đam mê vì cái nghề sao “hao não”, sao mệt mỏi.

Đó cũng là lý do cuốn sách có thể là “cẩm nang mang theo” để hành trình dấn thân vào nghề của bạn “bớt gian nan” nhờ: Kiến thức dắt lưng, Tâm sự dắt đường

Những lúc bạn lo lắng làm sao lên chiến lược phù hợp, đã có hẳn một chương về cách hoạch định và lên chiến lược. 

Nếu bạn băn khoăn làm sao để đánh giá một sản phẩm quảng cáo đã đủ tốt, đã đạt tiêu chuẩn chưa? Hãy ôn bài bằng nguyên tắc ABC.

Nếu bạn thấy đầu óc “chai sạn” không có chút ý tưởng nào, hãy để chương Ý tưởng giúp bạn khơi thông lại dòng chảy của não.

Còn nếu đang đau đầu về những thông điệp, câu chuyện thương hiệu: hẳn một chương Thương hiệu giúp bạn tìm lại những “mỏ neo” khiến cái hiệu của bạn được thương. 

Cuốn sách còn truyền cảm hứng bằng rất nhiều ví dụ là các chiến dịch quảng cáo thành công trên thế giới qua những đường link mã hóa bằng QR code in kèm trong sách – minh hoa theo từng chương. Người đọc qua đó có thể tự mình chiêm nghiệm, và rủ ra cách làm riêng từ “sự tham khảo không sao chép” này!

Và bí kíp quan trọng nhất: đến cuối cùng của quảng cáo chính là hạnh phúc 

Nếu một lúc nào đó tất cả những kiến thức hay công thức khiến bạn mệt mỏi, tác giả còn bí kíp cuối cùng: chính là hạnh phúc – thông điệp đích đến của mọi thể loại quảng cáo trên đời. 

Trong cuốn sách có kể lại một nghiên cứu ròng rã 75 năm trên 724 người của đại học Harvard đã rút ra kết luận: bí mật của hạnh phúc là hãy có một mối quan hệ tốt đẹp. 

Theo Robert Waldinger, có ba điều tạo nên hạnh phúc: đó là hãy có những mối quan hệ thân thiết (gia đình, bạn bè), chất lượng của các mối quan hệ thân thiết này, và một cuộc hôn nhân hạnh phúc. 

Bill Gate cũng từng nói rằng: quyết định thông minh nhất của ông không phải là tạo ra những phần mềm, mà đó là chọn được người phụ nữ phù hợp để kết hôn. Người phụ nữ quyết định hạnh phúc của thế hệ trước, vui vẻ của thế hệ này và tương lai của thế hệ sau.

Khi đó, bản chất của việc tiêu dùng sản phẩm không chỉ để dành cho mình, mà còn để dành cho những người thân yêu. Từ hộp sữa đậu nành đến chai dầu ăn cũng khiến người ta nhớ về ngôi nhà, chai bia kết nối bạn bè, rượu ngon tâm tình với tri kỷ, quán cà phê là nơi ta kết nối xã hội, đi du lịch chẳng mấy ai đi một mình. Được gặp gỡ, được sống trong những mối quan hệ hạnh phúc, sống có bạn bè và gia đình là điều hạnh phúc.

Và những người làm tiếp thị quảng cáo là những người hiểu về hạnh phúc, là những người sống, cảm nhận, tạo ra và chứng kiến nhiều hạnh phúc nhất.

“Tôi tin rằng, quảng cáo không nói láo, quảng cáo chỉ góp nhặt những hạnh phúc đời thường, và kể lại cho bạn nghe mà thôi”, tác giả kết luận.

Bởi tất cả những điều trên,

Nên dù cuốn sách ra đời từ 2018, bất chấp việc ngành quảng cáo tiếp thị luôn đổi mới từng giờ, nhưng những đúc kết của nó vẫn còn nguyên giá trị bởi những gì đã được quy về khoa học đều có thể trở thành phần cứng.

Ngoài những tri thức về khoa học quảng cáo, bạn đọc còn có thể “học” được cách viết đầy thú vị của cả chính bản thân tác giả, để mỗi lần đọc lại, càng đọc càng tâm đắc, giống như càng làm càng ngấm vậy. 

Hãy để cuốn sách là người bạn đồng hành đầu tiên khiến chặng đường tìm đến với tiếp thị quảng cáo của bạn bớt gian nan. 

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.