Để giấc mơ bay trở thành hiện thực, tất cả các phi công của Đoàn Bay 919 đều phải trải qua một hành trình đào tạo, trui rèn hết sức nghiêm khắc. Thậm chí đến hiện tại, dù trở thành cơ trưởng hay cơ phó, các phi công vẫn tiếp tục phải rèn luyện và học tập không ngừng nghỉ. Song với họ, bất kỳ một hành trình đã đi qua, bất kỳ thử thách gian khó nào, đều là trải nghiệm đầy hạnh phúc.
Cơ trưởng Phạm Đình Hưng: “Dành trọn thanh xuân cho bầu trời”
Gần 30 năm gắn bó với nghề phi công ở Đoàn Bay 919, cũng là chừng ấy năm, cơ trưởng Phạm Đình Hưng, hiện là Phó đội trưởng phụ trách an toàn-khai thác của đội bay Airbus A350 (Đoàn Bay 919) dành trọn tuổi trẻ, thanh xuân cho giấc mơ bay trên bầu trời.
Xuất phát điểm từ môi trường quân đội tại Trường Sĩ quan không quân, với cơ trưởng Phạm Đình Hưng, tất cả như một cơ duyên thần kỳ mà đến giờ nhắc lại, anh vẫn cười nói rằng: “Đó là điều may mắn”.
May mắn đầu tiên mà anh Hưng kể, đó là trong nhiều học viên, anh được đoàn khám tuyển của quân đội tuyển chọn tham gia theo học tại Trường dự bị bay không quân. Đến năm 1989, anh Hưng có cơ hội đi học tại Liên Xô cũ. Trước khi trở thành phi công chính thức, anh Hưng dành 8 năm theo học tại Trường quân đội, các chương trình đào tạo hàng không dân dụng và cả học tập tại nước ngoài..
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, anh Hưng được tuyển dụng vào Đoàn Bay 919. Thời điểm này, trùng với giai đoạn Vietnam Airlines bắt đầu đặt mua những chiếc máy bay Airbus A320 đầu tiên. Để “chinh phục” dòng máy bay này, anh Hưng được cử sang Pháp đào tạo lái máy bay Airbus A320. Sau 3 tháng học chuyển loại và 6 tháng huấn luyện trên máy bay trong thực tế, anh đã chính thức được điều khiển chiếc Airbus A320.
Cùng với hành trình liên tục đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ của Vietnam Airlines, anh Hưng bắt đầu có thêm cơ hội trải nghiệm điều khiển các dòng máy bay khác như Airbus A330 và sau đó là Airbus A350.
Nhìn lại gần 30 năm gắn bó với nghề, với cơ trưởng Phạm Đình Hưng, đó là hành trình của rất nhiều xúc cảm, có áp lực, có vất vả, nhưng sau tất cả là sự tự hào. Đến bây giờ, một câu chuyện mà anh Hưng từng nhớ mãi. Đó là năm 2011, anh Hưng đảm nhiệm lái chiếc máy bay Airbus A330 cùng với phi hành đoàn tham gia cầu hàng không đưa người lao động từ Libya về nước năm 2011.
Đây là thời điểm tình hình chiến sự tại Libya diễn ra phức tạp khiến hàng nghìn người lao động Việt Nam đang làm việc ở đây bị kẹt lại. Kế hoạch giải cứu lao động Việt Nam từ Libya nhanh chóng được các cơ quan chức năng phối hợp cùng Vietnam Airlines triển khai. Cơ trưởng Phạm Đình Hưng nhận được nhiệm vụ trong thời gian gấp gáp cùng yêu cầu bảo đảm tuyệt đối an toàn, nhanh chóng đưa đồng bào Việt về nước.
“Chuyến bay thẳng khoảng 8 tiếng từ Việt Nam sang Ai Cập. Lúc máy bay của Vietnam Airlines hạ cánh tại Ai Cập, những công nhân Việt Nam reo hò đầy phấn khích, vui sướng. Khi nhìn khuôn mặt của họ, tôi thật sự xúc động!”, anh Hưng kể lại với giọng rưng rưng.
Đến giờ đây, với anh Hưng, mỗi hành trình bay trên bầu trời đã không dừng là ở 2 chữ “công việc”. Đó là trải nghiệm, là hạnh phúc được bay trên bầu trời, trở thành người chở “chuyến tàu” đưa những hành khách đến các vùng đất mà họ mong ước.
Cơ phó Vũ Mai Khanh: “Hiện thực giấc mơ bay”
Với nữ cơ phó Vũ Mai Khanh, hành trình trở thành cơ phó máy bay Airbus A350 trải qua rất nhiều gian nan và thử thách. Từ thuở nhỏ, những câu chuyện mà người bố là phi công quân sự từng kể về bầu trời, về những con chim sắt đã trở thành giấc mơ cháy bỏng của cô con gái bé bỏng Mai Khanh. Kể lại ngày ấy, Mai Khanh cười nói rằng: “Mỗi lần khoe với bạn bè về bố, trong lòng tôi cảm thấy đầy tự hào!”. Thế nên, sau khi tốt nghiệp đại học, Mai Khanh quyết định lựa chọn theo nghề phi công, như định hướng mà gia đình đưa ra.
3 tháng trui rèn trong môi trường quân đội với lịch trình học tập dày đặc và những bài tập rèn luyện thể lực, kỷ luật khá nặng đối với một cô gái, Mai Khanh còn tiếp tục phải tham gia khóa học chuyên sâu ở nước ngoài kéo dài tới 18 tháng. Để thật sự chạm đến “giấc mơ” điều khiển chim sắt, Vũ Mai Khanh còn phải tham gia chương trình huấn luyện chuyên sâu về loại máy bay mà họ sẽ lái tại Trung tâm Huấn luyện Bay (FTC).
Trải qua quy trình đào tạo của phi công hàng không dân dụng với nhiều bước kiểm tra và đánh giá khắt khe, giấc mơ thuở nhỏ của Mai Khanh đã thành hiện thực khi cô chính thức gia nhập Đoàn Bay 919.
Chia sẻ về công việc, Mai Khanh thừa nhận: “Nghề phi công luôn có nhiều áp lực. Thậm chí, dù đã trở thành phi công nhưng quá trình học tập vẫn luôn thường xuyên, tiếp diễn. Các phi công phải kiểm tra năng lực định kì 6 tháng/lần để bảo đảm có những chuyến bay an toàn. Khối lượng trình độ kiến thức cũng như thể lực đòi hỏi của phi công luôn lớn, ngay cả khi dòng tàu bay mới được trang bị máy móc hiện đại”.
Nhưng với Mai Khanh, đó là sự cần thiết để mỗi ngày cô cảm thấy trưởng thành và tự tin hơn. Khi nhắc lại về bố, Mai Khanh cho biết, cô luôn biết ơn bố. Chính hình tượng của bố – một phi công trong quân đội với tác phong nghiêm khắc là động lực, hình mẫu để cô luôn nỗ lực. Giờ đây, đứng trong hàng ngũ phi công của Hãng hàng không Quốc gia, Khanh cảm thấy rất tự hào khi được kế thừa từ các thế hệ đi trước, tiếp nối truyền thống lịch sử hào hùng của Đoàn Bay 919.
Ngày 1/5/1959, tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội), Trung đoàn Không quân đầu tiên mang phiên hiệu 919, đơn vị bay vận tải quân sự đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam được thành lập. Ngày 1/5/1959 trở thành ngày truyền thống của Trung đoàn không quân vận tải 919 Anh hùng – Đoàn Bay 919 (Vietnam Airlines) hôm nay. Đoàn Bay 919 Anh hùng cùng Vietnam Airlines đã thật sự trở thành một bộ phận không thể thiếu và đóng góp hiệu quả trong các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Thành tích nổi bật của Đoàn Bay 919 những năm qua là giữ vững an toàn tuyệt đối hoạt động khai thác bay; thiết lập được tính chuyên nghiệp trong khai thác bay, có một đội ngũ phi công có trình độ bay khá trong khu vực và trên thế giới.