Sân bay Cà Mau là cửa ngõ quan trọng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, phục vụ kết nối giao thông hàng không giữa Cà Mau và các tỉnh thành khác. Hiện tại, sân bay Cà Mau chỉ có đường bay đi, đến Cà Mau từ TP.HCM do VASCO khai thác với lịch bay thường lệ hằng ngày, tần suất 7 chuyến/tuần.
Sở KH-ĐT tỉnh Cà Mau cho biết, dự án (DA) giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau được thực hiện trong 2 năm (năm 2024, 2025), bằng vốn ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, nguồn vốn dự kiến để thực hiện là hơn 860 tỉ đồng. Tỉnh phấn đấu đến đầu năm 2025 bàn giao mặt bằng cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV).
Nhằm đảm bảo tiến độ dự án, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện đầy đủ chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng; di dời người bị ảnh hưởng ra khỏi vùng DA, sớm ổn định cuộc sống.
Cảng hàng không Cà Mau hiện là sân bay cấp 4C, nhà ga hành khách 2 cao trình có công suất 200.000 hành khách/năm, 1 đường cất hạ cánh kích thước 1.500m x 30m, đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 hoặc tương đương.
Trước đó, Bộ GTVT đã ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch tổng thể về phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc, đến năm 2030, sân bay Cà Mau là sân bay cấp 4C, công suất 1 triệu hành khách/năm; đến năm 2050 là sân bay cấp 4C, công suất 3 triệu hành khách/năm. Đồng thời, phát triển tối đa hiệu quả kết cấu hạ tầng hiện hữu của Cảng hàng không Cà Mau đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải, gắn kết hợp lý với các phương thức vận tải khác; kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng – an ninh, an toàn khai thác…