Aviation News 23/9: Đình công diễn ra căng thẳng tại nhiều quốc gia

Trong 2 tháng qua, nhiều nhân sự của các hãng hàng không và nhà sản xuất máy bay đã tổ chức đình công nhằm đòi tăng lương và cải thiện điều kiện lao động, ảnh hưởng tới hàng chục nghìn khách hàng và doanh thu của nhiều tập đoàn.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đình công kéo dài, Boeing mất 100 triệu USD mỗi ngày

Theo Hãng tin Reuters, Boeing đang có kế hoạch đóng băng việc tuyển dụng và cân nhắc sa thải nhân viên để cắt giảm chi phí, trong bối cảnh hơn 30.000 công nhân các nhà máy Boeing dọc bờ Tây nước Mỹ đồng loạt đình công từ giữa tháng 9.

Trong một cuộc biểu quyết vào tuần trước, 96% công nhân đồng ý với quyết định đình công đã khiến việc sản xuất dòng máy bay Boeing 737 bị đình trệ ngay tại thời điểm Boeing đang cố gắng đẩy nhanh quá trình lắp ráp.

Công nhân Boeing đình công vì làm 6 năm chỉ tăng 2% lương (Ảnh: Internet)

Nguyên nhân của cuộc đình công bắt đầu từ quá trình thương thảo nâng chế độ lương thưởng giữa lãnh đạo tập đoàn và đại diện công đoàn của Boeing diễn ra không như mong muốn.

Các công nhân yêu cầu phải được tăng lương 40%. Thế nhưng ông Kelly Ortberg, người vừa nhận chức giám đốc điều hành (CEO) của Boeing cách đây vài tuần, lại đề xuất khoản tăng lương chỉ 25%.

Theo Reuters, hãng sản xuất máy bay và ban lãnh đạo công đoàn đã đánh giá sai mức độ nghiêm trọng của vấn đề và sự tức giận của nhân viên, dẫn đến cuộc đình công kéo dài nhiều ngày gây thiệt hại lớn.

Các nhà phân tích chỉ ra Boeing có thể mất hơn 100 triệu USD doanh thu mỗi ngày cho đến khi đạt được thỏa thuận với phía công nhân và chấm dứt cuộc đình công.

Argentina: Các hãng hàng không phải duy trì ít nhất 50% hoạt động khi đình công

Chính phủ Argentina đã đưa ra quy định này sau khi liên tiếp xảy ra các cuộc đình công của phi công cũng như nhân viên ngành hàng không trong tháng 8 và tháng 9 nhằm đòi tăng lương và cải thiện điều kiện lao động, ảnh hưởng tới hàng chục nghìn khách hàng.

Tờ Công báo của Argentina ngày 16/9 đã đăng tải quyết định quản lý hoạt động đình công của nhân viên ngành hàng không, trong đó cũng quy định việc đưa ra thông báo về các cuộc đình công ít nhất 5 ngày trước đó.

Trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Chuyển đổi nhà nước Argentina Federico Sturzenegger nêu rõ trong thời điểm đó, một ủy ban phải được thành lập trong vòng 24 giờ để xác định các chuyến bay bắt buộc phải duy trì trong thời gian xảy ra ra đình công. Trong trường hợp ủy ban này không đạt được thỏa thuận với công đoàn, cơ quan quản lý lao động sẽ đưa ra quyết định về các chuyến bay cần duy trì.

Trong nửa đầu tháng 9, nhân viên ngành hàng không của Argentina đã thực hiện 2 cuộc đình công lớn để yêu cầu cải thiện lương và phản đối tuyên bố được đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái coi ngành hàng không là “dịch vụ thiết yếu”.

Cuộc đình công ngày 6/9 đã ảnh hưởng đến 150 chuyến bay và 15.000 hành khách, khiến cho hãng hàng không quốc gia Aerolíneas Argentinas thuộc sở hữu của nhà nước, thiệt hại 2 triệu USD. Trong khi đó, cuộc đình công ngày 13/9 ảnh hưởng tới 319 chuyến bay, 37.000 hành khách với mức thiệt hại kinh tế lên tới gần 3 triệu USD.

Ngành Hàng không Việt ‘siết chặt’ kiểm soát giấy tờ đi máy bay

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, số lượng hành khách quốc tế đến Việt Nam bị từ chối nhập cảnh tại các cảng hàng không trên cả nước tăng mạnh.

Vì vậy, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không đề nghị nhà chức trách/lực lượng chức năng nơi máy bay xuất phát (trước khi bay đến Việt Nam) kiểm soát chặt chẽ giấy tờ của hành khách.

Năm 2020, các cảng hàng không có 506 trường hợp bị từ chối nhập cảnh vào Việt Nam; năm 2021 có 5 trường hợp do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; năm 2022, con số này là 404 trường hợp. Sang năm 2023, số hành khách bị từ chối nhập cảnh là 886 trường hợp và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024 đã có trên 600 trường hợp.

Cục Hàng không Việt Nam thông tin, việc gia tăng các trường hợp hành khách bị từ chối nhập cảnh gây thiệt hại cho hãng vận chuyển, tạo áp lực lên cảng hàng không (nơi hành khách được quản lý để đưa trở lại nơi xuất phát); đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh hàng không tại cảng hàng không và trên máy bay.

Để giảm thiểu hành khách bị từ chối nhập cảnh, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết khi cho hành khách lên máy bay, đảm bảo hành khách đáp ứng đủ, đúng giấy tờ do quốc gia quá cảnh và quốc gia đến quy định, cũng như kịp thời cập nhật các quy định của Việt Nam và quốc tế về xuất, nhập cảnh, quá cảnh liên quan đến hành khách.

Cục Hàng không Việt Nam cũng đề nghị nhà chức trách/lực lượng chức năng nơi máy bay xuất phát (trước khi bay đến Việt Nam) kiểm soát chặt chẽ giấy tờ của hành khách, nhằm hạn chế các trường hợp không đủ điều kiện nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam do nguyên nhân giấy tờ đi máy bay.

Nguồn: Tổng hợp

Nguyen Mai Huong-COMM
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.