Theo thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, trong số 2,16 triệu lượt khách du lịch đến với Thủ đô, khách du lịch quốc tế ước đạt 510,6 nghìn lượt khách, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước (bao gồm 360 nghìn lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú), khách du lịch nội địa ước đạt 1,65 triệu lượt khách, tương đương so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 8.663 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả 9 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 21,12 triệu lượt khách, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Khách du lịch quốc tế ước đạt 4,45 triệu lượt khách, tăng 40,8% so với cùng kỳ năm 2023 (bao gồm 3,14 triệu lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú), khách du lịch nội địa ước đạt 16,66 triệu lượt khách, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Với lượng tăng trưởng đó, tổng thu từ khách du lịch 9 tháng đầu năm ước đạt 81.932 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 9/2024, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn đạt 64,3%, tăng 6,73% so với cùng kỳ năm 2023; 9 tháng đầu năm 2024, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 62,6%; tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Hệ thống cơ sở lưu trú các cơ sở (đặc biệt là lưu trú cao cấp 4-5 sao), dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng. Nhiều dự án tổ hợp khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm dịch vụ thương mại du lịch được đưa vào khai thác đã đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đến từ các thị trường khách quốc tế trọng điểm đồng thời đã gia tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách.
Theo chia sẻ của Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, mặc dù tình hình kinh tế trong và ngoài nước còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, các chỉ tiêu phát triển của ngành Du lịch Thủ đô vẫn tiếp tục có sự phục hồi và phát triển đáng kể.
Cụ thể, các chỉ tiêu phát triển của ngành đều có mức tăng trưởng cao, vượt các Kế hoạch đề ra, trong chỉ tiêu về khách du lịch quốc tế với mức tăng 40,8% so với cùng kỳ năm 2023 là chỉ tiêu có mức tăng trưởng ấn tượng nhất, tiếp theo đó là chỉ tiêu tổng thu từ du lịch, với mức tăng trưởng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Hệ thống cơ sở lưu trú các cơ sở (đặc biệt là lưu trú cao cấp 4-5 sao), dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng. Nhiều dự án tổ hợp khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm dịch vụ thương mại du lịch được đưa vào khai thác đã đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đến từ các thị trường khách quốc tế trọng điểm đồng thời đã gia tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách.
Đối với thị trường quốc tế, ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục khẳng định được vị trí, hình ảnh, thương hiệu của mình trong khu vực cũng như trên thế giới. Thành phố Hà Nội được vinh dự đón nhận 03 giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á” (Asia’s Leading City Destination), “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á” (Asia’s Leading City Break Destination) và “Điểm đến văn hoá hàng đầu Việt Nam” (Vietnam’s Leading City Cultural Destination). Vượt qua nhiều đề cử xuất sắc, đây là lần thứ 03 Hà Nội được tôn vinh ở hạng mục “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á (vào các năm 2022, 2023, 2024), cho thấy vị thế của Hà Nội là điểm đến du lịch hàng đầu khu vực châu Á và sự vươn lên mạnh mẽ của Thủ đô trên bản đồ khu vực.
Cũng theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, việc tổ chức các hoạt động, sự kiện, chương trình xúc tiến du lịch cũng được đổi mới, thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp và du khách. Các sự kiện được tổ chức với quy mô lớn, chuyên nghiệp, thường niên, theo chuỗi từ đầu năm đến cuối năm với nhiều hoạt động, nội dung đặc sắc, hấp dẫn, ứng dụng nhiều công nghệ mới như 3D, Mapping, Drone.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông quảng bá cũng được chú trọng, các doanh nghiệp du lịch đã chủ động liên kết với các đơn vị truyền thông, các hãng hàng không để quảng bá sản phẩm của mình. Nhiều doanh nghiệp đã dành nguồn lực lớn để đầu tư các sản phẩm marketing chuyên nghiệp quảng bá trên các nền tảng truyền thông số.
Trong những tháng cuối năm, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tập trung tổ chức thành công Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về việc Hà Nội vinh dự đón nhận 03 giải thưởng quốc tế trên; phối hợp với Vietnam Airlines tổ chức chương trình giới thiệu điểm đến Việt Nam- Hà Nội tại thị trường Châu Âu; xây dựng các chiến dịch quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội trên các kênh truyền hình và trên các nền tảng số, phù hợp với xu hướng mới của thị trường; Nghiên cứu xây dựng các tuyến du lịch kết nối theo từng vùng.
Thành phố cũng sẽ mở rộng kết nối sản phẩm du lịch Thủ đô với sản phẩm du lịch đặc sắc của các địa phương vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Tây Bắc, vùng Việt Bắc,… Phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp Thủ đô kết nối với tuyến du lịch văn hóa tín ngưỡng Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) – Bái Đính – Tràng An (tỉnh Ninh Bình); sản phẩm du lịch văn hóa Thủ đô kết nối với tuyến du lịch biển, nghỉ dưỡng Cát Bà (Hải Phòng) – Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh); hình thành các tuyến du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng như tuyến Hà Nội – Lào Cai – Lai Châu, tuyến Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên…