Nỗ lực của ngành hàng không trong việc thúc đẩy các chuyến bay đêm, kết nối với công ty du lịch, cơ sở lưu trú xây dựng những combo giá hấp dẫn để kích cầu là chưa đủ mà cần sự đồng bộ rộng lớn hơn.
Ông LÂM HẢI GIANG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: Nâng chất, làm mới sản phẩm du lịch
Bình Định đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với 4 hãng hàng không và 3 công ty lữ hành lớn của quốc gia, gồm Saigontourist, Hà Nội Tourist và Vietravel. Tỉnh còn tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch mới và làm mới các sản phẩm du lịch; chú trọng việc nâng cao chất lượng dịch vụ bằng việc xây dựng hệ thống tiêu chí nâng cao, khuyến khích doanh nghiệp (DN) đăng ký thực hiện. Hiện nay, du lịch hội nghị, hội thảo được khuyến khích phát triển với tâm điểm là Trung tâm Khoa học và Giáo dục liên ngành ICISE, Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo.
Sức hút của du lịch Bình Định giai đoạn vừa qua chính là sự nâng cấp và hoàn thiện về cơ sở hạ tầng; sự thân thiện và mến khách của người dân địa phương; vẻ đẹp hoang sơ, gần như còn nguyên vẹn của môi trường tự nhiên; những di sản vật thể, phi vật thể của văn hóa, lịch sử riêng có của tỉnh… Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương; sự đồng hành của người dân, DN trong phát triển du lịch xanh và bền vững. Đây chính là chìa khóa của sự thành công.
Ông NGUYỄN THANH HỒNG, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam: Mở “chuyến tàu di sản miền Trung”
Thời gian qua, chúng tôi đã cùng Hiệp hội Du lịch và các DN trong ngành đưa ra nhiều chương trình kích cầu, tăng thêm các dịch vụ, tiện ích để du khách có thể tận hưởng nhiều hơn khi bỏ ra nhiều tiền để thực hiện chuyến đi (do giá máy bay cao).
Ngoài ra, để thu hút khách du lịch nói chung và khách du lịch nội địa trong mùa hè nói riêng, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cùng các địa phương ven biển đã và đang lên kế hoạch tổ chức rất nhiều sự kiện hấp dẫn. Quảng Nam đã ký biên bản ghi nhớ với Tổng Công ty Đường sắt và đang vào cuộc quyết liệt để triển khai mở “chuyến tàu di sản miền Trung”, nối từ Huế vào Đà Nẵng đến ga Trà Kiệu (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) để tăng thêm sản phẩm mới.
Ông NGUYỄN MINH TUẤN, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ: Tạo thêm sản phẩm đặc trưng
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cần Thơ đón gần 3,7 triệu lượt khách và khách lưu trú đạt gần 1,7 triệu lượt, doanh thu trực tiếp từ du lịch đạt hơn 3.300 tỉ đồng.
Để tạo thương hiệu trong quảng bá, xúc tiến du lịch, Cần Thơ tham gia liên kết hợp tác để phát triển du lịch với TP HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Cần Thơ còn liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành kết nối đường bay đến địa phương; phối hợp với các tỉnh, thành trọng điểm về du lịch để thu hút khách. Cần Thơ thường xuyên tổ chức các hội nghị quảng bá du lịch để các DN, địa phương phối hợp với nhau, xây dựng tour tuyến nhằm thu hút du khách.
Để phát triển du lịch Cần Thơ thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững, thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác giữa các sở, ngành để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, thể hiện bản sắc riêng của Cần Thơ. Các hoạt động quảng bá sẽ được đẩy mạnh, tập trung vào việc giới thiệu những điểm đến hấp dẫn và độc đáo của thành phố. Chiến lược này hướng tới việc xây dựng Cần Thơ thành điểm đến du lịch hàng đầu không chỉ trong nước mà còn trên bản đồ du lịch quốc tế.
Bà NGUYỄN NGUYỆT VÂN KHANH, Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel: Liên kết dài hơi
Việc liên kết giữa DN hàng không và du lịch đã được thảo luận nhiều nhưng vẫn gặp khó khăn khi triển khai trong thực tế. Chuỗi liên kết này có thể trở nên hiệu quả hơn nếu mỗi DN chịu ngồi lại, bàn bạc về việc tăng cường hợp tác chiến lược, tạo nên sự liên kết chặt chẽ. Các DN hàng không và du lịch cần ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược dài hạn, thay vì chỉ dựa vào các chương trình khuyến mãi ngắn hạn. Những thỏa thuận này cần rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên, đồng thời xây dựng các mục tiêu cụ thể và khả thi.
Các đối tác hàng không có thể cùng với Vietravel xây dựng nhiều gói dịch vụ tích hợp, bao gồm vé máy bay, lưu trú và các dịch vụ du lịch khác. Những gói dịch vụ này không chỉ mang lại sự tiện lợi mà còn giúp khách hàng tiết kiệm chi phí thông qua các ưu đãi và chiết khấu đặc biệt. Chính phủ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết này thông qua các chính sách hỗ trợ, như giảm thuế, cung cấp các gói tài trợ cho DN tham gia liên kết và tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa các DN trong ngành.
Ông NGUYỄN QUANG TRUNG, Trưởng Ban Kế hoạch và Kinh doanh Vietnam Airlines: Cần cơ quan chuyên trách điều phối
Hiện tại, việc hợp tác giữa hàng không và du lịch chủ yếu là các hãng hàng không, các địa phương, công ty du lịch tự bắt tay liên kết với nhau nên còn hạn chế, ở quy mô nhỏ, đa phần mang tính sự vụ, chưa có cơ chế phối hợp, hợp tác ở quy mô quốc gia để tạo tiếng vang lớn, có hiệu quả cao và dài hạn.
Để giúp ngành hàng không – du lịch liên kết hiệu quả và cùng phát triển, Vietnam Airlines đề xuất cần xây dựng một chiến lược hợp tác tổng thể, dài hạn. Kế hoạch này cần được xây dựng với các mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực, từng giai đoạn, nêu rõ được vai trò, nhiệm vụ của từng ngành, từng bên tham gia. Cần thành lập một cơ quan chuyên trách hoặc bổ sung nhiệm vụ cho Cục Du lịch quốc gia Việt Nam trong việc điều phối liên kết giữa hàng không – du lịch, thực hiện theo dõi, cập nhật và đốc thúc việc triển khai chiến lược hợp tác tổng thể, dài hạn giữa hàng không – du lịch…