Hành trình học và thi không hồi kết
Sở hữu phòng làm việc ấn tượng với tầm nhìn liên tục thay đổi, thu nhập thuộc hàng “khủng” cùng cơ hội dịch chuyển khắp thế giới… là những đặc quyền của nghề phi công khiến bao người ao ước. Nhưng ít ai biết để trở thành những “người làm chủ bầu trời” là một hành trình dài nỗ lực vượt bậc về ý chí, tâm lý, trí lực của các phi công.
Sau khi vượt qua các điều kiện xét tuyển và 3 vòng thi khắt khe để vào Trường phi công Bay Việt, các học viên sẽ trải qua quá trình đào tạo cơ bản kéo dài khoảng 1,5 năm, vượt qua 14 môn học lý thuyết trước khi chuyển sang giai đoạn huấn luyện bay với máy bay thực tế. Ở giai đoạn này, mỗi học viên sẽ được đào tạo thực hành bay trong 10-12 tháng với 200 giờ bay và 20 giờ huấn luyện trên buồng lái mô phỏng (bay SIM).
Kết thúc quá trình này, học viên tiếp tục trải qua khóa huấn luyện phối hợp tổ lái và huấn luyện với máy bay phản lực trong 3-5 tuần, cùng 32-48 giờ bay SIM để đạt được những chứng chỉ cần thiết, trước khi bước vào khóa huấn luyện chuyển loại của Vietnam Airlines.
Hoàn thành 3 giai đoạn huấn luyện phi công cơ bản và có đủ các chứng chỉ cần thiết, các học viên phi công nếu được tiếp nhận vào Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục được huấn luyện trên buồng lái mô phỏng loại máy bay mà phi công sẽ lái.
Chưa dừng lại ở đó, học viên của Vietnam Airlines sẽ được huấn luyện tích lũy giờ bay tại Hãng. Còn muốn trở thành Cơ phó, các học viên sẽ phải tích lũy từ 150-200 giờ bay.
Sau khi trở thành phi công và đi làm, các phi công vẫn sẽ tiếp tục hành trình học và thi định kỳ hàng năm, thực hiện các bài kiểm tra thông qua hệ thống bay mô phỏng và sẽ được gia hạn bằng lái. Nếu không vượt qua bài kiểm tra, họ sẽ phải học lại.
Cùng với đó, hàng năm, các phi công của Vietnam Airlines cũng liên tục phải trải qua các bài kiểm tra thể lực cùng với 2 lần huấn luyện, mỗi lần 8 giờ bay SIM tại cơ sở đào tạo của Hãng để cập nhật cách xử lý những tình huống bất thường trong quá trình bay.
Từ những chuyến bay giả lập đến làm chủ bầu trời
SIM hay Simulator là buồng lái mô phỏng. Đây là thiết bị giúp học viên làm quen với buồng lái trước khi bước vào giai đoạn huấn luyện bay. Để trở thành phi công của Vietnam Airlines, các học viên sẽ trải qua quá trình bay SIM tĩnh tại trường Bay Việt và bay SIM động do Hãng đào tạo.
Tại Bay Việt, học viên được sử dụng buồng lái mô phỏng ALSIM ALX để tạo cảm giác bay, tìm hiểu về hệ thống động cơ máy bay và nguyên lý bay, thực hiện thao tác cất cánh và hạ cánh trên các đường bay nội địa, điều khiển máy bay qua các địa hình và điều kiện thời tiết khác nhau.
Bay SIM được Bay Việt đưa vào khai thác từ tháng 9/2015. Chương trình huấn luyện phối hợp tổ lái nâng cao với 36 giờ huấn luyện SIM trên các đường bay nội địa theo quy trình thao tác chuẩn của Vietnam Airlines và chương trình huấn luyện làm quen máy bay phản lực được thực hiện trên buồng lái mô phỏng ALSIM ALX của Bay Việt đã góp phần đào tạo cho gần 600 phi công tại Việt Nam.
Kể từ khi triển khai huấn luyện làm quen với máy bay phản lực cho phi công cơ bản của Vietnam Airlines từ đầu năm 2016, Bay Việt đã giúp giảm tải áp lực đào tạo từ giáo viên bay và thiết bị SIM A321 của Vietnam Airlines, để Hãng tập trung cho hoạt động khai thác cũng như kiểm tra huấn luyện chuyển loại và thi định kỳ.
Sau khi chuyển giao hoạt động huấn luyện này cho Bay Việt, Vietnam Airlines đã tiết kiệm được hàng tỷ đồng so với tổ chức huấn luyện trên SIM A321 như trước đây, đồng thời giảm bớt chi phí thuê SIM ở nước ngoài.
Trong tất cả các giờ học bay SIM của khóa học phi công cơ bản và khóa học chuyển loại, cũng như trong suốt quá trình làm phi công khai thác ở Vietnam Airlines, Bay Việt và Hãng đều ưu tiên huấn luyện những tình huống khẩn cấp, tình huống bất thường gồm cả các tình huống bắt buộc theo luật định và các tình huống mới cập nhật hàng năm để đảm bảo kỹ năng xử lý an toàn khi bay.
Những điều thú vị về nghề phi công
Kiểm tra chéo trong phi hành đoàn
Tất cả thành viên trong phi hành đoàn sử dụng một hệ thống kiểm tra chéo để kiểm tra công việc của những người còn lại. Trong buồng lái, Cơ trưởng và Cơ phó cũng kiểm tra công việc của nhau và đảm bảo mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát.
Menu của Cơ trưởng và Cơ phó không giống nhau
Cơ trưởng và Cơ phó luôn luôn có hai khẩu phần ăn khác nhau, phòng trường hợp một người bị ngộ độc thì người kia vẫn có thể đảm đương được chuyến bay.
Lý do luôn có 2 phi công cầm lái máy bay
Trên máy bay, cả hai phi công đều có trách nhiệm ngang nhau, tuy nhiên Cơ trưởng vẫn là người ra quyết định cuối cùng. Trước chuyến bay, Cơ trưởng và Cơ phó thảo luận về chức năng của mỗi người trong chuyến bay, sau đó họ quyết định xem ai thực hiện và giám sát. Ví dụ, Cơ trưởng cất cánh, điều hướng tự động và hạ cánh, trong khi đó Cơ phó sẽ quan sát công việc của Cơ trưởng và liên lạc với người điều phối qua radio.
Kiểm tra trước giờ bay
Phi công vào buồng lái thông qua một lối tách biệt và được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Phi công cũng phải vượt qua bài kiểm tra về sức khỏe trước mỗi chuyến bay. Theo đó, mỗi phi công đều được kiểm tra huyết áp, mạch đập, đôi khi phải làm xét nghiệm máu trước khi bay. Nếu một thành viên của phi hành đoàn cảm thấy không ổn, những phi công dự bị sẽ thay thế họ trong chuyến bay.
Trước mỗi chuyến bay, Cơ trưởng và Cơ phó phải kiểm tra toàn bộ trong và ngoài máy bay để xem máy bay có bị hỏng hóc, móp méo hay không. Khi hành khách lên máy bay, phi công sẽ kiểm tra toàn bộ về lộ trình bay, xem xét lại thời tiết và nhiều thứ khác.
Phi công cảm thấy hài hước với những bộ phim hư cấu về ngành hàng không
Tất cả những khoảnh khắc có trong phim như người đứng trên máy bay hoặc vá lỗ hổng trên máy bay khi đang bay là những điều không tưởng.
Theo Spirit N06