Sự an toàn của hành khách là số 1
“Do ảnh hưởng của hoàn lưu, cơn bão xxx gây mưa lớn tại một số khu vực phía Đông Bắc Bộ. Để đảm bảo an toàn khai thác, Vietnam Airlines điều chỉnh thời gian khởi hành một số chuyến bay, cụ thể…”,“Vì lý do thời tiết xấu nên chúng tôi sẽ phải chuyển hướng hạ cánh tại sân bay xxx để chờ đợi đến khi thời tiết tại sân bay đến đủ điều kiện hạ cánh. Vietnam Airlines gửi lời xin lỗi và mong nhận được sự thông cảm của hành khách bị ảnh hưởng do tình huống bất khả kháng trên.”
Chắc hẳn sẽ có hành khách cảm thấy không hài lòng khi nhận được những dòng thông báo điều chỉnh lịch bay, chuyển hướng điểm đến do điều kiện thời tiết xấu nói trên. Một buổi họp bị huỷ? Một cuộc hẹn bị lỡ? Gia đình, bạn bè đang mong ngóng?… Rất nhiều kế hoạch phải hủy bỏ do xô lệch lịch bay dẫn đến phản ứng kém tích cực của khách hàng là điều dễ hiểu.
Thực tế, khi khai thác bay, các chuyến bay của Vietnam Airlines nói riêng và của các hãng bay Việt nói chung sẽ phải tuân thủ một loạt quy định nghiêm ngặt về an toàn bay của hãng cũng như của các tổ chức hàng không quốc tế và Cục Hàng không Việt Nam. Một trong số đó là các điều kiện thời tiết để duy trì an toàn bay.
Nếu máy bay đang thực hiện bay bằng ở độ cao trung bình từ 10.000-12.800m trên không trung, thuộc khu vực tầng bình lưu của khí quyển thì thời tiết ít ảnh hưởng tới chuyến bay. Bởi các cơn mưa hay bão xảy ra ở các tầng thấp của khí quyển.
Tuy nhiên, nếu máy bay chuẩn bị cất hoặc hạ cánh, thời tiết xấu sẽ đe doạ khả năng chạy đà hoặc tiếp đất của máy bay. Chính vì vậy mà đều đặn 6 tiếng/ lần, 4 lần mỗi ngày, cơ quan Khí tượng Hàng không sẽ cập nhật dự báo thời tiết cụ thể tại các sân bay đến và đi cho Vietnam Airlines. Dựa trên số liệu đó, Trung tâm Điều hành khai thác (OCC) để đưa ra phương án cất/hạ cánh cho các chuyến bay trong khung giờ tiếp theo.
Hai yếu tố quyết định đến lịch trình bay là điều kiện gió cạnh (gió thổi 2 bên cánh máy bay) và dự báo thời tiết thực tế tại thời điểm cất/hạ cánh. Nếu 2 yếu tố này vượt quá giới hạn cho phép thì các chuyến bay của Hãng sẽ bị hoãn hoặc hủy cho tới khi thời tiết lý tưởng hơn.
Những thiệt hại “lặng thầm”
Thông thường, máy bay đều bắt buộc phải mang thêm một lượng dầu (extra oil) theo quy định khi thực hiện chuyến bay, để đảm bảo đủ nhiên liệu bay chờ, nếu sân bay đến không đảm bảo điều kiện hạ cánh hoặc xảy ra “tắc đường” trên không.
Với hàng chục đến hàng trăm chuyến bay cất cánh trong khung giờ thời tiết xấu, lượng dầu chờ này theo đó cũng tăng lên và đội thêm một khoản chi phí khổng lồ cho hãng hàng không.
Thực tế, không chỉ ngay thời điểm diễn ra mưa bão mà khoảng thời gian sau đó nhiều chuyến bay cũng bị hoãn lịch khởi hành. Lý giải về điều này, OCC cho biết ngay sau mưa bão, các sân bay trong nước rất hay bị “tắc nghẽn” đường không. Nhiều chuyến bay phải chờ đợi để được hạ cánh, vì thế những chuyến bay dự kiến đến sân bay thời điểm đó cần được hoãn lại để tránh tiêu hao nhiên liệu trên không một cách vô ích.
“Hiện nay với công nghệ hỗ trợ vô cùng hiện đại thì dự báo thời tiết khu vực sân bay có độ chính xác rất cao. Tuy nhiên thực tế vẫn có thể xảy ra sai lệch. Nhiều thời điểm thời tiết xấu buộc phải quyết định hủy chuyến song đến giờ bay thời tiết lại vẫn đáp ứng cất/hạ cánh. Mặc dù rất tiếc nhưng chúng tôi buộc phải tuân theo quyết định trước đó để đảm bảo an toàn, đặc biệt là an toàn cho hành khách.” – Anh Trần Trung Dũng – thành viên Đội phụ trách điều phái OCC của Vietnam Airlines chia sẻ.
Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, khi thấy khả năng thời tiết không đáp ứng điều kiện hạ cánh dù có bay chờ hết lượng dầu dự trữ mang theo, máy bay sẽ buộc phải chuyển hướng tới sân bay thứ 3 để nạp nhiên liệu rồi mới có thể quay lại điểm đến ban đầu. Khoản chi phí cộng thêm lúc này không chỉ là chi phí nhiên liệu mà còn bao gồm chi phí chuyển hướng, sân đỗ, dịch vụ cất hạ cánh, nhân sự….
Thậm chí đối với các chuyến bay đường dài bị hoãn quá lâu do mưa bão, Hãng còn phải đối mặt với chi phí thay đổi toàn bộ nhân sự phục vụ chuyến bay. Bởi theo quy định chặt chẽ của Cục Hàng không Việt Nam, các thành viên của tổ bay không được làm việc quá thời gian cho phép (duty time) để đảm bảo an toàn. Bởi vậy đối với những chuyến bay bị hoãn quá lâu, nếu điểm đỗ không có tổ bay thay thế, Vietnam Airlines buộc phải cử một tổ bay mới đến tiếp nhận nhiệm vụ để máy bay có thể tiếp tục hành trình.
Và như hiệu ứng domino, chỉ một chuyến bay chậm trễ sẽ kéo theo hàng loạt chuyến bay khác của Hãng bị ảnh hưởng dây chuyền. Bởi vậy rủi ro thời tiết không chỉ “xô đổ” lịch trình của hành khách mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy và gây thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế cho các hãng, trong đó có Vietnam Airlines.
Vietnam Airlines chuẩn bị kỹ lưỡng đón mùa mưa bão 2022
Quyết tâm đảm bảo an toàn bay, đặc biệt trong mùa mưa bão và giảm thiểu tối đa thiệt hại kinh tế, Vietnam Airlines đã thành lập tổ chuyên trách, nâng cao công tác đào tạo – huấn luyện, tăng cường công tác chuẩn bị trước chuyến bay.
Cụ thể, tổ Cơ trưởng hỗ trợ điều phái (Duty Captain) sẽ đánh giá thời tiết, kỹ thuật chuyến bay và hỗ trợ trực tiếp cho tổ bay trong điều kiện thời tiết xấu. Các đơn vị đào tạo tăng cường nội dung huấn luyện trong buồng lái mô phỏng các tình huống hạ cánh ở điều kiện thời tiết bất lợi, thời tiết diễn biến bất ngờ; phân tích, đánh giá nguyên nhân các sự kiện liên quan tới việc tiếp cận không ổn định; đưa ra biện pháp phòng ngừa, khắc phục để giảm tỉ lệ tiếp cận không ổn định, đáp ứng mục tiêu của bộ chỉ số an toàn hàng không; tăng cường công tác chuẩn bị trước chuyến bay cho người lái và các sân bay khai thác để chủ động kế hoạch bay cũng như sử dụng sân bay dự bị phù hợp.
Vietnam Airlines luôn chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa bão để điều chỉnh kế hoạch hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp và đảm bảo an toàn tuyệt đối hoạt động bay. Vietnam Airlines mong muốn nhận được sự cảm thông và chia sẻ của hành khách, để cùng hướng tới những hành trình bay an toàn và hạnh phúc!
Theo Spirit N06