Thứ Tư, 9/4/2025
Hà Nội

Hanoi, VN

Weather in Hanoi, VN

23°C

[Hertitage] Đi tìm biểu tượng loài chim gần gũi người Việt

Chim dang cánh bay trên mặt trống là chim Lạc và là vật tổ của văn hóa Đông Sơn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hình tượng chim Lạc khá phổ biển trên các trống đồng Đông Sơn (Nguồn ảnh Bá Ngọc – HRT)

Học giả Đào Duy Anh đã gọi hình tượng những con chim bay trên mặt trống đồng Đông Sơn là chim Lạc. Người Lạc Việt chủ nhân của nền văn hóa Đông Sơn “thường hóa trang mang lông chim Lạc ở đầu và mình để hóa trang thành chim Vật Tổ… cốt để cầu cho họ được an toàn giữa biển khơi. Những hình chim bay và chim đậu chạm ở mặt trống đồng chính là hình chim Lạc Vật Tổ”[1]. Một học giả người Pháp là V. Goloubew cũng cùng nhận đinh, khi cho rằng những hình người và hình thuyền hóa trang lông chim trên trống đồng là có ý nghĩa Vật Tổ, mục đích của sự hóa trang cốt làm cho người và thuyền giống với Vật Tổ mà Vật Tổ ấy là một loài chim Hậu Điểu”[2].

Đáng chú ý, 2 học giả lớn này đều thống nhất hình đàn chim đang bay trên mặt trống đồng là Vật Tổ của người Việt cổ, chủ nhân của những chiếc trống Đông Sơn. Tức là vào khoảng hơn 2.000 năm cách ngày nay, người Việt cổ đã thờ Vật Tổ là một loài chim, đấy là tín ngưỡng Tô tem giáo mà nhiều dân tộc xưa kia đã thờ một con vật thiêng nào đó làm Tổ của cộng đồng. Ví dụ, có dân tộc coi rắn thần Naga là ông Tổ, có dân tộc lại coi chim thần Garuda là Vật Tổ, nhiều dân tộc ở Ấn Độ thờ một số động vật như voi, khỉ, rắn, đặc biệt là bò.

Nhiều thập kỷ trôi qua, số lượng trống đồng Đông Sơn đã được phát hiện hàng vài trăm chiếc đã củng cố giả thiết của học giả Đào Duy Anh và nhiều nhà khoa học là có cơ sở: chim dang cánh bay trên mặt trống là chim Lạc và là Vật Tổ của người Đông Sơn. Thậm chí, ở những chiếc trống Đông Sơn muộn, người xưa đã trang trí giản lược nhiều hoa văn, nhưng vẫn còn giữ hình ảnh Vật Tổ của mình, có khi chỉ là 4 con chim đang bay. Vậy thì hình tượng chim trên mặt trống đồng là chim Thần và là Vật Tổ của người Việt cổ là điều có thể lý giải được.

Trống đồng Kính Hoa 3 – Bảo vật Quốc gia (Nguồn ảnh Bá Ngọc – HRT)

Tuy vậy, việc giải mã hình tượng chim trên trống đồng cũng là vấn đề còn nhiều  tranh luận. Khái niệm chim Lạc chỉ đơn thuần là chim của người Lạc Việt. Còn chim Lạc là loài chim gì trong thực tế? Thậm chí chim Hậu Điểu cũng là một khái niệm không nói lên cụ thể loài chim nào… Những tranh luận chữ nghĩa kiểu “duy danh định nghĩa” chắc là khó đến hồi kết.

Chúng tôi cho rằng có thể căn cứ vào hình khắc của những động vật trên trống đồng, chúng ta đã có thể từng bước giải mã được một số loài: có loài bồ nông với cái cổ bạnh, đang ngậm mồi, có loài công với cái đầu có mỏ ngắn cùng túm lông trên đầu, loài bò có u, loài cá sấu, hươu, hổ… Những con chim bay trên mặt trống mang đặc điểm: mỏ dài, thẳng và nhọn. Trên đầu thường có chùm lông sau gáy, cổ cong và dài, khi bay thì cánh xòe rộng, thường lộ đôi chân thanh mảnh, có khi chân ngắn nhưng có khi chân được miêu tả dài quá cả phần đuôi… Với những điểm đặc biệt này, có thể phân loại theo khoa học thì chim thuộc bộ Hạc[3], một bộ có đến 112 loài và 5 họ. Đáng chú ý có họ Diệc lại có thể chia ra 31 loài như diệc, cò lửa, vạc, cò trắng… Vì thế, hình chim bay trên trống đồng có thể gọi là hạc, diệc, cò cũng đều đúng.

Trong đời sống người dân Việt xưa vốn là nông dân trồng lúa nước thì hình ảnh của con hạc, diệc, cò … đều quen thuộc. Trong ca dao thì hình ảnh con cò phổ biến hơn: Con cò bay bổng bay la, bay từ cửa miếu bay ra cánh đồng. Đôi khi người xưa còn ẩn dụ hình tượng người phụ nữ đảm đang trong dáng “Con cò lặn lội bờ sông”… Ngày nay, khắp từ Bắc đến Nam, nhiều vườn cò đã được người dân chăm sóc, cò bay sải cánh rợp trời, phục vụ cho khách du lịch. Con hạc thì thường được gắn với tâm linh, hầu như chùa nào cũng có tượng hạc. Nhiều nơi thờ tự nghiêm trang, đôi hạc cũng được đặt trước án thờ.

Hình tượng con cò, con hạc, con diệc… trên trống đồng Đông Sơn mà nhiều người quen gọi là chim Lạc còn khá phổ biến ngày hôm nay, nhiều logo có hình ảnh chim Lạc được sử dụng trong các tác phẩm của giới nghệ thuật và các sản phẩm đời sống. Điều đó cho thấy sức sống ngàn năm của một loài chim Vật Tổ của người Việt xưa.

Hình tượng chim Lạc song hành cùng các cánh bay của Vietnam Airlines (Nguồn ảnh Bá Ngọc – HRT)

Tháng 4 này, hình ảnh chim Lạc sẽ được xuất hiện trên thân máy bay của Vietnam Airlines với tâm nguyện của hãng là tiếp tục lan tỏa bản sắc văn hóa, giá trị lịch sử của dân tộc tới muôn nơi. Chim Lạc thời xưa “bay” theo trống đồng đi khắp Đông Nam Á và nam Trung Quốc. Ngày nay,  chim Lạc sải cánh xa hơn cùng những cánh bay của Vietnam Airlines.

[1] Đào Duy Anh (2005), Lịch sử cổ đại Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005, tr. 54-55

[2] V. Goloubew (1929), L’Age du bronze au Tonkin et dans le Nord Annam (Thời đại Đồng thau ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ), BEFEO. T. XXIX, Hanoi 1929, pp. 1-16.

[3] Võ Quý (1975), Chim Việt Nam, hình thái và phân loại, tập 1, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1975, tr. 57

GS. TS Trịnh Sinh
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.