1. Bối cảnh
Đại dịch Covid-19 kéo dài từ 2020-2022 đã khiến kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng nặng nề và làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Các năm tiếp theo, nền kinh tế thế giới vẫn chậm hồi phục trong bối cảnh gia tăng xung đột vũ trang và rủi ro địa chính trị, đặc biệt cuộc xung đột Nga – U-crai-na kéo dài, xung đột thảm khốc giữa Israel – Hamas và hiện đang lan ra một số nơi khác ở Trung Đông khiến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, lạm phát tăng cao, các ngân hàng trung ương liên tục điều chỉnh chính sách về lãi suất để thích ứng với tình hình mới. Bên cạnh đó, sự phục hồi chậm tại thị trường Trung Quốc ảnh hưởng đến sự phục hồi thương mại toàn cầu, làm giảm hoạt động ở các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại. Thiên tai toàn cầu gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng do biến đổi khí hậu đã, đang và dự kiến sẽ gây rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu.
Theo dự báo của quỹ tiền tệ quốc tế IMF và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tăng trưởng kinh tế năm 2024 dự kiến đạt 3,2%, tương tự mức đã đạt được năm 2023. Lạm phát được dự báo giảm từ 5,9% năm 2024 xuống 4,5% vào năm 2025, nhờ lãi suất tăng ở nhiều nước trên thế giới. Trong khi đó, World Bank (WB) dự báo tăng trưởng toàn cầu ổn định ở mức 2,6% trong năm 2024, trước khi nhích lên 2,7% trong hai năm tiếp theo.
Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực. Theo dự báo mới nhất vào tháng 9/2024 của IMF và WB, tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 6,1% năm 2024. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn mức tăng trưởng 7%/năm giai đoạn trước Covid-19. Một số động lực tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn tới bao gồm cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu, sự hồi phục của sản xuất công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và tiêu dùng, gia tăng đầu tư công. Bên cạnh đó, nền tảng vĩ mô được tích lũy tốt lên, lạm phát và lãi suất đang giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, rủi ro nợ xấu trong tầm kiểm soát, thị trường chứng khoán và bất động sản phục hồi; kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng được đẩy mạnh; cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế được thúc đẩy; phát triển bền vững đang trở thành xu thế tất yếu mà Việt Nam và các quốc gia trên thế giới hướng đến.
Trong bối cảnh đó, hệ thống DNNN tiếp tục thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, trước hết nhờ đóng góp tích cực cho công tác phòng chống dịch bệnh, tham gia chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, làm nền tảng để tạo môi trường hoạt động cho mọi thành phần kinh tế và cải thiện an sinh xã hội. Công tác tái cơ cấu, đổi mới DNNN là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong phát triển kinh tế – xã hội và là một trong ba trụ cột của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Đổi mới DNNN tập trung giữ vững những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì quá trình đổi mới DNNN thời gian qua cũng còn tồn tại một số hạn chế như tiến độ triển khai Đề án cơ cấu lại một số DNNN còn chậm. Một số quy định liên quan đến công tác sắp xếp, cơ cấu lại DN còn gặp vướng mắc, khó khăn trong triển khai, chưa được tháo gỡ kịp thời dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, Một số DNNN sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, còn có những dự án chưa hiệu quả, ảnh hướng đến kết quả sản xuất, kinh doanh của DN; Công tác đổi mới quản trị của một số DNNN chưa theo kịp với yêu cầu biến động của thị trường; công tác quản lý rủi ro, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn hạn chế; chế độ đãi ngộ và xử lý trách nhiệm chưa tạo được động lực gắn với trách nhiệm theo cơ chế thị trường…; Việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số chưa tương xứng với tốc độ thay đổi của thị trường.
Đối với VNA là DNNN hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng không, đảm nhận sứ mệnh vai trò là Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam. Sau khi hoàn tất chuyển đổi sở hữu, VNA đã có những thay đổi bứt phá, là một trong số ít DNNN đã CPH thành công và tìm được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài (Tập đoàn hàng không 5 sao ANA của Nhật Bản) với cam kết đồng hành phát triển, hợp tác khai thác mạng đường bay và nâng cao quản trị doanh nghiệp. Trạng thái tài chính của VNA vào cuối năm 2019 (trước đại dịch Covid-19) khá lành mạnh và ở mức an toàn, khả năng thanh toán tốt, nợ phải trả và nợ vay ở ngưỡng an toàn, nguồn vốn chủ sở hữu ở mức phù hợp với quy mô kinh doanh, tín nhiệm tín dụng luôn ở mức cao.
Trong giai đoạn 2011-2019, VNA đã vận chuyển tổng cộng 163,9 triệu lượt khách, tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 5,8%, cung ứng gần 332,9.tỷ ghế.km, tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 5,7%; thị phần khách thường lệ đạt trung bình xấp xỉ 40,1%, sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 2.258 nghìn tấn, tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 7,8%. VNA phát triển mạng đường bay đến các vùng miền của cả nước và các điểm đến của nhiều quốc gia trên thế giới, góp phần kết nối giao lưu văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Mạng đường bay của VNA tăng từ 83 đường bay (trong đó quốc tế 46 đường, nội địa 37 đường), 47 điểm đến (trong đó quốc tế 27 điểm, nội địa 20 điểm) năm 2011 lên 101 đường bay (trong đó quốc tế 62 đường, nội địa 22 đường), 54 điểm đến (trong đó quốc tế 32 điểm, nội địa 22 điểm) năm 2019. VNA hiện là Hãng hàng không duy nhất ở Việt Nam có đường bay thẳng đến Châu Âu.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa, VNA thực hiện các nhiệm vụ vận chuyển giải cứu lao động/khách từ các thị trường quốc tế khi xảy ra khủng khoảng: Năm 2005-2007 vận chuyển khách lao động trở về từ Malaysia và Trung Đông; Năm 2008 giải cứu hành khách ở Thái Lan do khủng hoảng chính trị; Năm 2010 giải cứu hành khách tại Châu Âu do núi lửa; Năm 2011 hỗ trợ người Việt về trong thời điểm Nhật Bản bị động đất và sóng thần; Năm 2011/2014, lập cầu Hàng không giải cứu lao động ở Libi.
Do tác động của đại dịch Covid-19 xảy ra từ đầu năm 2020, năng lực tài chính của các hãng hàng không nói chung và VNA nói riêng đã bị suy giảm nghiêm trọng. Để ứng phó với tình huống khủng hoảng, VNA chủ động, nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp tự thân, đồng thời nhận được sự hỗ trợ từ Quốc hội, Chính phủ thông qua các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho VNA với tư cách là cổ đông lớn nhất chiếm 86,19% vốn điều lệ, trong đó có gói hỗ trợ thanh khoản quy mô 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 để lại cùng với thực trạng khó khăn chung của nền kinh tế khiến cho VNA không thể tự thân khắc phục các khó khăn, thách thức hiện nay, vốn chủ sở hữu Công ty mẹ tiếp tục âm, lỗ lũy kế vẫn ở mức cao, tình trạng tài chính của VNA vẫn đang mất cân đối nghiêm trọng, các khoản nợ đến hạn và quá hạn vẫn rất lớn, do đó cần tiếp tục có các giải pháp tháo gỡ khó khăn và đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của VNA để vượt qua khủng hoảng, sớm phục hồi và phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh cơ cấu lại toàn diện VNA, đảm bảo bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại VNA.
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, mặc dù hoạt động kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn nhưng VNA vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Hãng Hàng không quốc gia, đã thực hiện nhiều chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam bị kẹt tại nước ngoài về nước trong khi các hãng hàng không cắt chuyến bay; thực hiện các chuyến bay chuyên chở thiết bị y tế, hàng cứu trợ của chính phủ Việt Nam cho các nước và nhiều chuyến chở khách người nước ngoài bị kẹt tại Việt Nam về nước.
2. Các giải pháp đáp ứng yêu cầu sắp xếp, đổi mới DNNN nói chung và VNA nói riêng.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 khóa XIII, Trung ương đã thống nhất khẳng định Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với mục tiêu đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu đó, vai trò mở đường, dẫn dắt của các DNNN là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, việc tái cơ cấu, đổi mới DNNN nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh, chất lượng đầu tư phát triển của DNNN được xác định là giải pháp trọng tâm.
Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa XII) về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN đặt ra yêu cầu: “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, nhằm huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp để doanh nghiệp nhà nước giữ vững vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.”
Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 Đại hội Đảng lần thứ XIII có nêu rõ: “Đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, bảo đảm doanh nghiệp nhà nước là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước. Đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn; nâng cao hiệu quả hoạt động, sử dụng vốn của các doanh nghiệp nhà nước. Đổi mới cách thức thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, nhất là các biện pháp liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu và giá trị truyền thống của doanh nghiệp cổ phần hóa. Hoàn tất việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước. Tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, địa phương, bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp nhà nước then chốt quốc gia. Hình thành đội ngũ quản lý doanh nghiệp nhà nước chuyên nghiệp, có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt. Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, thực hiện quyền tự chủ, nâng cao hiệu quả hoạt động, có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế…”
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và 4 đột phá phát triển, trong đó gồm có nhiệm vụ “Lãnh đạo việc cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả tài sản, vốn, các nguồn lực, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững…”
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng công ty Hàng không Việt Nam Lần thứ V, nhiệm kỳ 2020 – 2025 cũng chỉ rõ một trong số các nhiệm vụ trọng tâm của VNA trong nhiệm kỳ này là “Thực hiện cấu trúc lại tài sản, nguồn vốn, nhanh chóng phục hồi năng lực tài chính; chuẩn bị nguồn lực và triển khai có trọng điểm các dự án đầu tư chiến lược… Phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau khủng hoảng do Covid-19 gây ra, đảm bảo kinh doanh có lãi, xóa lỗ lũy kế, đảm bảo nguồn lực tài chính cho phát triển, mở rộng qui mô sản xuất và tăng năng lực cạnh tranh; thực hiện cấu trúc lại tài sản, nguồn vốn, nhanh chóng phục hồi năng lực tài chính.”
Tại Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020, Quốc hội yêu cầu“VNA tiếp tục có giải pháp xử lý giảm lỗ, thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và quan tâm đến quyền lợi người lao động trong điều kiện đại dịch Covid-19 có khả năng chưa thể sớm chấm dứt.”
Tại Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29 tháng 06 năm 2024, Quốc hội yêu cầu: “…xây dựng chiến lược phát triển toàn diện; khẩn trương hoàn thiện Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho VNA để sớm phục hồi và phát triển bền vững; đẩy nhanh việc cơ cấu lại toàn diện VNA theo đúng tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; xác định rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, nhất là nguyên nhân do vướng mắc về văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình xây dựng Đề án tổng thể, kiến nghị giải pháp tháo gỡ kịp thời…”
Để đáp ứng yêu cầu sắp xếp và đổi mới DNNN, đặc biệt là các DNNN trong ngành hàng không như VNA, cần thực hiện một số nhóm giải pháp như sau:
Thứ nhất, Quyết liệt đẩy nhanh việc thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn DNNN theo các Quyết định: số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021, số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 và số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ (theo các Quyết định này, có 186 DNNN thực hiện sắp xếp lại, CPH, thoái vốn trong giai đoạn 2021-2025, tuy nhiên đến 31/12/2023 mới chỉ có 5 DN được phê duyệt CPH, có 77 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại DN, hoàn thành thoái vốn nhà nước tại 24 doanh nghiệp…). Việc thực hiện thoái vốn nhà nước cần gắn với phương án tăng vốn của DN để đáp ứng nhu cầu tài chính của DN, tạo nền tảng vững chắc cho DN phát triển bền vững.
Thứ hai, Nâng tầm quy mô, hiệu quả hoạt động của các DNNN để trở thành các thực thể kinh tế mạnh, xứng tầm quốc gia, đủ khả năng cạnh tranh trong khu vực, đảm bảo thực hiện trách nhiệm dẫn dắt thị trường, điều tiết nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới… Định hình một số TĐKT, TCT dẫn đầu trong lĩnh vực chủ chốt của ngành kinh tế của đất nước (như hàng không, dầu khí, viễn thông, năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia…).
Thứ ba, Xây dựng thể chế, chính sách cho nhóm các DNNN nòng cốt và mang thương hiệu quốc gia, đặc biệt là các DNNN chịu sự cạnh tranh mạnh quốc tế như lĩnh vực vận chuyển hàng không, năng lượng, viễn thông…, hạn chế cạnh tranh giữa các DNNN kinh doanh cùng ngành nghề dẫn đến suy giảm năng lực của DNNN so với các thành phần kinh tế khác.
Thứ tư, Nghiên cứu cơ chế giao nhiệm vụ cho các TĐKT, TCT quy mô lớn thực hiện những dự án đầu tư quy mô lớn, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Tăng cường thêm vai trò của UBQLV dưới góc độ là một cơ quan huy động và điều phối nguồn lực tài chính trong các TĐKT, TCT do UBQLV là đại diện CSH vốn nhằm tương hỗ và thúc đẩy các DN cùng phát triển bền vững.
Trong giai đoạn 2024-2025, một trong những dự án trọng điểm quan trọng quốc gia cần có sự hiện diện của DNNN trong lĩnh vực hàng không là dự án Cảng HKQT Long Thành. Các DNNN như VNA, ACV… có kinh nghiệm và thế mạnh trong lĩnh vực chuyên ngành hàng không, việc giao cho các DNNN này tham gia dự án Cảng HKQT Long Thành sẽ phát huy hiệu quả của dự án, xây dựng và phát triển hạ tầng hàng không hiện đại, đồng bộ, các Trung tâm sản xuất linh kiện, bảo trì, bảo dưỡng máy bay, cung ứng các sản phẩm dịch vụ phục vụ chuyến bay… tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.
Thứ năm, Tiếp tục thực hiện mạnh mẽ công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về đổi mới và phát triển DNNN; cần có bước đột phá sáng tạo trong việc xây dựng Luật, đặc biệt đối với Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN (Luật số 69), đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư…, xác định rõ các nguyên tắc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, quản trị DNNN, phân định quyền kiểm soát và phân cấp quản lý vốn nhà nước rõ ràng, cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp chuẩn mực quốc tế, tạo thuận lợi cho DNNN và công bằng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác.
Thứ sáu, Tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN theo chỉ tiêu tài chính tổng thể, không đi theo từng dự án, chương trình hoạt động cụ thể. Có các cơ chế chính sách để DNNN sử dụng các công cụ tài chính phòng hộ rủi ro, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong giám sát hoạt động của DNNN để đảm bảo hiệu quả trong việc phát hiện sớm các sai phạm, cảnh báo các nguy cơ làm DNNN bị thua lỗ, mất vốn Nhà nước, khẩn trương chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài.
Thứ bảy, Tái cấu trúc mô hình tổ chức, tinh gọn bộ máy, đổi mới chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động, hiệu quả hoạt động của DNNN, nhất là đối với lao động đặc thù, lao động chất lượng cao, quản lý cấp cao của DNNN. Đổi mới công tác quản lý cán bộ, tuyển dụng hoặc thuê cán bộ chất lượng cao, có thể xem xét cả các tổng giám đốc nước ngoài thí điểm tại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
Thứ tám, Đổi mới công nghệ thông tin, đẩy mạnh ứng dụng cách mạng công nghệ 4.0, Trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như phân tích nhu cầu thị trường, dự đoán hành vi khách hàng và tối ưu hóa hoạt động. Việc khai thác dữ liệu sẽ giúp các DNNN hiểu rõ hơn về khách hàng của mình và từ đó đưa ra các quyết định đúng đắn hơn.