Bảo tồn rùa biển trên hòn Bảy Cạnh

Thuộc vườn quốc gia Côn Đảo, hòn Bảy Cạnh có khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp với núi non hùng vĩ, biển trong xanh cùng hệ sinh thái đa dạng. Đây là nơi có lượng rùa biển lên đẻ trứng nhiều nhất Việt Nam

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chúng tôi đến được đảo sau 30 phút đi tàu. Tuy nước rút và tàu không thể vào bến, nhưng chúng tôi quyết định lội bộ đến bờ. Xung quanh đảo là một khu rừng ngập mặn xanh rì với rễ cây chìm xuống mặt nước, tạo nên một cảnh quan độc đáo.

Bãi Cát lớn – địa điểm được rùa sinh sản nhiều nhất. (Ảnh: Mai Hương)

Đảo này có 6 anh em kiểm lâm chăm sóc, với cơ sở vật chất sạch sẽ và ngăn nắp. Cuộc sống trên đảo phụ thuộc hoàn toàn vào bể chứa nước mưa. Khi cạn kiệt nước, anh em kiểm lâm thậm chí phải chi trả 1 triệu VNĐ cho mỗi khối nước ngọt. Và chúng tôi – những du khách thật sự cảm thấy biết ơn khi được tắm trong vòi sen nước sạch trên đảo này.

Chỉ có chúng tôi và vài chú chó quẩn quanh trên đảo, cùng với tiếng sóng biển ì oạp tạo nên một bầu không khí yên bình. Ngồi uống ly bia mát lạnh, chúng tôi ngắm nhìn Bãi Lớn với cát trắng mịn và biển xanh ngút ngàn, bỗng thấy những từ “yêu quê hương đất nước” trở nên gần gũi hơn bao giờ hết.

Cua xe tăng

Sau một bữa tối ngon miệng, chúng tôi dự định khám phá rừng để tìm kiếm cua xe tăng, loài cua cạn lớn nhất Việt Nam. Cua xe tăng được biết đến với kích thước lớn và khả năng tái sinh càng khi bị gãy, với mai có thể dài lên đến 10cm.

Cua xe tăng tại Côn Đảo. (Ảnh: Mai Hương)

Tiếng lá rụng xoạt hoạt trong rừng, một trong những anh kiểm lâm đã chiếu đèn và phát hiện ra một con cua xe tăng, đang cố gắng lẩn trốn. Lựa tay tóm mai cua, anh chiếu đèn để chúng tôi thấy cặp càng khỏe mạnh và những cái chân lông lá. Đây cũng là một. trong những loài cua đang nằm trong danh sách được bảo tồn.

Săn rùa sinh sản

Mùa rùa sinh sản từ tháng 4 đến tháng 10. Rùa có thói quen sinh nở vào ban đêm. Từ chiều, chúng đã nổi lên “thám sát” nơi định làm tổ. Bởi vậy, đảo cấm tắm biển từ 3h chiều, bảo đảm sự bình yên của bãi.

Chúng tôi được dặn cứ ngủ bình thường, nếu rùa lên đẻ trứng các anh kiểm lâm sẽ gọi. Khoảnh khắc căng thẳng, chúng tôi chờ đợi trong im lặng. Khi điện thoại reo vang vào lúc 12:30 đêm, chúng tôi nhận ra rằng thời điểm đã đến.

Các cán bộ kiểm lâm dập thẻ cho rùa. (Ảnh: Mai Hương)

Di chuyển lặng lẽ trong bóng đêm, chúng tôi cố gắng tránh làm kinh động các rùa mẹ. Ánh đèn vàng lờ mờ từ anh kiểm lâm giúp chúng tôi thấy được đường đi mà không làm ảnh hưởng đến các loài động vật. Ngồi trên bãi cát, chúng tôi tận hưởng không khí yên bình, ngắm nhìn sao trời và nghe sóng biển. Chúng tôi hồi hộp chờ đợi hiệu lệnh để tiếp cận rùa mẹ.

Rùa mẹ của chúng tôi dài 1,2m nặng khoảng 120kg. Sau khi đào cát thành ổ to để nằm, rùa mẹ đào một hố sâu tới 60cm để đẻ trứng. Quá trình đẻ trứng trong khoảng 30 phút, có lúc trứng ra theo chùm 3 quả, mỗi quả to bằng quả bóng bàn.

Sau khi hoàn thành quá trình đẻ, rùa mẹ sử dụng hai chân sau để lấp kín tổ trứng. Dường như, rùa mẹ vẫn rất khỏe mạnh, với các cú đào cát mạnh mẽ. Sau khi tổ trứng đã được lấp kín, rùa mẹ quay về biển, để cho những đứa con sẽ nở ra được tự do sống cuộc sống của mình.

Đất lành… thì rùa đậu

Các anh kiểm lâm sau đó di chuyển tổ trứng về một khu vực ấp an toàn trong trại. Bãi cát ấp có hàng rào bảo vệ trứng khỏi những nguy hiểm từ môi trường và kẻ săn mồi. Những rùa con sau này sẽ được thả xuống biển, bắt đầu cuộc hành trình của riêng mình.

Trong khi rùa mẹ ngụy trang tổ trứng, anh kiểm lâm đo kích thước mai rùa, ghi chép số liệu vào sổ và chuẩn bị dập thẻ cho rùa. Thẻ bằng inox, mang mã số định danh quốc gia nơi rùa đẻ, nhằm theo dõi thói quen và tần suất đẻ của rùa biển. Dù tập tính là sinh ra ở đâu sẽ về đúng nơi đó đẻ trứng, nhưng cũng có nhiều bạn rùa đi lạc. Có thể, do chúng muốn chọn nơi yên bình, an toàn để gửi gắm những đứa con của mình.

Rùa lấp trứng để làm tổ. (Ảnh: Mai Hương)

Tháng trước, có chú rùa Malaysia lên Bảy Cạnh đẻ trứng. Và đây không phải là lần đầu tiên Hòn Bảy Cạnh đón các “sản phụ rùa quốc tế” đến nghỉ dưỡng trong kì thai sản. Theo thông tin từ Vườn Quốc gia Côn Đảo, những năm qua, rùa lên đẻ trứng ở đây đến từ nhiều vùng biển khác nhau như Phú Quý, Phú Quốc, Trường Sa hoặc các đảo thuộc Philippines, Indonesia. Trung bình mỗi năm khoảng 500 rùa mẹ lên đẻ trứng và số lượng trứng nở là 150.000 rùa con. Đây là thành quả ngọt ngào và xứng đáng cho sự nỗ lực trong công tác bảo tồn Rùa Biển của Vườn quốc gia Côn Đảo.

Điều này cho thấy môi trường biển tại Côn Đảo đang được cải thiện và ngày càng trở thành nơi sinh sống lý tưởng cho các loài rùa biển. Để bảo vệ rùa biển và tổ trứng, Vườn quốc gia đã thực hiện nhiều biện pháp như tổ chức tuần tra bảo vệ, di dời tổ trứng về khu vực ấp an toàn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân địa phương, đồng thời nhận các tình nguyện viên làm công tác bảo tồn rùa hằng năm.

Trải qua một đêm dài, chúng tôi trở về giường vào lúc 3 giờ sáng. Tôi không thể không cảm thấy xúc động trước những trải nghiệm tuyệt vời của chúng tôi và sự chăm sóc đầy tận tụy từ đội ngũ kiểm lâm – những người lính canh giữ biên thùy nơi đảo xa.

Nguyen Thi Mai Huong - Lotusmiles
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.