Truyền thống quý báu đó là cơ sở để khơi dậy niềm tin và trách nhiệm cho các thế hệ hôm nay tiếp bước, khẳng định những giá trị của Đoàn bay 919 cũng như thương hiệu quốc gia của Vietnam Airlines. Báo Quân đội nhân dân đăng tải một số ý kiến ghi nhận được tại chương trình giao lưu.
Thiếu tướng Bùi Tố Việt, Phó chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân:
Lực lượng dự bị hùng hậu, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh
Sinh ra từ Quân đội, trưởng thành trong kháng chiến, trải qua 30 năm do Quân đội trực tiếp quản lý, Trung đoàn Không quân vận tải 919, đơn vị tiền thân của Đoàn bay 919 đã lập những chiến công không phải không quân vận tải nước nào cũng làm được.
Trung đoàn Không quân vận tải 919 năm xưa, nay là Đoàn bay 919 trở thành nòng cốt của ngành hàng không Việt Nam với cơ chế quản lý mới; được trang bị máy bay thế hệ mới, hiện đại; đội ngũ phi công, cán bộ, nhân viên được đào tạo bài bản. Đoàn bay 919 cùng các thành viên trong Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã xây dựng nên hãng hàng không rất có uy tín trong bản đồ hàng không thế giới.
Đoàn bay 919 có đóng góp lớn là cầu nối, bộ phận không thể tách rời trong hội nhập, đối ngoại quốc tế; cầu nối quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới; đóng góp hiệu quả, to lớn trong sự phát triển kinh tế đất nước. Về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, Đoàn bay 919 là lực lượng dự bị hùng hậu, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đặc biệt là những vấn đề quốc phòng, an ninh mang tính phi truyền thống. Điều đó khẳng định rằng, Đoàn bay 919 đã xác định tốt nhiệm vụ, sẵn sàng nhận và hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao.
Cơ trưởng Nguyễn Hải Anh, Phó đoàn trưởng Đoàn bay 919:
Tiếp nối truyền thống hào hùng, làm chủ công nghệ mới
Khi được tuyển dụng vào Đoàn bay 919 (Vietnam Airlines), các phi công trẻ sẽ được học về truyền thống, lịch sử hào hùng của Đoàn bay 919-tiền thân là Trung đoàn Không quân vận tải 919. Các em sẽ được biết đến những hy sinh to lớn của thế hệ cha ông đi trước để từ đó nuôi dưỡng niềm tự hào, vững tin tiếp bước, phát huy truyền thống hào hùng.
Là phi công, chúng tôi được làm bạn với gió, mây trời, cũng nhờ vậy, tâm hồn của những phi công rất lạc quan, lãng mạn và hài hước, nhưng phải có sức khỏe tốt. Bởi vậy, quá trình tuyển dụng phi công phải hết sức thận trọng, kỹ lưỡng. Cùng với đó, trong quá trình công tác, phi công vẫn luôn phải rèn luyện thể thao, rèn luyện chuyên môn, thể lực để bảo đảm sức khỏe, hoàn thành nhiệm vụ. Đặc thù nhiệm vụ của phi công rất đặc biệt, luôn phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, thường phải đi những chuyến bay xuyên đêm, rất dài.
Ví dụ như chuyến bay thẳng từ Việt Nam sang Hoa Kỳ thường kéo dài hơn 13 tiếng, thay đổi múi giờ, thời tiết liên tục nên chúng tôi phải có sức khỏe tốt để bảo đảm thích ứng với công việc, thực hiện chuyến bay an toàn. Ngoài ra, có những chuyến bay gặp thời tiết xấu, dông bão, trang thiết bị cần xử lý kỹ thuật thì phi công phải bình tĩnh, phản ứng kịp thời, quyết đoán để đưa ra quyết định chuẩn xác để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho chuyến bay.
Ngoài ra, Đoàn bay 919 luôn đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn mà Đảng và Nhà nước giao phó. Khi thực hiện các chuyến bay theo nhiệm vụ, chúng tôi phải lựa chọn những phi công dày dạn kinh nghiệm, ưu tú để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ an toàn tuyệt đối.
Hà Thu Hường, phi công lái phụ Airbus A321, Đoàn bay 919:
Là nữ nhưng tôi dám theo đuổi ước mơ chinh phục bầu trời
Hành trình trở thành phi công là hành trình của rất nhiều xúc cảm, có áp lực, có vất vả, nhưng sau tất cả là sự tự hào. Nghề phi công đòi hỏi sức khỏe, chuyên môn nghiệp vụ vững, sự tập trung cao độ, tránh bị phân tâm để bảo đảm an toàn trong suốt chuyến bay.
Qua những chia sẻ của các thế hệ phi công đi trước, tôi rất khâm phục, ngưỡng mộ và biết được sự hy sinh mất mát rất lớn của thế hệ trước để có được Đoàn bay hiện nay. Sau một năm theo học ngành tài chính-ngân hàng, tôi quyết định chuyển sang học ngành phi công để theo đuổi ước mơ chinh phục bầu trời của mình. Ước mơ này được nuôi dưỡng từ người bố phi công của tôi. Năm 2017, sau quá trình học tập, rèn luyện, tôi gia nhập Đoàn bay 919.
Cũng như mọi phi công khác, mục tiêu cuối cùng của tôi là trở thành một cơ trưởng. Để giấc mơ bay trở thành hiện thực, tất cả phi công của Đoàn bay 919 đều phải trải qua một quá trình đào tạo, trui rèn hết sức nghiêm khắc, đặc biệt cần phải có đam mê và dám theo đuổi đam mê. Thế hệ phi công trẻ như chúng tôi cam kết phấn đấu với tinh thần quyết tâm cao, chăm chỉ rèn luyện, vượt qua khó khăn, thách thức để trở thành phi công có bản lĩnh vững vàng, vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, để phát huy hơn nữa truyền thống lịch sử hào hùng của Đoàn bay 919.
Thượng tá Đỗ Văn Lành, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Không quân 918:
Phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Quân đội giao
Lữ đoàn 918 trước đây là Trung đoàn Không quân vận tải 918, được thành lập năm 1975 và thời điểm đó trực thuộc Lữ đoàn Không quân vận tải 919. Chỉ trong thời gian rất ngắn sau khi được thành lập, Trung đoàn 918 chúng tôi được giao nhiệm vụ tiếp quản sân bay Tân Sơn Nhất và các máy bay, khí tài thu được của địch.
Trong quá trình xây dựng, phát triển, trưởng thành của hai đơn vị 918 và 919, chúng tôi vẫn thường xuyên có những hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Khi Đoàn 919 được tách ra làm nhiệm vụ phát triển ngành hàng không dân dụng, có nhiều cán bộ, phi công, nhân viên kỹ thuật của Trung đoàn 918 được điều chuyển sang xây dựng Đoàn bay 919 và phát triển ngành hàng không dân dụng như: Đồng chí Nguyễn Xuân Hiển, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thành Trung.
Trước đây, chúng tôi chủ yếu khai thác các dòng máy bay của Liên Xô. Sau này, Đảng, Nhà nước, Quân đội quan tâm đầu tư cho Lữ đoàn 918 các dòng máy bay mới của Airbus. Hiện nay, chúng tôi vận hành các loại máy bay này theo phương thức khai thác bay tiêu chuẩn, bay quốc tế với sự giúp đỡ rất lớn của Đoàn bay 919.
Cán bộ, phi công, chiến sĩ, nhân viên tổ bay Lữ đoàn 918 rất ghi nhận, biết ơn lịch sử truyền thống và sự giúp đỡ, hỗ trợ của Đoàn bay 919. Chúng tôi cũng khẳng định rằng, mối quan hệ đoàn kết, gắn bó ấy không phải chỉ từ hai con số 918 và 919, cũng không phải do khoảng cách rất gần giữa vị trí đóng quân của hai đơn vị, mà bằng những công việc phối hợp cụ thể, rất hiệu quả giữa hai đơn vị 918 và 919.
Chúng tôi luôn tâm niệm và xác định thường xuyên phải phát huy, bồi đắp, tô thắm truyền thống mà hai đơn vị đã dày công xây dựng trước đây. Các đơn vị vận tải của không quân sẽ tiếp tục thường xuyên phối hợp với Đoàn bay 919 cũng như với các đơn vị của Vietnam Airlines để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội giao.
Trương Việt Dũng, Cơ trưởng Airbus A350, Đoàn bay 919:
Kỷ luật là kim chỉ nam của nghề phi công
Tôi sinh năm 1975, đã có 30 năm gắn bó với nghề phi công, trong đó có 11 năm đảm nhận vị trí cơ trưởng. Truyền thống của Đoàn bay 919 là rất chú trọng công tác kỷ luật. Một điều chúng tôi học được từ các thế hệ đi trước, đó là: Kỷ luật là kim chỉ nam đầu tiên phải theo. Bởi vì nếu không có kỷ luật và sự tuân thủ nhất định thì sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường.
Nghề phi công cũng được nhiều bạn ước mơ, nhưng sẽ không thể hình dung được hết những khó khăn khi phải bay xa nhà. Đôi khi có những lúc đi một chuyến bay dài, lượng oxy trên trời thiếu, khi trở về rất mệt mỏi, chỉ muốn ngủ vùi. Lúc vợ con đau ốm, hay dịp lễ, tết thì mình lại xa nhà vì đó là mùa cao điểm của các chuyến bay. Đó là những khó khăn mà nghề phi công dân dụng hiện nay phải đối mặt, nhiều lúc tưởng chừng khó có thể vượt qua.
Những lúc ấy, chúng tôi lại nghĩ tới các thế hệ phi công trước đây của Đoàn bay 919, nhất là giai đoạn còn ở trong Quân đội, phải chiến đấu với kẻ thù. Nghĩ thế, tôi lại thấy những khó khăn mà mình và thế hệ phi công ngày nay đang phải đối mặt không thấm gì. Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, trong đó tính kỷ luật, tinh thần vượt khó của Trung đoàn 919 năm xưa là điều quý giá mà mỗi phi công chúng tôi ngày nay đều trân trọng và cố gắng phát huy.