Giá vé máy bay cao, hãng bay vẫn lỗ

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, giá vé máy bay đang tăng song vẫn tuân thủ quy định về khung giá vận chuyển, không bán vé vượt giá trần.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Sau những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, trên toàn cầu giá vé máy bay đang tăng nhanh từ đầu năm 2023 và các chuyên gia dự báo có thể vẫn ở mức cao trong thời gian tới.

Giá vé chưa đủ chi phí

Cục Hàng không Việt Nam dẫn số liệu từ nghiên cứu của Cơ quan Thống kê về giá tiêu dùng Mỹ cho thấy về tổng thể, giá vé máy bay trên phạm vi toàn cầu hiện đang cao hơn 15%-17% so năm 2022, do các chi phí đầu vào tăng cao.

Hiện các hãng hàng không Việt Nam cũng như các hãng hàng không trên thế giới đang phải đối mặt với việc tăng chi phí khai thác. Nguyên nhân là vì giá nhiên liệu tăng, tỉ giá hối đoái biến động (70% chi phí khai thác vận tải hàng không là thanh toán bằng ngoại tệ), trong khi bán vé tại Việt Nam là tiền đồng, nên mặc dù thị trường vận tải hàng không đã dần hồi phục như giai đoạn trước dịch COVID-19 nhưng các hãng hàng không Việt Nam vẫn chưa thể có lãi. Nguyên nhân chính là giá vé máy bay chưa đủ chi phí và hãng hàng không khó có thể giảm giá vé khi phải cân đối thu chi.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết so sánh giá vé máy bay nội địa với các hãng hàng không các nước trong khu vực thì mức giá vé tính theo km tại thị trường nội địa Việt Nam theo khung giá quy định hiện tại vẫn khá thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.

Ví dụ: Chặng Hà Nội – TP HCM, mức giá/km cao nhất quy định chỉ khoảng 0,11 USD/km; trong khi chặng bay Bangkok đi Chiangmai mức giá/km cao nhất của Thai Airways là 0,22 USD/km (cao gấp 2 lần so với Việt Nam); chặng bay Bắc Kinh – Thượng Hải của Air China là 0,27 USD/km; chặng bay Busan – Jeju của Asiana Airlines ở mức 0,32 USD/km.

Để giá vé máy bay dịp Tết Nguyên đán ở mức hợp lý, song song với các giải pháp bảo đảm năng lực vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để chỉ đạo các doanh nghiệp đường sắt, đường bộ phối hợp, tăng cường năng lực vận chuyển đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Cần một cơ chế thị trường

Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động ngày 27-11, giá vé máy bay dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 chặng TP HCM – Hà Nội (giá khứ hồi) khoảng 6,5 triệu đồng/khách với giá bay vào tối muộn hoặc sáng sớm. Mức giá khứ hồi nhích lên khoảng 7 triệu đồng/khách nếu bay trong ngày, giờ cao điểm.

Tương tự, các đường bay khác giữa TP HCM đi các tỉnh miền Trung, phía Bắc như Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng… giá vé cao hơn chặng TP HCM – Hà Nội khi giá khứ hồi từ 7 triệu đồng/khách. Mức giá này không tăng so với cùng kỳ Tết năm ngoái nhưng nhiều người vẫn lo ngại thời điểm này vẫn còn khoảng 2,5 tháng nữa mới bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và giá vé sẽ tiếp tục nhích lên?

Bởi thực tế, hiện tại giá vé máy bay từ TP HCM đi một số tỉnh, thành phố đã tăng đáng kể so với vài tháng trước dù đang là mùa thấp điểm của du lịch nội địa, nhu cầu đi lại của hành khách cũng không tăng đột biến. Nhiều hành khách phản ánh với phóng viên về việc đang phải trả chi phí đi lại bằng đường hàng không cao hơn so với cùng kỳ, nhất là sau khi Bamboo Airways thu hẹp mạng lưới khai thác và tần suất khai thác một số đường bay nội địa.

Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) tiếp tục kiến nghị gỡ khó cho hàng không, du lịch và nêu rõ “hiện giá bán vé máy bay không đủ bù đắp chi phí” khi các biến động đầu vào như giá nhiên liệu, giá dịch vụ tại các cảng hàng không, sân bay, chi phí không lưu không giảm, khung giá trần vé bay vẫn chưa được cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh.

Điều này dẫn đến việc các hãng bay chưa thể đạt được kết quả doanh thu tốt nhất. Dù các hãng hàng không hiện đã cắt giảm tối đa các chi phí nhằm duy trì mức giá hợp lý nhưng doanh thu không đủ bù chi…

Theo tìm hiểu của phóng viên, xăng Jet A1 trong 10 tháng đầu năm 2023 đã tăng khoảng 34,6% so với cùng kỳ năm 2019. Chi phí phục vụ tại sân bay trong và ngoài nước tăng trung bình khoảng 10%.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Vietravel Airlines cho biết đa phần các chi phí mà một hãng hàng không Việt Nam đang phải chịu đều là chi phí bằng USD. Trong khi đó, các chi phí đầu vào như phí dịch vụ sân bay tại nước ngoài, phí sửa chữa động cơ, nhập khẩu linh kiện hoàn toàn là từ nước ngoài… nên chịu tác động không nhỏ của việc biến động tỉ giá USD/VNĐ và các chi phí này cũng đang tăng lên thời gian qua.

“Ngược lại, khung giá trần được đưa ra từ năm 2015 đến nay chưa phản ánh đầy đủ sự biến động về chi phí đầu vào của năm 2023 dẫn đến tình trạng thu không đủ chi của các hãng. Do đó, kiến nghị cần một cơ chế thị trường hơn để bảo đảm được sự hài hòa giữa nhà sản xuất (các hãng hàng không) và người tiêu dùng (đi lại bằng máy bay) để giúp thị trường phát triển một cách bền vững hơn” – đại diện Vietravel Airlines nói.

Hành khách đến ga nội địa sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: LAM GIANG

Triển khai dải giá vé linh hoạt

Về lượng vé Tết cung ứng ra thị trường, ông Nguyễn Quang Trung – Trưởng Ban Kế hoạch phát triển, hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) – cho biết đáp ứng nhu cầu đi lại dịp Tết Giáp Thìn 2024, Vietnam Airlines Group (gồm 3 hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) sẽ cung ứng 3 triệu chỗ trên toàn mạng bay nội địa và quốc tế, trong giai đoạn từ ngày 25-1-2024 đến 24-2-2024 (tức 15 tháng chạp đến 15 tháng giêng). Vé đã mở bán trên website, ứng dụng di động, các phòng vé và đại lý chính thức của Vietnam Airlines.

Tết này, Vietnam Airlines tập trung tăng chuyến trên các đường bay nội địa kết nối 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM với các tỉnh, thành trên cả nước như Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Huế, Quy Nhơn, Quảng Nam, Pleiku, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Phú Quốc… Đối với mạng bay quốc tế, các đường bay được cung ứng nhiều chỗ nhất là giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia, Úc, Pháp, Đức.

Một số hành khách phản ánh giá vé máy bay thời điểm này chưa vào cao điểm đã nhích lên đáng kể và lo ngại giá vé Tết sẽ còn tăng, ông Nguyễn Quang Trung nói rằng trong giai đoạn cao điểm Tết, Vietnam Airlines vẫn luôn bảo đảm các mức giá mở bán nằm trong khung giá quy định của Bộ Giao thông Vận tải. Hãng cũng tiếp tục triển khai dải giá vé linh hoạt với nhiều mức giá phù hợp khả năng chi trả của hành khách.

“Đối với chiều cao điểm của các ngày cao điểm, Vietnam Airlines sẽ mở bán linh hoạt các mức giá trong khung giá tùy theo khung giờ khai thác, mức giá cao nhất vẫn bảo đảm nằm trong khung giá quy định của nhóm đường bay. Đối với chiều lệch đầu thấp điểm, hãng đang triển khai chính sách, chương trình giá hấp dẫn để khuyến khích kích cầu như mức giá phổ thông chỉ từ 666.000 VNĐ/chiều (đã bao gồm thuế phí), mức giá hạng thương gia chỉ từ 1.868.000 VNĐ/chiều (đã bao gồm thuế phí)” – ông Trung nói.

Theo Báo Người Lao Động
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.