Vào cuối tháng 5 năm nay, ngành hàng không Việt Nam ghi một dấu mốc trên thị trường quốc tế với chuyến bay đầu tiên sử dụng nhiên liệu bền vững (Sustainable Aviation Fuel – SAF). Đó là chuyến bay chở khách thương mại của Vietnam Airlines mang số hiệu VN660, hành trình từ Singapore đến Hà Nội. Nguồn nhiên liệu được cung cấp bởi Neste.
Thông tin mới nhất, từ ngày 1/1/2025, tất cả chuyến bay của Vietnam Airlines khởi hành từ các sân bay Châu Âu đều sử dụng SAF với tỷ lệ ít nhất 2%. Tỷ lệ này sẽ tăng dần lên lên 6%, 20%, 70% vào các năm 2030, 2035, 2050.
Các chuyến bay khởi hành từ nước Anh sử dụng SAF với tỷ lệ ít nhất 2% từ năm 2025 và nâng dần lên 10%, 22% tương ứng năm 2030, năm 2040.
Việc các hãng bay Việt Nam bắt đầu sử dụng nhiên liệu bền vững được đánh giá là dấu ấn của năm 2024 vì đây là một trong những hành động quan trọng nhất để thực hiện cam kết của ngành hàng không quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên mục tiêu này đang phải đối mặt với nhiều thách thức và đã có hãng bay nước ngoài phải bỏ cuộc. Một trong những thách thức là thiếu nguồn cung SAF – điều khiến Hiệp hội hàng không quốc tế (IATA) gọi là “nỗi thất vọng”.
Tại phiên toàn thể lần thứ 41 của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) năm 2022, các cơ quan hàng không đã cùng nhau cam kết mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để đạt mục tiêu này, các viện nghiên cứu, nhà cung cấp nhiên liệu hàng không đã tích cực đầu tư, phát triển công nghệ sản xuất SAF. Theo nghiên cứu, SAF có thể giảm tới 80% lượng khí thải CO2 trong suốt vòng đời so với nhiên liệu truyền thống (Jet A, JET A1), đồng thời giảm các loại khí thải độc hại khác như SO2, bụi mịn…
Hiệp hội hàng không quốc tế (IATA) đặt mục tiêu SAF chiếm 65% lượng tiêu thụ nhiên liệu toàn ngành.
Các tổ chức quốc tế cùng các chính phủ đã và đang đưa ra cơ chế để tăng lượng SAF sử dụng trên phạm vi quốc gia và toàn cầu. Có thể kể đến CORSIA của ICAO, chính sách RefuelEU và EU ETS của liên minh châu Âu, lộ trình quy định bắt buộc sử dụng SAF tại từng quốc gia như Singapore, Indonesia, Nhật Bản, chính sách hỗ trợ thuế cho nhà sản xuất tại Mỹ…
SAF có các đặc tính vật lý, hoá học, thành phần gần như giống hệt với các đặc tính của nhiên liệu truyền thống Jet A1. SAF lại có thể được trộn an toàn với Jet A1 ở các mức độ khác nhau (với tỷ lệ tối đa lên đến 50%), sử dụng luôn cơ sở hạ tầng cung cấp hiện tại mà không yêu cầu phải điều chỉnh máy bay hoặc động cơ.
Thay vì khai thác dầu thô từ lòng đất và tinh chế để làm nhiên liệu phản lực, các nhà sản xuất SAF sử dụng những gì có sẵn, nghĩa là không khai thác thêm tài nguyên từ lòng đất.
Rất nhiều loại nguyên liệu có thể dùng để sản xuất SAF như dầu ăn đã qua sử dụng, chất thải lâm nghiệp và nông nghiệp, thực vật phát triển nhanh như tảo, chuyển đổi chất thải rắn đô thị (rác thải túi đen) thành SAF.
Ngoài ra các công nghệ mới đang được phát triển và có nhiều tiềm năng như sản xuất SAF từ nguồn carbon thu giữ từ khí quyển.
Trong hành trình chung tay phát triển bền vững ngành hàng không, đã có hãng bay phải bỏ cuộc.
Tháng 8/2024, Air New Zealand trở thành hãng hàng không lớn đầu tiên từ bỏ mục tiêu về giảm phát khí thải vào năm 2030. Các nguyên nhân được nêu ra là khó khăn tài chính do thiếu hụt nguồn cung máy bay toàn cầu, cũng như nguồn cung SAF quá “nghèo nàn”. Đây đều là 2 vấn đề lớn nhất mà các hãng hàng không phải đối mặt trong giai đoạn này.
Tại hội thảo mới đây, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) công bố ước tính mới về sản lượng SAF. Theo đó, năm 2024, sản lượng sản xuất của SAF đạt 1 triệu tấn (1,3 tỷ lít), gấp đôi so với năm 2023. SAF chiếm 0,3% sản lượng nhiên liệu máy bay toàn cầu và 11% nhiên liệu tái tạo toàn cầu.
Con số này thấp hơn đáng kể so với ước tính trước đó rằng sản lượng SAF dự kiến vào năm 2024 là 1,5 triệu tấn (1,9 tỷ lít). Lý do là vì các cơ sở sản xuất SAF chủ chốt ở Mỹ đã hoãn việc tăng lượng sản xuất của họ đến nửa đầu năm 2025.
IATA tiếp tục dự đoán, sản lượng SAF năm 2025 dự kiến sẽ đạt 2,1 triệu tấn (2,7 tỷ lít) hay 0,7% tổng sản lượng nhiên liệu máy bay và 13% công suất nhiên liệu tái tạo toàn cầu.
“Sản lượng SAF đang tăng lên, nhưng chậm một cách đáng thất vọng” – Willie Walsh, Tổng Giám đốc IATA cho biết – “Chính phủ các nước đang gửi những tín hiệu chưa rõ ràng tới các công ty dầu mỏ trong việc trợ cấp cho hoạt động thăm dò và sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Các nhà đầu tư vào nhiên liệu thế hệ mới thì dường như đang chờ đợi sự đảm bảo về nguồn vốn trước khi tăng tốc hoàn toàn. Trong khi đó các hãng hàng không – thành tố cốt lõi của chuỗi giá trị, chỉ đạt được tỷ suất lợi nhuận ròng 3,6%”.
Để đạt mức phát thải CO2 ròng bằng 0 vào năm 2050, phân tích của IATA cho thấy sẽ cần khoảng 3.000 đến hơn 6.500 nhà máy sử dụng nhiên liệu tái tạo mới. Những cơ sở này cũng sẽ sản xuất dầu diesel tái tạo và nhiên liệu cho các ngành công nghiệp khác.
Vốn đầu tư trung bình để xây dựng các cơ sở mới trong thời gian 30 năm là khoảng 128 tỷ USD/năm, trong trường hợp tốt nhất. IATA đánh giá rằng, số tiền này thấp hơn đáng kể so với tổng số tiền đầu tư vào thị trường năng lượng mặt trời và năng lượng gió, ước tính 280 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2004 – 2022.
Do nguồn cung hạn chế và chi phí sản xuất đắt đỏ, giá SAF đang cao hơn từ 2 – 3 lần so với nhiên liệu hóa thạch truyền thống, thậm chí có thời điểm cao gấp 5 – 6 lần.
Tuy nhiên câu chuyện của Air New Zealand phải nhìn nhận thực tế rằng hãng đã không có sự “liệu cơm gắp mắm” khi công bố mục tiêu về giảm phát khí thải. Air New Zealand năm 2022 đặt chỉ tiêu sẽ cắt giảm lượng phát thải khí thải đến 29% vào năm 2030, cao hơn nhiều so với con số 5% là mục tiêu trung bình của ngành.
Trong khi đó, các doanh nghiệp hàng không đã và đang nỗ lực thực hiện chiến lược phát triển bền vững thông qua việc dùng SAF.
Ngày 1/8/2024, United Airlines của Mỹ sử dụng SAF cho các máy bay tại sân bay quốc tế O’Hare (ORD) ở thành phố Chicago, bang Illinois. Qua đó, nâng số sân bay lớn ở Mỹ sử dụng SAF lên 5 sân bay.
Cùng ngày, hãng hàng không JetBlue cũng công bố thỏa thuận cung cấp SAF với nhà cung cấp World Fuel Services để nhận ít nhất 3,78 triệu lít SAF trong 12 tháng.
Ngày hôm sau, tập đoàn sản xuất máy bay Boeing công bố hợp tác với công ty đầu tư Clear Sky để thúc đẩy các giải pháp bền vững cho ngành hàng không. Bước đầu, hai công ty này sẽ giúp Công ty Firefly Green Fuels hoàn thiện công nghệ tăng năng suất SAF của mình ở Anh.
Trước đó, Airbus cũng công bố đầu tư vào công ty sản xuất SAF LanzaJet.
Ngày 16/10/2024, theo nguồn tin độc quyền của Canary Media, Bộ Năng lượng Mỹ công bố một khoản đầu tư gần 3 tỷ USD nhằm tăng đáng kể sản lượng SAF của nước này trong vài năm tới.
Tại Việt Nam, bên cạnh việc từng bước sử dụng SAF, Vietnam Airlines cũng thực hiện nhiều biện pháp khác nhằm cắt giảm lượng khí thải CO2. Đó là khai thác, sử dụng đội tàu bay thế hệ mới để giảm phát thải CO2 thông qua tiết kiệm nhiên liệu; tối ưu đường bay, lịch bay và tối ưu trọng lượng chất xếp để giảm tiêu hao nhiên liệu; bảo đảm hệ thống công nghệ thông tin theo dõi tiêu hao nhiên liệu, phát thải CO2 và có sự xác minh của đối tác thứ 3 để gửi cơ quan nhà nước…
“ Việc giảm phát thải cacbon của ngành hàng không phải được coi là một phần của quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, chứ không chỉ là vấn đề của ngành vận tải” – Marie Owens Thomsen, Phó Chủ tịch cấp cao về Phát triển bền vững và Kinh tế trưởng của IATA cho biết – “Bởi vì việc giải quyết thách thức chuyển đổi năng lượng cho ngành hàng không cũng sẽ mang lại lợi ích rộng lớn hơn cho nền kinh tế chung, khi các nhà máy nhiên liệu tái tạo sẽ sản xuất nhiều loại nhiên liệu được các ngành công nghiệp khác sử dụng. Một phần nhỏ là SAF được các hãng hàng không sử dụng ”.
Một cuộc khảo sát gần đây của IATA cho thấy sự ủng hộ đáng kể của công chúng đối với SAF. Khoảng 86% khách du lịch đồng ý rằng chính phủ nên cung cấp các ưu đãi sản xuất để các hãng hàng không có thể tiếp cận SAF. Ngoài ra, 86% đồng ý rằng các công ty nhiên liệu nên ưu tiên cung cấp SAF cho các hãng hàng không.