Doanh thu khởi sắc, hãng hàng không vẫn lo

Du lịch, hàng không phục hồi nhanh giúp kết quả kinh doanh của các hãng hàng không có nhiều khởi sắc nhưng vẫn không ít nỗi lo trong bối cảnh giá dầu tăng cao, cạnh tranh với hãng hàng không ngoại…

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Số liệu từ Tổng cục Du lịch và Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng năm 2023 đạt gần 8,9 triệu lượt, cao gấp 4,74 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng đường hàng không đã vận chuyển hơn 6,1 triệu lượt khách, cao gấp 3,7 lần cùng kỳ.

Doanh thu tăng, lỗ giảm

Các thị trường khách nước ngoài lớn nhất của Việt Nam trong 3 quý vừa qua là Hàn Quốc với gần 2,6 triệu lượt khách và Trung Quốc với hơn 1,1 triệu lượt, tăng lần lượt 428% và 1.336% so với cùng kỳ 2022. Lượng khách từ Mỹ và Nhật Bản cũng đi lên tương ứng 211% và 330%…

Ngành du lịch phục hồi nhanh góp phần giúp doanh thu của các hãng hàng không khởi sắc. Báo cáo tài chính hợp nhất quý III.2023 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa công bố cho thấy, tổng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ 23.753 đạt tỷ đồng, tăng trưởng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là quý thứ 8 liên tiếp doanh thu của Vietnam Airlines tăng trưởng, phản ánh xu thế hồi phục của thị trường hàng không từ sau dịch Covid-19. Vietnam Airlines ghi nhận lãi gộp 1.240 tỷ đồng trong quý III, khả quan hơn nhiều so với số lãi 165 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Khấu trừ các khoản chi phí, Vietnam Airlines lỗ hơn 2.200 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 2.540 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, tổng công ty đạt doanh thu gần 68.100 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ; lãi gộp đạt hơn 4.100 tỷ đồng. Tuy vậy, sau khi trừ các khoản chi phí, Vietnam Airlines lỗ hợp nhất 3.535 tỷ đồng trong 9 tháng vừa qua, giảm lỗ gần một nửa so với cùng kỳ. Doanh thu quốc tế cải thiện đáng kể nhờ thị trường khu vực Châu Âu, Úc và Mỹ phục hồi tốt.

Theo thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam, trong 9 tháng vừa qua, Vietnam Airlines Group (gồm ba hãng là Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) đã thực hiện hơn 114 nghìn chuyến bay và vận chuyển hơn 18 triệu lượt khách, dẫn đầu ngành hàng không nước ta với gần 43% thị phần.

Hãng hàng không Vietjet cũng vừa công bố giải trình biến động kết quả kinh doanh quý III.2023, với báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 14.200 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu tăng so với cùng kỳ nhưng ghi nhận của phóng viên, bức tranh hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không vẫn khó khăn ở thời điểm hiện tại, thậm chí là nhiều thách thức. Trong thông báo cập nhật mới nhất, Bamboo Airways tiếp tục điều chỉnh lịch trình khai thác giai đoạn cuối năm, tạm dừng khai thác tiếp nhiều đường bay quốc tế từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Đối với mạng bay nội địa, Bamboo Airways chỉ tiếp tục duy trì tương đối ổn định hoạt động khai thác đường bay trục, kết nối các thành phố lớn. Các đường bay khác đã được điều chỉnh về quy mô tối thiểu. Với Bamboo, việc chủ động cắt giảm những đường bay không sinh lời hoặc đang bị lỗ, tập trung vào đường bay mang lại hiệu quả sẽ có thể giúp hãng vượt khó giai đoạn này.

9 tháng qua, Vietnam Airlines Group đã thực hiện hơn 114 nghìn chuyến bay và vận chuyển hơn 18 triệu lượt khách, dẫn đầu ngành hàng không nước ta với gần 43% thị phần.

Hỗ trợ để nâng sức cạnh tranh cho hàng không Việt

Qua gần 2 năm kiểm soát được dịch Covid-19, ngành vận tải hàng không đã có sự phục hồi mạnh mẽ nhưng các hãng hàng không vẫn chưa thể có lãi. Một trong những nguyên nhân là giá bán vé máy bay không đủ bù đắp chi phí. Đơn cử, giá vé nội địa bình quân của Vietnam Airlines tháng 6.2023 đã giảm gần 7% so với cùng kỳ năm 2019. Xét chung cả 3 hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO, giá vé nội địa bình quân tháng 6.2023 cũng đã giảm 6,6% so với cùng kỳ 2019…

Vietnam Airlines phân tích, giá vé vận chuyển hàng không nội địa đang được quy định giá trần xây dựng từ 2015 tới nay không có thay đổi. Ngược lại, cơ cấu chi phí đầu vào của giá vé máy bay như nhiên liệu, tỷ giá… liên tục biến động. Chi phí nhiên liệu hàng không chiếm khoảng 36% chi phí vận chuyển, do đó biến động nhiên liệu làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của các hãng.

Tại Vietnam Airlines, số liệu cho thấy giá nhiên liệu trung bình năm 2022 so với năm 2015 (thời điểm khung giá hiện tại được áp dụng) đã tăng tới 85% từ mức giá 67,37 USD/thùng trung bình năm 2015 tăng lên mức 124,46 USD/thùng năm 2022, khiến chi phí của Vietnam Airlines tăng khoảng 30,5%.

“Chi phí vận chuyển hàng không có hơn 70% là chi phí bằng ngoại tệ trong khi doanh thu bán vé tại Việt Nam lại bằng VNĐ hoặc bằng các loại ngoại tệ khác như JPY, KRW… và những đồng tiền này cũng đang mất giá mạnh so với USD. Vì vậy, những biến động tỷ giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của các hãng. Số liệu cho thấy, tỷ giá đã tăng 6,6% từ 21.900 VNĐ/USD bình quân năm 2015 lên 23.350 VNĐ/USD bình quân năm 2022 làm chi phí của Vietnam Airlines tăng tương ứng 4,35%” – đại diện hãng dẫn chứng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, giá nhiêu liệu bay liên tục biến động mạnh, trong khi các hãng thường phải xây dựng mức giá cố định dựa trên cơ sở dự báo giá dầu thô Brent. Do đó, rủi ro giá nhiên liệu rất khó lường do tác động của kinh tế vĩ mô, thị trường năng lượng và địa chính trị thế giới. Giá nhiên liệu bay chỉ cần tăng hoặc giảm 1 USD/thùng có thể tác động chi phí nhiên liệu năm nay tăng/giảm tương ứng hàng trăm tỷ đồng, chưa kể các hãng đang vay nợ dài hạn bằng USD nên sẽ phải đánh giá lại khoản vay khi tỷ giá biến động.

Trong bối cảnh này, việc các hãng hàng không giảm giá vé máy bay về dưới giá thành để kích cầu là không dễ, thậm chí “tác dụng ngược” là sẽ càng gây khó khăn cho các hãng khi giảm khả năng cạnh tranh với thị trường quốc tế. Riêng việc kêu gọi đồng hành với ngành du lịch, giảm vé máy bay để kích cầu, rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ của Chính phủ, bộ ngành cũng như cả chuỗi cung ứng của ngành du lịch, hàng không…

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Vietnam Airlines kiến nghị sửa Luật Hàng không và Luật giá, bỏ giá trần trong dài hạn và nới giá trần trong ngắn hạn để đưa giá vé hàng không về đúng cơ chế thị trường, gỡ khó để có điều kiện tích lũy năng lực, nâng cao khả năng cạnh tranh với các hãng quốc tế. 

Hiện, đa số các đường bay đều có 3 – 4 hãng khai thác nên về dài hạn, cần sớm triển khai bỏ giá trần nội địa để đưa giá vé máy bay về cơ chế thị trường. Nếu bỏ giá trần phải sửa luật (Luật Hàng không và Luật giá), quá trình sửa luật có thể kéo dài, song, các hãng hàng không rất cần được gỡ khó, để có thể tồn tại tới hết năm 2024 khi thị trường phục hồi hoàn toàn. Vì vậy, cần sớm triển khai việc nới giá trần trong thời gian tới. Ngoài giá trần, cần cân nhắc đưa vào áp dụng giá sàn dựa trên mô hình hoạt động của từng hãng để tạo môi trường cạnh tranh bền vững, bảo đảm quyền lợi của khách hàng. 

Theo Báo điện tử Đại biểu Nhân dân
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.