Hãng hàng không thu lời lớn từ buổi hoà nhạc của Taylor Swift
Tour diễn The Eras của Taylor Swift đang được kỳ vọng sẽ trở thành tour lớn nhất mọi thời đại, mang lại ảnh hưởng không chỉ cho fan hâm mộ mà còn nhiều công ty, doanh nghiệp. United Airlines là một trong nhiều công ty hưởng lợi từ sự kiện này, bắt đầu từ tháng 3 năm 2023.
Theo báo cáo từ Bloomberg, các hãng hàng không thường ghi nhận sự gia tăng đáng kể về nhu cầu vé trong các cuối tuần có hòa nhạc. United Airlines (UA) cũng không phải là ngoại lệ.
Cụ thể, hãng hàng không này đã ghi nhận doanh số vé tăng 25% khi các buổi hòa nhạc diễn ra ở nước ngoài. Sau khi tour diễn của Taylor Swift di chuyển đến địa điểm tiếp theo, mức độ nhu cầu sẽ trở lại bình thường. Do đó, United Airlines đã theo dõi sát sao các địa điểm diễn của tour để đảm bảo đủ khả năng vận chuyển, nhằm đáp ứng nhu cầu và tận dụng lượng khách đến xem hòa nhạc.
Trước đây, United đã áp dụng “hiệu ứng Swift” bằng cách cung cấp các chương trình giảm giá cho các chuyến bay nội địa trùng với các buổi biểu diễn của Taylor Swift tại Mỹ, nơi có tổng cộng 53 show diễn. Hãng hàng không này chắc chắn sẽ tiếp tục chiến lược này khi Taylor Swift bắt đầu chặng thứ 2 của tour diễn tại Mỹ, với con số 27 buổi biểu diễn.
Airbus dự báo cần thêm lượng lớn phi công, tiếp viên, kỹ thuật hàng không mới
Airbus dự báo thị trường hàng không khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ cần 999.000 chuyên gia lành nghề mới trong 20 năm tới, bao gồm 268.000 phi công, 298.000 nhân viên kỹ thuật và 433.000 tiếp viên hàng không mới.
Thị trường dịch vụ hàng không thương mại tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng hơn gấp đôi giá trị từ mức 52 tỉ USD hiện nay lên 129 tỉ USD vào năm 2043, theo Dự báo dịch vụ toàn cầu (GSF) mới nhất của Airbus.
Điều này được thúc đẩy bởi nhu cầu về khoảng 19.500 máy bay mới và lưu lượng hành khách hàng không trong khu vực có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 4,81%.
Nhờ vào sự gia tăng lưu lượng hàng không hàng năm, sự mở rộng đội bay và nhiều máy bay có nhu cầu được kết nối và hỗ trợ kỹ thuật số hơn, sự tăng trưởng nhu cầu dịch vụ sẽ được thể hiện thông qua các giải pháp được triển khai trong tất cả các giai đoạn của máy bay từ khi bàn giao đến khi hết vòng đời sử dụng, bao gồm bảo dưỡng, nâng cấp và đào tạo bay.
Trong số các phân khúc khác nhau của mảng dịch vụ tại Châu Á và Thái Bình Dương, giá trị thị trường của phân khúc bảo dưỡng máy bay sẽ tăng hơn gấp đôi từ 43 tỉ USD lên 109 tỉ USD (+5,0% CAGR). Phân khúc cải tiến và nâng cấp máy bay dự kiến sẽ tăng trưởng tương tự, từ 5,1 tỉ USD lên 13 tỉ USD (+5,1% CAGR), trong khi phân khúc đào tạo và vận hành dự kiến sẽ tăng từ 4,1 tỉ USD trong năm 2024 lên 7,6 tỉ USD vào năm 2043 (+3,3% CAGR).
6 hãng hàng không Hàn Quốc lên kế hoạch sử dụng nhiên liệu SAF
Hàn Quốc đặt mục tiêu đảm bảo tất cả các chuyến bay quốc tế khởi hành đều sử dụng hỗn hợp khoảng 1% SAF từ năm 2027.
6 hãng hàng không Hàn Quốc, bao gồm hãng hàng không quốc gia Korean Air, đã bắt đầu hoặc có kế hoạch pha trộn 1% SAF vào nhiên liệu cho một tuyến bay quốc tế duy nhất mỗi tuần bắt đầu từ năm nay, các Bộ Công nghiệp và Giao thông của nước này cho biết.
SK Energy thông báo hoàn thành đơn vị sản xuất SAF vào ngày 11/9, và công ty dầu mỏ lớn này sẽ cung cấp nhiên liệu cho các chuyến bay chở khách của Korean Air.
GS Caltex đã cung cấp lô hàng SAF đầu tiên, pha trộn với SAF nguyên chất từ Neste, đến Nhật Bản thông qua quan hệ đối tác với công ty giao dịch Itochu vào ngày 19/9.
Nguồn: Tổng hợp