Nhận thức và thái độ ứng xử với các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo tác phẩm của Tổng Bí thư

Tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là tài liệu rất giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn, có thể coi là cuốn “cẩm nang” về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay. Qua tác phẩm này, độc giả hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối và quyết tâm đấu tranh chống “giặc nội xâm”, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta – một cuộc chiến không tiếng súng nhưng vô cùng quyết liệt, cam go.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đảng ta luôn xác định tham nhũng tiêu cực chính là giặc nội xâm, không chỉ gây thiệt hại về vật chất, kinh tế, tiền bạc, mà còn có các tác hại tiềm ẩn, khôn lường. Tham nhũng, tiêu cực làm hư hỏng đội ngũ cán bộ; làm cho bộ máy nhà nước ngày càng trở nên quan liêu, xa dân, xuống cấp và hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Ở một phương diện khác, tham nhũng, tiêu cực có thể dẫn đến khủng hoảng chính trị, trực tiếp đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.

Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trọng sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tham nhũng, tiêu cực gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước, tiền của, thời gian, công sức của nhân dân; làm chậm nhịp độ phát triển nền kinh tế. Đồng thời, phá vỡ chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; làm suy giảm uy tín, năng lực cạnh tranh; trực tiếp tác động xấu đến các chính sách an sinh xã hội; làm các nhà đầu tư nước ngoài e ngại, làm cạn nguồn đầu tư nội địa, gây trở ngại, kìm hãm hoạt động của các ngành kinh tế.

Tham nhũng, tiêu cực làm tha hóa nhân cách con người, xói mòn các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Tình trạng chạy theo lợi ích vật chất, vì đồng tiền sẵn sàng chà đạp lên luân thường, đạo lý, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước, hủy hoại các dịch vụ công, gây nên những bức xúc trong đời sống xã hội.

Đồng thời, làm méo mó, lệch chuẩn các quy tắc, nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức; gây mâu thuấn, mất đoàn kết nội bộ. Tham nhũng, tiêu cực làm giảm niềm tin của nhân dân vào công lý, lẽ phải và lối sống có tình nghĩa. Thậm chí, nếu không ngăn chặn triệt để, đối tượng tham nhũng, tiêu cực có thể còn liên kết với các tội phạm khác, làm đảo lộn xã hội, xâm hại nền tảng đạo đức và công lý cũng như sự phát triển toàn diện của con người.

Chiến lược “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch là một nguy cơ đối với Đảng ta, nhưng đó là nguy cơ từ bên ngoài, tham nhũng, tiêu cực là quá trình diễn ra từ bên trong, đây là kẻ thù nội sinh rất nguy hiểm, bởi nó liên quan đến cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn, trực tiếp gây nên những bức xúc, hoài nghi trong nội bộ Đảng và các tầng lớp nhân dân.

Đảng đã nhiều lần chỉ rõ, tham nhũng “làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước”; “đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”; “là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước”. Đặc biệt, từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII, tham nhũng được Đảng ta nhận diện là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam và đến Đại hội XIII của Đảng vẫn xác định Tham nhũng, tiêu cực “vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.

Đọc tác phẩm của Tổng Bí thư, nhất là các bài viết của Tổng Bí thư thời trẻ, có những bài viết cách đây tròn nửa thế kỷ khi Tổng bí thư còn là biên tập viên của Tạp chí Cộng Sản đã thể hiện thái độ của người đảng viên trẻ Nguyễn Phú Trọng trước những thói hư, tật xấu của cán bộ, đảng viên và viên chức trong các cơ quan Nhà nước.

Qua những bài viết như: “Bệnh sợ trách nhiệm”, “Móc ngoặc”, “Làm xiếc”, “Của công, của riêng”… đã thể hiện sự trăn trở, suy nghĩ và tỏ rõ thái độ kiên quyết lên án, phê phán những thói hư, tật xấu của cán bộ, đảng viên thời bấy giờ. Ngày nay, khi ở cương vị người đứng đầu Đảng, quan điểm của Tổng bí thư càng thể hiện sự quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, loại bỏ những thói hư, tật xấu trong hàng ngũ của Đảng, trong Hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Để công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, thực sự có hiệu quả, điều quan trọng là phải có nhận thức đúng đắn về hành vi Tham nhũng, tiêu cực về các tác hại mà nó gây ra và nhất là học tập thái độ, ứng xử của Tổng Bí thư trước các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Trước hết mọi người phải có thái độ rõ ràng trước các hành vi tham nhũng, tiêu cực, phải thấy đây về thực chất là hành động xấu xa, đi ngược, phản lại lợi ích của quốc gia, dân tộc, với từng ngành, từng địa phương, từng cơ quan, đơn vị.

Trên cơ sở đó, mỗi người phải có thái độ kiên quyết với những hành vi tham nhũng, tiêu cực xung quanh mình. Thực tế hiện nay, không ít người nhận thức về tham nhũng, tiêu cực chưa đúng với bản chất của nó, từ đó việc ứng xử với những hành vi đó cũng chưa phù hợp. Không ít người thờ ơ, lãnh đạm trước những hành vi này, thậm chí còn cho đó là việc rất bình thường, do đó bản thân họ cũng sẵn sàng thực hiện những hành vi tham nhũng, tiêu cực khi có điều kiện và dửng dưng, vô cảm trước các hành vi tham nhũng, tiêu cực diễn ra xung quanh. Chính nhận thức và thái độ, hành vi ứng xử với tham nhũng, tiêu cực đó làm cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta càng cam go.

Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xuất bản vào đúng dịp Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng và công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng và toàn dân ta đang đạt được những kết quả quan trọng. Những bài học được rút ra từ kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần định hướng nhận thức đúng đắn và củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư đã nói Tác phẩm như một cẩm nang về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Để cẩm nang đi vào cuộc sống, tạo thành một xu thế, phong trào phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thì trước hết mọi người phải biết, phải hiểu, nhận thức sâu sắc, đầy đủ về nội dung cuốn sách, từ đó vận dụng và thực hiện trong thực tế.

Nhận thức được giá trị lý luận và thực tiễn của cuốn sách, ngay khi Tác phẩm mới được phát hành, Ban Tuyên giáo đã tham mưu cho Thường vụ Đảng ủy tổ chức cho các cán bộ chủ chốt tham dự lớp học giới thiệu về giá trị và nội dung Tác phẩm. Thực hiện Hướng dẫn số 97 –HD/BTGTW, toàn Đảng bộ đang từng bước triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng để triển khai học tập và thực hiện tư tưởng chỉ đạo và các nội dung Tác phẩm.

Với mục tiêu làm cho toàn thể cán bộ, đảng viên và người lao động TCT có nhận thức và có thái độ, hành vi ứng xử đúng đắn, nghiêm khắc với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhằm ngăn ngừa và chấm dứt các hành vi này trong TCT; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động SXKD, phục hồi sự phát triển vững bền TCT sau giai đoạn thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid – 19.

Đồng thời, Ban Tuyên giáo cũng hướng dẫn các phương tiện thông tin nội bộ tổ chức tuyên truyền sâu rộng tư tưởng chỉ đạo, những nội dung trọng tâm được trình bày trong Tác phẩm của Tổng Bí thư, để thống nhất nhận thức tư tưởng và hành động trong Đảng bộ và cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc TCT.

Qua đó, giúp cán bộ, đảng viên, người lao động nắm vững nội dung, giá trị cốt lõi của Tác phẩm, như tinh thần, ý chí kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là quan điểm, thái độ đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và ngoài xã hội, với phương châm nhất quán: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc; đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống để trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực.

Trên cơ sở nhận thức và thái độ, hành vi ứng xử với tham nhũng, tiêu cực, Đảng bộ TCT sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư. Với mục tiêu tạo sự đồng thuận “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong toàn Đảng bộ và TCT, để mỗi cán bộ đảng viên và người lao động có ý thức tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện để bản thân không thực hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực, đồng thời tích cực đấu tranh, “vạch mặt, chỉ tên” các hành vi tham nhũng, tiêu cực, những thói hư tật xấu đang tồn tại ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và xã hội.

Đồng chí Lương Văn Lợi – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy TCT. (Ảnh: VNA)

Ban Tuyên giáo tiếp tục phối hợp, hướng dẫn các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục nghiên cứu, quán triệt nội dung, giá trị cuốn sách và đưa vào sinh hoạt chuyên đề của từng chi bộ. Ban Tuyên giáo Đảng ủy đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong đó, chú trọng về mục tiêu, phương châm, tư tưởng chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gắn nhiệm vụ này với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đề cao trách nhiệm nêu gương, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; vận dụng đúng đắn, phù hợp các bài học kinh nghiệm quý trong cuốn sách; thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phù hợp đặc điểm tình hình ở cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp thành viên.

Cùng với đó, cấp ủy các cấp tăng cường công tác quản lý chặt chẽ tình hình tư tưởng, tập trung các lĩnh vực, địa bàn, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong nội bộ; kịp thời định hướng các nhận thức, tư tưởng lệch lạc. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên.

BCH các Đoàn thể nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, người lao động và thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh, phê phán các hành vi tham nhũng, tiêu cực, chấn chỉnh, khắc phục những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Học tập, làm theo những tư tưởng chỉ đạo trong Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ giúp TCT nắm vững, quán triệt và tổ chức thực hiện sâu rộng, có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng bộ, TCT cùng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thành viên ngày càng trong sạch, vững mạnh, phát triển vững bền, xứng đáng với vị thế của Hãng Hàng không Quốc gia và truyền thống ngành Hàng không dân dụng Việt Nam mà bao thế hệ đã dày công xây đắp.

Lương Văn Lợi – Chi bộ Ban TGĐU

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.