Đại hội XII của Đảng (1-2016) đã khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta”. Như vậy có thể nói bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, quyết định sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Đảng luôn kiên trì lãnh đạo đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, trong đó hoạt động truyền thông đóng vai trò quan trọng trong công tác xây dựng, bảo vệ Đảng, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng.
Ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị khoá XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Trong đó, Bộ Chính trị nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; đồng thời, Nghị quyết nhấn mạnh: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Kể từ sau sự kiện Liên Xô và khối các nước XHCN sụp đổ ở Đông Âu gây chấn động lịch sử toàn thế giới đến nay đã gần 30 năm, các thế lực thù địch vẫn luôn ra sức lợi dụng xuyên tạc, công kích và phủ định chủ nghĩa Mác – Lênin. Họ cho rằng sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu là một tất yếu lịch sử vì nó bắt nguồn từ “sự lạc hậu, lỗi thời của bản thân chủ nghĩa Mác – Lênin”; và bởi, “chủ nghĩa xã hội mà Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một chủ nghĩa xã hội “không tưởng”, không bao giờ thực hiện được”.v.v.
Căn cứ vào Cương lĩnh, vào yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ cụ thể mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng tiếp tục chỉ đạo cụ thể về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đảng ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TW “Về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay” (tháng 3-1992); Nghị quyết số 09-NQ/TW “Về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay” (tháng 2-1995); đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI (năm 2012) và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII (năm 2016) về xây dựng Đảng. Trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Đảng thẳng thắn vạch rõ những âm mưu thâm độc của các lực lượng thù địch khi thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam. chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động đã được nhiều chuyên gia và chính khách phương Tây coi là phương pháp “chuyển hóa hòa bình”, “biến đổi hòa bình”, “cách mạng hòa bình” và gần đây là “cách mạng nhung”, “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố… Trong chiến lược này, hoạt động văn hóa – tư tưởng được coi là “mũi đột phá”, là “cây cầu dẫn vào trận địa”, là lĩnh vực hàng đầu làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra khoảng trống để dần dần đưa hệ tư tưởng tư sản vào, rồi cuối cùng xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa”
Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (ngày 22-10-2018) “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Ðó là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, trong đó cơ quan báo chí các cấp là nòng cốt.
Hoạt động truyền thông với công tác “xây” và “chống”
Với phương châm lấy “xây” để “chống”, hoạt động truyền thông của TCT đã chủ động, tích cực trong tuyên truyền, phổ biến đưa Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống được thể hiện rõ nét. Truyền thông nội bộ là lực lượng chủ công tuyên truyền làm nổi bật, khẳng định những thành tựu của Đảng; tính ưu việt của chế độ; sự đúng đắn của con đường xây dựng Xã hội Chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn.
Tuyên truyền sâu rộng những tấm gương người tốt-việc tốt; điển hình tiêu biểu; cách làm sáng tạo… góp phần xây dựng TCT, đồng thời xây dựng con người TCT có tầm văn hóa cao. Qua đó, các hoạt động truyền thông gián tiếp góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phòng, chống “diễn biến hòa bình”.
Trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, hoạt động truyền thông đang tập trung tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận rõ những âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng thâm hiểm, tinh vi của các thế lực thù địch, từ đó nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần cảnh giác, sức đề kháng để tránh mắc mưu và tích cực tham gia đấu tranh góp phần làm thất bại những luận điệu, chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch.
Đấu tranh phản bác những quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch; phòng, chống “diễn biến hòa bình”; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là cuộc chiến lâu dài, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải chủ động, quyết liệt, kiên trì và bền bỉ. Trong cuộc chiến này, hoạt động truyền thông cần phát huy vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân trong cuộc đấu tranh phê bình và tự phê bình, “tự soi, tự sửa” theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống trong nội bộ. Từ đó xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ bản lĩnh chính trị, năng lực, trình độ, tâm huyết tham gia cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng- lý luận.