Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị: Các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ các cơ quan chủ trì soạn thảo trong mọi khâu từ thảo luận, lấy ý kiến, biên tập, thẩm tra… trên tinh thần đồng hành, thực chất, bảo đảm các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội đạt chất lượng cao nhất, đáp ứng được ngay yêu cầu thực tiễn đặt ra trong giai đoạn phát triển mang tính thời đại của đất nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 7 diễn ra khi hệ thống chính trị khẩn trương triển khai các nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy. Giai đoạn 1 đã sắp xếp các cơ quan Đảng, bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.
Giai đoạn 2 dự kiến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, sửa một số luật. Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp được thông qua sẽ không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện; cùng với đó, tiến hành sáp nhập, hợp nhất một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Kỳ họp thứ 9 dự kiến họp gần 2 tháng; trong thời gian này sẽ lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp. Từ cuối tháng 4 đến tháng 5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành nhiều phiên họp về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, hướng tới xây dựng bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, các dự án luật quan trọng được thảo luận ngày 25/3 và ngày 26/3 điều chỉnh nhiều lĩnh vực khác nhau, tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh và cộng đồng doanh nghiệp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngay sau khi kết thúc Hội nghị, các cơ quan phối hợp tổ chức tiếp thu ý kiến, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu và gửi đại biểu Quốc hội các nội dung trình Quốc hội sắp tới.
Chiều 26/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Nhà giáo.
Các đại biểu đã thảo luận về nội dung: Nhà giáo được xếp lương cao nhất trong hệ thống thang bậc lương phải đi kèm chất lượng của nhà giáo; Điều kiện tuyển dụng nhà giáo; Có ý kiến đề nghị nên thiết kế chính sách thu hút với giáo viên và cần cả chính sách đào tạo con em vùng đồng bào để sau quay trở lại quê hương làm công tác giảng dạy.
Cũng trong chiều 26/3, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Có ý kiến cho rằng luật chưa nhấn mạnh đào tạo kỹ năng số và nâng cao năng lực công nghệ cho người lao động. Nguyên tắc “trọng dụng nhân tài” cũng chưa được đề cập.
Bên cạnh đó, cơ chế thúc đẩy việc làm sáng tạo còn mờ nhạt, thiếu động lực đột phá. Tại khoản 6 Điều 4, dự thảo luật mới chỉ nêu chính sách “khuyến khích phát triển việc làm sáng tạo, việc làm xanh” nhưng chưa có quy định cụ thể về định nghĩa hay cơ chế khuyến khích cho các loại hình việc làm này.
Sáng cùng ngày 26/3, các đại biểu cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành luật nhằm thể chế hoá Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị.