Kỷ niệm 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 – 01/5/2024)

Ngày Quốc tế Lao động 1/5 là ngày lễ kỷ niệm, ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và của người lao động.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Khẩu hiệu ngày làm 8 giờ sớm xuất hiện trong một số nơi của nước Anh, nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất. Yêu sách này dần lan sang các nước khác. Từ năm 1827, phong trào đấu tranh đòi làm việc 8 giờ phát triển mạnh ở nước Mỹ, đi đôi với nó là sự nảy nở và phát triển phong trào Công đoàn. Năm 1886, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: “…Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”. Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký.

Khẩu hiệu “8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”. (Ảnh: Sưu tầm)

Ngày 1/5/1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Khoảng 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mít tinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ: “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”. Cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia. Cũng ngày hôm đó, tại các trung tâm công nghiệp khác trên nước Mỹ đã nổ ra 5.000 cuộc bãi công với 340 nghìn công nhân tham gia. Ở Washington, New York, Baltimore, Boston… hơn 125.000 công nhân giành được quyền ngày chỉ làm 8 giờ.

Những cuộc biểu tình tại Chicago diễn ra ngày càng quyết liệt. Giới chủ đuổi những công nhân bãi công, thuê người làm ở các thành phố khác, thuê bọn khiêu khích và cảnh sát đàn áp, phá hoại cuộc đấu tranh của công nhân. Các xung đột xảy ra dữ dội khiến hàng trăm công nhân chết và bị thương, nhiều thủ lĩnh công đoàn bị bắt… Báo cáo của Liên đoàn Lao động Mỹ xác nhận: “Chưa bao giờ trong lịch sử nước Mỹ lại có một cuộc nổi dậy mạnh mẽ, toàn diện trong quần chúng công nghiệp đến như vậy”.

Ngày 1/5 trở thành ngày Quốc tế Lao động, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân, ngày nghỉ ngơi và biểu dương lực lượng, ngày hội của công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. (Ảnh: Sưu tầm)

 Ngay sau khi thành lập Hội Liên hiệp công nhân quốc tế (Quốc tế I) năm 1864, Mác – Ăngghen coi việc rút ngắn thời gian lao động là nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản. Tại Đại hội lần thứ Nhất của Quốc tế I họp tại Gieneve (Thụy Sĩ) tháng 9/1866, vấn đề đấu tranh cho ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ quan trọng. Ngày 14.7.1889 Đại hội thành lập Quốc tế xã hội chủ nghĩa (quốc tế II) đã quyết định lấy ngày 1-5 hàng năm làm ngày hội truyền thống của giai cấp công nhân – Ngày Quốc tế lao động. Từ đó, ngày 1/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân, ngày nghỉ ngơi và biểu dương lực lượng, ngày hội của công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.

Lênin và Cách mạng Thán Mười Nga. (Ảnh: Sưu tầm)

  Năm 1920, được sự phê chuẩn của Lê Nin (Liên Xô cũ), là nước đầu tiên cho phép người dân được nghỉ làm vào Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Sáng kiến này dần dần được nhiều nước khác trên thế giới hưởng ứng.   Ngày 1/5 được xem là ngày mừng thắng lợi đã đạt được, nêu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới và biểu lộ tình đoàn kết với những người lao động các nước khác. Ngày 1/5 cũng là ngày biểu dương cho lực lượng lao động, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội.

Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12.1920. (Ảnh: Sưu tầm)

Tại nước ta, từ thập niên 30 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam qua những tác phẩm của mình, giúp công nhân lao động Việt Nam hiểu rõ hơn về phong trào cộng sản, công nhân, công đoàn thế giới, nhất là về Cách mạng Tháng Mười Nga và ngày Quốc tế Lao động 1/5, biểu hiện sự đoàn kết với vô sản, cần lao quốc tế.

Cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son (Sài Gòn). (Ảnh: Sưu tầm)

 Ngày 1/5/1925, công nhân Chợ Lớn, công nhân đường sắt Dĩ An và công nhân ở Đà Nẵng biểu tình bày tỏ ý chí bảo vệ Liên bang Xô viết. Tháng 8/1925, công nhân Nhà máy đóng tàu Ba Son (Sài Gòn) đã bãi công đòi tăng lương và để ủng hộ phong trào đấu tranh của công nhân Thượng Hải (Trung Quốc). Những cuộc đấu tranh đầu tiên ấy đánh dấu sự kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, một mốc son trong phong trào công nhân Việt Nam phát triển từ tự phát đến tự giác.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2/1930. (Ảnh: Sưu tầm)

Tháng 2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng đã xác định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công – nông. Phong trào đấu tranh ngày 1/5/1930 mở đầu cao trào cách mạng 1930-1931. Từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc đến Nam, nhiều nơi treo cờ Đảng, tổ chức mít tinh, tuần hành thị uy. Lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng, công nhân cùng với nông dân mít tinh biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5, đấu tranh đòi quyền lợi, bày tỏ tình đoàn kết với công nhân lao động thế giới. Đây là lần đầu tiên, giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên phạm vi toàn quốc đoàn kết đấu tranh tỏ rõ sức mạnh vô địch, nghị lực phi thường của khối liên minh công – nông. Đặc biệt tại Nhà máy xe lửa Trường Thi, Nhà máy Cưa, Nhà máy diêm Bến Thủy (Nghệ An), hàng nghìn thợ thuyền cùng sát cánh với nông dân ngoại thành đòi ngày làm việc 8 giờ, giảm sưu thuế; cuộc đấu tranh của 4.000 công nhân nhà máy sợi Nam Định trong 21 ngày gian khổ cũng góp phần vào cao trào cách mạng toàn quốc do Đảng lãnh đạo.

Mít tinh mừng ngày Quốc tế lao động năm 1938. (Ảnh: Sưu tầm)

Phong trào cách mạng 1936-1939, thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương, ngày Quốc tế Lao động được tổ chức công khai. Đặc biệt là cuộc mít tinh ngày 1/5/1938, tại trường Đấu xảo Hà Nội (nay là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt- Xô). Cuộc mít tinh bắt đầu lúc 16 giờ ngày 1/5/1938, nhưng ngay từ xế trưa, trên nhiều ngả phố, những dòng người tham gia mít tinh đã cuồn cuộn lên đường. Tổng cộng có trên 25.000 người của 25 đoàn khác nhau. Đây là cuộc mít tinh lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ, biểu dương sức mạnh của nhân dân lao động.

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. (Ảnh: Sưu tầm)

    Sau khi giành được độc lập, ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22c/NV/CC quy định ngày 1/5 là một trong những ngày Lễ chính thức của nước ta. Ngày 29/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động (1/5). Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động (1/5) được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi: “Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1 tháng 5 là một ngày Tết chung cho lao động cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta lần này là lần đầu mà đồng bào ta, anh chị em lao động ta, được tự do đón tiếp ngày 1/5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Đối với chúng ta nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.

Công nhân Việt Nam biểu dương lực lượng ngày Quốc tế Lao động. (Ảnh: Sưu tầm)

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong 38 năm đổi mới, cùng với quá trình phát triển của đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam đã có những bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các thành phần kinh tế, đóng góp hơn 70% tổng sản phẩm xã hội và hơn 75% ngân sách nhà nước. Công nhân, lao động nước ta đã tiếp cận nhanh với khoa học, công nghệ tiên tiến, từng bước đảm đương, làm chủ kỹ thuật và công nghệ cao, số công nhân có tri thức, nắm vững khoa học – công nghệ tiên tiến ngày càng tăng lên.

Bác thăm công nhân dệt nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5. (Ảnh: Sưu tầm)

Kỷ niệm 138 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5) gắn với kỷ niệm 78 năm Ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh 56 (29/4/1946) quy định người lao động được nghỉ làm việc và có hưởng lương trong ngày Quốc tế Lao động diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2024), đây là dịp để các tầng lớp nhân dân, công nhân, viên chức, lao động ôn lại truyền thống, những cống hiến, đóng góp to lớn của các thế hệ giai cấp công nhân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong công nhân viên chức lao động. Đồng thời, là dịp để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại cùng các thế hệ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm, chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam.

TCT Hàng không Việt Nam đã phát huy truyền thống của giai cấp công nhân Việt Nam xây dựng nên hãng Hàng không Quốc gia. (Ảnh: VNA)

Là bộ phận của giai cấp công nhân Việt Nam, bao thế hệ người lao động TCT Hàng không Việt Nam đã phát huy truyền thống của giai cấp công nhân Việt Nam xây dựng nên hãng Hàng không Quốc gia tầm cỡ trong khu vực và có uy tín trên thế giới, với chất lượng dịch vụ 4 sao, đang từng bước nâng tầm để đạt chất lượng 5 sao. Toàn thể người lao động TCT sẽ tiếp tục phát huy truyền thống quý báu của dân tộc và của giai cấp công nhân Việt Nam, nguyện đoàn kết, ra sức thi đua lao động sáng tạo với năng xuất, chất lượng và hiệu quả cao nhất, quyết tâm đưa TCT vượt qua mọi khó khăn thách thức để phát triển vững bền, cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với tinh thần Ngày Quốc tế Lao động 1/5 bất diệt.

Ban Tuyên giáo Đảng ủy TCT
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.