Làm việc, cống hiến sức lực, tâm huyết và thời gian để chăm lo cho nhân dân, xây dựng đất nước đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, TBT Nguyễn Phú Trọng đã để lại những tư tưởng, đóng góp vô giá cho sự nghiệp xây dựng Đảng, bảo vệ độc lập dân tộc và kiến thiết nước nhà.
Cuộc đời bình dị và và mẫu mực của TBT Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng về bản lĩnh của người cộng sản kiên trung với tinh thần học tập, phấn đấu không ngừng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là hiện thân tiêu biểu của những phẩm chất cách mạng: “Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”. Từng lời nói, từng việc làm, từng hơi thở và nhịp đập trái trim của Đồng chí TBT Nguyễn Phú Trọng đã thấm đẫm tình yêu đất nước và lý tưởng Cộng sản.
Bài học từ những phát biểu ấn tượng và sâu sắc của TBT Nguyễn Phú Trọng
Trải qua nhiều cương vị lãnh đạo do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, TBT Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều đóng góp quan trọng, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của một nhà lãnh đạo ưu tú,. TBT đã để lại những dấu ấn đặc biệt trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa…, những quan điểm của TBT đã trở thành “Ngọn cờ lý luận” đối với công các xây dựng Đảng, đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
1. “Tôi xin nguyện suốt đời phấn đấu, hy sinh, tuyệt đối trung thành với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng, ra sức tu dưỡng, rèn luyện; cố gắng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xứng đáng là một đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, như lời của một bài hát: “Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương; nếu là chim hãy là chim câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim cương; nếu là người hãy là người cộng sản!”. TBT Nguyễn Phú Trọng đã nói lên lý tưởng sống của mình trong bài phát biểu nhân dịp Lễ trao huy hiệu 55 tuổi Đảng Ngày 02/02/2023. Cuộc đời bình dị và phấn đấu bền bỉ của TBT Nguyễn Phú Trọng thực sự trở thành nguồn động lực cho các thế hệ đảng viên và nhân dân, là minh chứng sống động và sâu sắc cho các thế hệ người Việt Nam trên con đường học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
2. “Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta” là nội dung bài phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngày 09/12/2021. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta trong Di chúcthiêng liêng: “Sau khi giải phóng được miền Nam, thống nhất đất nước thì việc làm đầu tiên là phải chỉnh đốn, củng cố lại Đảng. Đảng có mạnh thì cách mạng mới thành công cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy.”, suốt hơn 90 năm qua, nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, trong đó có vai trò quan trọng của TBT Nguyễn Phú Trọng – “Ngọn cờ lý luận”, “Nhà lãnh đạo xuất sắc” trong thời kỳ “Đổi mới”, nhân dân ta đã giành được nhiều thắng lợi, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX.
3. “Từ suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống dẫn tới “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn”. Đó là lời nhắc nhở của TBT trong công tác xây dựng Đảng tại Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII ngày 9/12/2021, là tinh thần của Nghị quyết số 04/NQ-TW ngày 30/10/2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Nghị quyết đã tạo ra một bước tiến quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng.
4. “Văn hóa nói lên bản sắc của dân tộc, Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất” (Phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2022). Trong quá trình xây dựng đất nước, TBT Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn hóa. Tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa, đồng chí khẳng định: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia – dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại”.
Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa của dân tộc, mỗi người dân Việt Nam cần phát huy lòng tự hào dân tộc, quyết tâm đổi mới và xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, là động lực phát triển và “soi đường cho quốc dân đi” như sinh thời Bác Hồ đã nói.
5. “Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”.”. Đó là phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội Khóa XV và kế hoạch phát triển Kinh tế – Xã hội năm 2023. Quán triệt quan điểm “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, lấy dân là gốc”, trong những năm trên cương vị người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thì trước hết phải đoàn kết trong Đảng; đoàn kết trong Đảng là nền tảng, là tiền đề nâng cao sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
6. “Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước” (Phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, khai mạc sáng 19-12 tại Hà Nội.). Tổng Bí thư khẳng định, hơn 90 năm qua, Việt Nam đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”: “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. TBT Nguyễn Phú Trọng đã để lại dấu ấn quan trọng về đường lối ngoại giao “Cây tre Việt Nam” đối với bạn bè quốc tế, chứng minh rằng chính sách đối ngoại của chúng ta rất thành công, phản ánh nghệ thuật ngoại giao “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (Lời phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XIII của Đảng (25/1/2021-2/2/2021),
(Nguồn Báo Nông nghiệp Việt Nam)
7. “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng” . Lời phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng về “Hạnh phúc của con người” tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII vào sáng ngày 24/11/2021 có ý nghĩa sâu sắc, góp phần hình thành và bồi dưỡng lý tưởng cao đẹp đối với các thế hệ người Việt Nam hiện nay. Đồng thời, có ý nghĩa lý luận và chỉ đạo hoạt động thực tiễn, góp phần to lớn trong quá trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
8. “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!” (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào ngày 15.9.2021.) Tiếp thu quan điểm, lý luận của TBT Nguyễn Phú Trọng, từng cán bộ, đảng viên phải thực sự nêu gương về đạo đức cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần cống hiến trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
Lời thơ của Đồng chí Nhà thơ Tố Hữu: “Còn một giây, một phút tàn hơi; Là vẫn còn chiến đấu quyết không thôi!” được TBT viện dẫn trong Lễ trao tặng huy hiệu 55 tuổi Đảng ngày 02/02/2023 chính là tuyên ngôn cho lý tưởng sống ngời sáng của người Cộng sản kiên trung, của lòng yêu nước và ý chí cách mạng, là ánh sáng soi đường cho các thế hệ đảng viên và nhân dân Việt Nam vững tin tiếp bước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội Chủ nghĩa, tiếp nối những giá trị tốt đẹp, nhân văn của thời đại Hồ Chí Minh.
triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Bài học từ nỗ lực không mệt mỏi của TBT Nguyễn Phú Trọng trên con đường Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trong suốt cuộc đời bình dị và cống hiến không mệt mỏi của mình, cố TBT Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều bài viết và công trình nghiên cứu có giá trị để tuyên truyền có hiệu quả Cương lĩnh, Nghị quyết, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tổng kết sâu sắc thực tiễn và tham gia phát triển lý luận, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Các tác phẩm lý luận của Đồng chí tư duy chặt chẽ, tổng kết thực tiễn sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, thể hiện bản lĩnh, quan điểm lập trường kiên định, nhất quán, tinh thần chiến đấu không ngừng nghỉ của người chiến sỹ Cộng sản và tư duy chiến lược của nhà lãnh đạo xuất sắc. Trong thời gian công tác, trải qua nhiều cương vị, mặc dù bận nhiều công việc, nhưng TBT Nguyễn Phú Trọng vẫn không ngừng tìm tòi, nghiên cứu và cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị, trong số đó có gần 40 cuốn sách, đúc kết vững chắc lý luận và tổng kết sâu sắc thực tiễn, trở thành “Kim chỉ Nam” trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, đối ngoại, tăng cường đại đoàn kết dân tộc, củng cố quốc phòng an ninh trong thời đại mới, … Tiêu biểu có các tác phẩm:
Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”
Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”
Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”
Cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”
Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”
Cuốn sách “Biến thách thức thành cơ hội, quyết tâm tạo đột phá đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững”
Cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới” …
Và còn nhiều tác phẩm có giá trị khác của TBT Nguyễn Phú Trọng đã góp thêm vào kho tàng lý luận và là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam, kết tinh những tư tưởng cao đẹp trọn đời vì đất nước, vì nhân dân của đồng chí.
Không chỉ chú trọng phát triển lý luận, trong công tác, TBT Nguyễn Phú Trọng luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn, lấy thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, coi lý luận là ngọn đèn dẫn đường cho các hoạt động cụ thể. Trong chỉ đạo điều hành, đồng chí luôn kết hợp nhuần nhuyễn lý luận của Chủ nghĩa Marx – Lenin và Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam theo Tư tưởng Hồ Chí Minh. Những vấn đề lý luận, thực tiễn mà đồng chí tổng kết được đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, tạo sự thống nhất tư tưởng trong toàn xã hội “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, phát huy sức mạnh Đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội Chủ nghĩa.
Và sau cùng, “Ngoài thế giới của người đang sống và cõi im lặng của người đã chết, còn có một cõi thứ ba: cõi của những người đang sống trong trí nhớ của những người khác, những người không bị lãng quên”, thông điệp của Nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ trong tác phẩm “Người trong cõi nhớ” đã lột tả sâu sắc những cảm xúc và niềm tiếc thương mà triệu triệu người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế dành cho TBT Nguyễn Phú Trọng,
Xin kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt người, một cuộc đời bình dị, một nhân cách lớn của nhà lãnh đạo bản lĩnh, trí tuệ, liêm khiết, mẫu mực, mãi mãi in đậm tâm trí người dân Việt Nam và sự kính trọng, mến mộ của bạn bè quốc tế.