Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa chia sẻ về tiềm năng phát triển ngành HKVN trong kỷ nguyên mới

Tại Hội thảo “Nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam – Thực tiễn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines” diễn ra sáng 10-11, Chủ tịch Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa đã tham gia đồng chủ trì và phát biểu tham luận về chủ đề: “Tiềm năng phát triển ngành hàng không Việt Nam trong kỷ nguyên mới, vai trò của Vietnam Airlines, Hãng hàng không Quốc gia với sự nghiệp phát triển đất nước, đưa Việt Nam phát triển toàn diện, bứt phá và cất cánh”.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

VNA Spirit xin gửi toàn văn bài phát biểu bài phát biểu tham luận của Chủ tịch HĐQT:

“Kính thưa các quý vị đại biểu,

Thay mặt cho Hãng HKQG Việt Nam, Vietnam Airlines, tôi xin trình bày bài tham luận về hai vấn đề: “Tiềm năng phát triển ngành hàng không Việt Nam trong kỷ nguyên mới, vai trò của Vietnam Airlines, Hãng hàng không Quốc gia với sự nghiệp phát triển đất nước, đưa Việt Nam phát triển toàn diện, bứt phá và cất cánh” và “Thực tiễn của Vietnam Airlines trong thời gian vừa qua và mục tiêu trong thời gian tới”.

Thưa quý vị,

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: với thế và lực tích lũy được sau 40 năm đổi mới đất nước, với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình với đích đến là dân giàu, nước mạnh, xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Thành lập cách đây gần 70 năm (1956), ngành hàng không dân dụng Việt Nam đã có rất nhiều bước phát triển vượt bậc theo thời gian, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, giao lưu học tập giữa Việt Nam và bạn bè trên thế giới. Trong kỷ nguyên mới, ngành hàng không Việt Nam càng mở ra nhiều tiềm năng và rất nhiều dư địa phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Vietnam Airlines nhận thức rõ, máy bay Vietnam Airlines bay đến đâu thì “biên giới mềm” của chúng ta mở rộng đến đấy. 

Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa phát biểu tại Hội thảo

Tổng thị trường khách nội địa Việt Nam hiện nay đạt khoảng trên 40 triệu lượt khách/năm, tương đương tỷ lệ trung bình 10 người dân Việt Nam mới có 04 người bay 01 lần trong năm. Trong khi tỷ lệ này ở các nước có thị trường hàng không phát triển là 1:1 – hoặc cao hơn.

Đối với thị trường khách quốc tế, năm 2023, Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế, đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, xếp sau Malaysia (29 triệu), Thái Lan (28 triệu), Singapore (13,6 triệu). Với rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, hiện Việt Nam vẫn chỉ đón lượng khách quốc tế chưa bằng 1/2 so với 02 nước dẫn đầu trong khu vực.

Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế chính của thế giới trong các thập kỷ tiếp theo và cũng là khu vực có tốc độ tăng trưởng thị trường hàng không nhanh nhất: 5,3%/năm – tới năm 2040, cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân toàn cầu là 3,8%/năm, và sẽ chiếm hơn 60% lượng khách tăng thêm trên toàn cầu tới năm 2040. Riêng với thị trường hàng không Việt Nam, các tổ chức dự báo quy mô tổng thị trường tới năm 2040 sẽ tăng 2,5 – 3 lần so với quy mô hiện tại, đạt xấp xỉ 200 triệu lượt khách quốc tế & nội địa/năm.

Nhìn vào bài học tại các quốc gia đã có sự phát triển đột phá trong dòng chảy lịch sử, dễ dàng nhận thấy mối liên hệ tương quan mật thiết giữa việc phát triển ngành hàng không với sự cất cánh của đất nước. Singapore từ một đảo quốc nhỏ bé chưa đến 5 triệu dân, nay đã trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính toàn cầu; hay các quốc gia Trung Đông như UAE, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, đã sớm chuyển từ nền kinh tế phụ thuộc dầu mỏ sang nền kinh tế “phi dầu mỏ” với trọng tâm vào thu hút đầu tư, du lịch … Điểm chung của các quốc gia này đó là đã sớm nhận biết và dành nguồn lực phát triển ngành hàng không, xây dựng hãng hàng không quốc gia vững mạnh theo định hướng trở thành trung tâm trung chuyển toàn cầu.

Các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, lãnh đạo tham dự Hội thảo

Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thời cơ và vận hội mới để phát triển đột phá về mọi mặt. Để thực hiện mục tiêu đó, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành hàng không dân dụng, mà trong đó, Vietnam Airlines – Hãng hàng không quốc gia, lực lượng vận tải chủ lực của Việt Nam – giữ vai trò then chốt, chủ đạo đối với sự phát triển ngành hàng không nước nhà, kết nối Việt Nam với thế giới.

Vietnam Airlines đang trực tiếp cạnh tranh khốc liệt với các hãng hàng không khác, bao gồm các hãng nội địa và hơn 50 hãng hàng không bay thường lệ đến Việt Nam. Nếu Vietnam Airlines không chuyển mình, chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thì sẽ rất khó để cạnh tranh. Trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến các hãng hàng không trên thế giới, nhiều hãng hàng không phá sản hoặc xin bảo hộ phá sản, Vietnam Airlines đã xác định giải pháp tự thân có vai trò quan trọng.

Chúng tôi đã tái cơ cấu lại tài sản – nguồn vốn – nhân lực, nâng cao an toàn hàng không và chất lượng dịch vụ. Trong hơn 03 năm qua, chúng tôi đã tái cơ cấu lại tổ chức, triển khai các giải pháp về quản trị dòng tiền cũng như tiết kiệm chi phí, đàm phán với các đối tác. Nhờ vậy, Vietnam Airlines đã tiết kiệm được chi phí hơn 44.500 tỷ đồng. Năm 2024, hãng đã cân đối được thu chi và có lãi

Vietnam Airlines cũng chú trọng đến chuyển đổi số, tiên phong trong các doanh nghiệp nhà nước về công tác chuyển đổi số. Các chỉ tiêu an toàn của Vietnam Airlines đều vượt so với trung bình thế giới rất cao. Về chất lượng dịch vụ, chúng tôi triển khai chương trình Nâng tầm dịch vụ, được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá 5 sao về dịch vụ khách hàng. Vietnam Airlines đã nhận nhiều giải thưởng uy tín như Skytrax trao chứng chỉ công nhận “Hãng hàng không 4 sao” liên tục suốt từ năm 2016 đến nay với nhiều hạng mục dịch vụ đã tiệm cận mức 5 sao. “Hãng hàng không 5 sao về trải nghiệm dịch vụ” do APEX bình chọn; được trao tặng “Thương hiệu hàng không hàng đầu châu Á” của World Travel Awards. Đặc biệt Vietnam Airlines được xếp vào Top trong 20 hãng bay tốt nhất thế giới theo công bố của trang web đánh giá hàng không toàn cầu Airline Ratings. Các giải thưởng trên là minh chứng cho thương hiệu của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận.

Toàn cảnh “Nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam – Thực tiễn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines”.

Trong bối cảnh khó khăn, chúng tôi vẫn mở rộng mạng bay toàn cầu. Trong năm 2025, chúng tôi đang nghiên cứu và mở rộng các mạng bay đi Italia, Đan Mạch, Canada… 

Một trong những kiến nghị của  Vietnam Airlines tại Hội thảo là có một cơ chế cho các doanh nghiệp nhà nước nói chung trong đó có Vietnam Airlines. Trong môi trường cạnh tranh toàn cầu không phải “cá lớn nuốt cá bé” mà còn cả “cá nhanh nuốt cá chậm”. Các doanh nghiệp nhà nước tiềm lực rất lớn và lãnh đạo rất bản lĩnh nhưng gặp nhiều khó khăn về cơ chế, do đó cần phân cấp, phân quyền cho HĐQT, hội đồng thành viên.

Trên đây là những chia sẻ của Vietnam Airlines tại Hội thảo ngày hôm nay. Xin cảm ơn các đồng chí và chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!”

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.