Với vai trò là hãng hàng không số 1 Việt Nam, lấy an toàn làm giá trị cốt lõi, Vietnam Airlines nhận thức rõ nguy cơ uy hiếp an toàn do các yếu tố tự nhiên tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Thiệt hại trực tiếp về tài chính liên quan tới các vụ việc chim va vào động cơ đứng hàng thứ hai trong số các thiệt hại gây ra bởi các vụ việc đối với các hãng hàng không.
Theo thống kê trong năm 2022, chi phí sửa chữa dành riêng cho các vụ chim va xảy ra đối với tàu bay của Vietnam Airlines là con số tương đối lớn. Vietnam Airlines đã đầu tư kiên trì và quy mô lớn cho lĩnh vực an toàn và khai thác, từ cơ sở hạ tầng hiện đại, đội tàu bay thế hệ mới, hệ thống giám sát kỹ thuật 24/7 đến nguồn nhân lực chất lượng cao và nền tảng văn hoá an toàn vững chắc. Chương trình quản lý rủi ro có yếu tố tự nhiên là một chương trình lớn nằm trong cam kết của Vietnam Airlines đối với hoạt động quản lý an toàn.
Từ tháng 11/2022, TCT đã phối hợp với Công ty PVI, Nhà tái bảo hiểm CV Star cùng với sự tham gia của các Chuyên gia đến từ Công ty Star Consulting Service tổ chức khảo sát chim tại sân bay và vùng lân cận của 3 sân bay lớn của Việt Nam: Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất.
Qua 9 tháng đầu năm 2023, quản trị rủi ro từ các yếu tố tự nhiên bước đầu đã đạt được kết quả khả quan cụ thể trong năm 2023, số vụ việc chim va vào tàu bay có 38 vụ, giảm hơn 60% số vụ so với cùng kỳ năm 2022, trong đó chỉ có 2 vụ việc báo cáo Cục HKVN. Tuy nhiên, đây mới là chỉ là số liệu qua 1 năm. Để đạt được hiệu quả thực sự, cần có sự thay đổi đồng bộ của ngành hàng không Việt Nam.
Tiếp tục thành tích tích cực từ năm trước, và nhằm tăng cường hơn nữa quản trị rủi ro từ yếu tố tự nhiên, năm 2023, TCT đã phối hợp tổ chức khảo sát 3 Cảng HKSB (Phú Bài, Phú Quốc, Côn Sơn) và 6 Hội thảo tại CHKSB (Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Bài, Phú Quốc, Côn Sơn, Tân Sơn Nhất).
Đây là năm thứ ba Vietnam Airlines triển khai chương trình quản lý rủi ro về yếu tố tự nhiên nhưng đây là năm đầu tiên chương trình được thực hiện với sự tham gia đầy đủ của đại diện Cục Hàng không Việt Nam, đại diện các Cảng vụ và các đơn vị tại các cảng hàng không sân bay.
Hoạt động năm nay không chỉ diễn ra tại ba sân bay lớn mà việc khảo sát và đánh giá còn được tổ chức tại ba sân bay địa phương là Phú Quốc, Phú Bài và Côn Đảo với sự tham gia của hai chuyên gia nước ngoài ông Phillip Lee Mountain và John Richard Allan của SCS với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc cho Cục HK Anh (CAA-UK) về quản lý chim và động vật hoang dã tại các cảng hàng không sân bay trên thế giới.
Đặc biệt, năm nay Vietnam Airlines cũng rất vui mừng được hợp tác với hai chuyên gia về chim và động vật hoang dã trong nước đến từ Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên, Đại Học Quốc gia HN là Phó Giáo Sư, Tiến sĩ Lê Đức Minh và Tiến Sĩ Lê Mạnh Hùng – Viện Sinh Thái và Tài Nguyên Sinh Vật. Các khách mời có hiểu biết sâu rộng về tập tính, đặc điểm của các loài chim thường xuyên sinh sống và di cư tới Việt Nam cũng như các loài động vật hoang dã sinh sống trong khu vực lân cận các sân bay.
Đoàn làm việc đã tiến hành xem xét hệ thống tài liệu, hồ sơ, cách thức Cảng HK và các bộ phận liên quan thu thập, phân tích dữ liệu chim và động vật hoang dã, các biện pháp Cảng HK đang thực hiện để kiểm soát chim và động vật hoang dã. Đồng thời, đoàn công tác cũng tiến hành khảo sát thực địa khu bay, đường CHC và khu vực lân cận sân bay để quan sát và ghi nhận đặc điểm môi trường khai thác của từng sân bay.
Tổng kết chương trình là Hội nghị tại Trụ sở TCT ngày 20/10/2023 do PTGĐ Đinh Văn Tuấn chủ trì tổ chức với sự tham gia của các cơ quan đơn vị liên quan trong chương trình kiểm soát chim và động vật hoang dã, từ Cảng HK sân bay, Quản lý bay, Hãng HK, tới Cơ quan quản lý Nhà nước: Cảng vụ HK, Cục HKVN.
Hội nghị đã lắng nghe báo cáo ban đầu của chuyên gia về kết quả làm việc tại các Cảng HK, đồng thời thảo luận cởi mở về các biện pháp kiểm soát chim và ĐVHD tại các sân bay, các hạn chế trong công tác thống kê thu thập dữ liệu… cũng như tư vấn góp ý của chuyên gia về chương trình quản trị rủi ro yếu tố tự nhiên của các đơn vị liên quan.
Hội nghị cũng nhất trí về việc tăng cường trao đổi dữ liệu, thông tin cũng như hướng hỗ trợ xây dựng các hướng dẫn thực hiện với mục tiêu giảm thiểu các vụ việc, sự cố do chim va chạm tại Việt Nam.
Sau một loạt báo cáo của chuyên gia nước ngoài cũng như chia sẻ của chuyên gia Việt Nam từ kết quả của các chuyến khảo sát tại 3 sân bay địa phương và 3 workshop tại các sân bay Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất, các chuyên gia đưa ra rất nhiều giải pháp liên quan tới con người, trang thiết bị, tần suất giám sát, ghi chép hồ sơ hay tầm quan trọng của việc định dạng các loài xuất hiện tại sân bay cũng như các phương thức để đuổi chim và động vật hoang dã khác nhau.
Tuy nhiên, tất cả những giải pháp, phương thức trên sẽ không thể đạt hiệu quả tối đa nếu không có một hệ thống chính sách cụ thể, những hướng dẫn bài bản được triển khai từ trên xuống dưới cũng như sự hợp tác đồng bộ giữa các đơn vị tại sân bay như Cảng vụ, Quản lý bay, Cảng hàng không sân bay và các hãng hàng không.
Hy vọng sau chương trình đánh giá lần này với phạm vi rộng và sự tham gia của các cơ quan đơn vị liên quan phần nào đó giúp nâng cao nhận thức và sự quan tâm của các cấp ngành, đơn vị trong việc tăng cường hiệu quả công tác quản trị rủi ro có yếu tố tự nhiên, giúp giảm thiểu thấp nhất rủi ro do chim, động vật hoang dã va chạm tàu bay. Sự phối hợp chặt chẽ và chia sẻ thông tin an toàn và kiểm soát hiệu quả giữa các đơn vị sẽ góp phần giảm thiểu các rủi ro có yếu tố tự nhiên, giảm chi phí bảo hiểm hàng năm, mang lại lợi ích thiết thực cho TCT.