Hội thảo “Hàng không – Du lịch “bắt tay” liên kết phát triển bền vững”

Chiều 12/6, Vietnam Airlines tham dự hội thảo “Hàng không-Du lịch “bắt tay” liên kết phát triển bền vững” do Báo Nhân Dân tổ chức. Tại Hội thảo, ngành hàng không-du lịch đã đưa ra nhiều giải pháp liên kết, đồng thời kiến nghị các địa phương cần có chính sách hỗ trợ trên cơ sở chia sẻ lợi ích và trách nhiệm giữa các bên

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tham dự hội thảo có Uỷ viên TƯ Đảng, Bộ Trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Thắng; Uỷ viên TƯ Đảng, Phó TB TGTW, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên Tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải; lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Báo Nhân Dân; lãnh đạo các địa phương; các chuyên gia kinh tế; đại diện các hiệp hội ngành hàng không, du lịch; lãnh đạo các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch, lữ hành.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân nhấn mạnh, du lịch và hàng không giống như “đôi cánh” cùng góp phần phát triển kinh tế. Ngành hàng không tăng trưởng thúc đẩy phát triển du lịch, tạo cơ hội cho hành khách khám phá những điểm đến mới. Ở chiều ngược lại, du lịch đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của hàng không, từ việc hình thành nhu cầu cho dịch vụ, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, đến việc tạo ra cơ hội cho sự đổi mới và cải tiến. 

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu.

Theo ông Lê Quốc Minh, hiện nay, việc hợp tác giữa hàng không và du lịch hầu hết ở quy mô nhỏ, mang tính sự vụ, chưa có cơ chế phối hợp, hợp tác ở quy mô lớn để thực hiện điều phối việc hợp tác, liên kết giữa các cơ quan, đơn vị liên quan. Vấn đề hợp tác giữa hai ngành hàng không – du lịch được xem xét không chỉ ở mức độ cùng quảng bá, đưa ra các gói khuyến mại mà cần xây dựng kế hoạch tổng thể, quy mô cấp quốc gia và phân kỳ để có tác động dài lâu. 

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đánh giá, từ sau thời điểm hoạt động bình thường trở lại (tháng 3/2022), với những giải pháp và sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, các hãng hàng không Việt Nam đã nỗ lực để phục hồi hoạt động khai thác. Tuy nhiên, những khó khăn nội tại chưa giải quyết hết vẫn là rào cản lớn khiến các hãng hàng không Việt Nam chưa thể phục hồi trạng thái như thời điểm trước khi đại dịch xảy ra. Cùng với đó, những tác động từ chi phí đầu vào gia tăng và biến động quy mô đội máy bay là nguyên nhân chính đã gây ra những áp lực lên giá vé máy bay nội địa vào những giai đoạn cao điểm.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Giao thông vận tải phát biểu tại hội thảo.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho rằng ngành hàng không – du lịch vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Đồng thời, hợp tác luôn là chiến lược hoạt động của Vietnam Airlines với các hãng hàng không khác và với các hãng lữ hành, du lịch. “Trong giai đoạn khó khăn này, các hãng hàng không chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ trong việc chia sẻ kinh nghiệm, cách làm để đảm bảo có thể khai thác các máy bay nhiều nhất và hiệu quả nhất, không vì hãng kia không bay được thì mình cũng phấn khởi.” – Ông Hà khẳng định.

Để giải bài toán giá vé máy bay tăng cao trong bối cảnh thiếu tàu bay, các hãng hàng không đã nỗ lực tìm giải pháp để “hạ nhiệt”, một trong các giải pháp để giảm giá vé máy bay là tăng các chuyến bay đêm và sáng sớm.

Vào tháng 4 và tháng 5 vừa qua, Vietnam Airlines tổ chức các chuyến bay đêm khởi hành sau 21 giờ và trước 6 giờ hằng ngày trên nhiều đường bay nội địa, với mức giá khuyến mại hấp dẫn. Tuy nhiên, ông Lê Hồng Hà tiết lộ, trong tháng 5, Vietnam Airlines đã phải hủy 10% chuyến bay đêm do không có khách. Trở ngại của một chuyến bay đêm là tuy giá vé rẻ hơn, nhưng khách hàng sẽ mất thêm 1 đêm ở khách sạn, hoặc các điểm đến chưa thể đáp ứng về hạ tầng giao thông công cộng để di chuyển vào ban đêm. Từ đó, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines đề nghị các doanh nghiệp du lịch cần có chính sách giảm giá đêm đầu tiên cho những khách bay đêm, hàng không và du lịch cần có sự bắt tay nhau để có các chương trình chính sách bay đêm.

Ông Lê Hồng Hà – Tổng Giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ tại Hội thảo

Ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết giá vé chỉ “hạ nhiệt” khi số lượng máy bay tăng lên. Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải đều thể hiện con số đáng lo ngại khi số lượng đội máy bay nước ta chỉ còn 160 chiếc so với hơn 230 chiếc trước dịch COVID-19.

Đưa ra con số thế giới vẫn đầy máy bay (số lượng máy bay đang hoạt động 30.000 – 40.000 chiếc, theo ông Nam, chỉ cần trả giá cao hơn là thuê được máy bay ngay lập tức, 60 hay 100 chiếc cũng có nếu chấp nhận mặt bằng giá cả hiện nay.

“Xây khách sạn mất 5 năm, còn máy bay thuê ướt (thuê kèm tổ bay, dịch vụ bảo dưỡng, bảo hiểm) mất 15-30 ngày, thuê khô (chỉ thuê máy bay) mất 3 tháng là cùng. Tuy nhiên, hãng bay không cố gắng đưa máy bay về để bay vì không có động lực kinh doanh, càng bay nhiều lỗ nhiều. Bay mà có lãi thì cơ quan quản lý không cần nhắc, hãng bay đưa vào ầm ầm. Với mặt bằng chi phí hiện nay, cơ chế giá trần duy trì từ thời bao cấp, bay nội địa có lãi là không khả thi. Thế giới không dùng giá trần này mà phải tạo động lực cho các hãng hàng không thuê, mua máy bay, khi có nhiều máy bay thì giá vé sẽ “hạ nhiệt” – ông Nam chia sẻ.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo với kinh nghiệm của một người đã từng giữ vai trò quản lý nhà nước và giờ là doanh nghiệp trong ngành hàng không, Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh cho biết: “Trước đây các hãng hàng không đưa giá ra để cạnh tranh với nhau, từ đó tạo cho người dân thói quen mua giá vé thấp và bây giờ sẽ thấy giá cao. Vùng giá của các hãng hàng không không thay đổi vì vậy chúng ta đặt vấn đề giá hợp lý hay không hợp lý. Nước ngoài có cơ chế hữu hiệu chống cạnh tranh không lành mạnh, tức là không được dùng giá dưới giá thành để đánh đối thủ và không được lợi dụng vị thế độc quyền để tăng giá quá đáng. Tôi cũng đồng ý với việc bỏ giá trần không ảnh hưởng nhiều lắm, nhưng cần có giá sàn để có công cụ chống bán phá giá. 

Liên quan đến việc khuyến khích cho các nhà đầu tư nước ngoài hay mở hãng hàng không mới, thực tế, các nhà đầu tư đang “chạy dạt”, nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đều “bỏ của chạy lấy người” vì không nhìn thấy lợi nhuận trong đầu tư hàng không. Chưa bao giờ Chính phủ không khuyến khích đầu tư vào hàng không… muốn đầu tư phải nhìn thấy lợi nhuận ổn định, bền vững cho các hãng hàng không.”

Toàn cảnh Hội thảo

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) nhìn nhận giá vé máy bay tăng cao không chỉ làm tổn hại cho ngành hàng không và du lịch mà còn tác động đến các ngành kinh tế khác, đặc biệt là sinh kế của người dân địa phương.

“Giá vé máy bay trong nước ở Việt Nam chỉ thấp hơn chút ít so với giá vé máy bay đi các nước trong khu vực. Do đó, nhiều gia đình Việt Nam sẽ lựa chọn đi du lịch nước ngoài thay vì du lịch trong nước. Điều này làm cho du lịch nội địa không phát triển.” ông Chính bày tỏ lo ngại.

Mặt khác, ông Chính cũng cho rằng chính sách thời gian nhận, trả phòng đang áp dụng theo khung cứng mà chưa có sự linh hoạt về thời gian. Trong khi đó, việc nhận và trả phòng linh hoạt là một định hình mới trong ngành khách sạn mà các doanh nghiệp du lịch cũng cần phải thay đổi theo xu thế.

Về phía các đơn vị du lịch, bà Lương Thị Hoàng Lan, Giám đốc khối kinh doanh Khối Du lịch nghỉ dưỡng, Tập đoàn Sun Group cho biết giá vé máy bay trong nước tăng cao đã khiến xu hướng đi du lịch của du khách thay đổi, không chỉ lượng khách nội địa đi du lịch bằng máy bay suy giảm, mà nhiều người đã lựa chọn đi du lịch nước ngoài như Thái Lan, Hàn Quốc… vì chi phí vé máy bay rẻ hơn.

“Đây cũng là một minh chứng cho sự thiếu liên kết chặt chẽ giữa địa phương-du lịch-hàng không, không chỉ làm giảm sức cạnh tranh của các điểm đến trong nước, mà còn làm ảnh hưởng đến lợi ích của tất cả các bên và gián tiếp hạn chế khả năng tăng tốc phát triển của ngành du lịch Việt Nam và sự tăng trưởng của nền kinh tế.” bà Lan đánh giá.

Để việc liên kết xúc tiến, quảng bá giữa Du lịch và Hàng không có hiệu quả lâu dài, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Lữ hành Saigontourist cho rằng nếu không có sự bắt tay của 2 bên, thị trường sẽ tự dịch chuyển và làm thay đổi thói quen, hành vi của khách hàng, các tuyến du lịch đường bay sẽ bị ảnh hưởng. Du lịch và Hàng không cần phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng đường bay mới trên cơ sở có phân tích kỹ nhu cầu của thị trường và cùng cam kết xúc tiến, kinh doanh lâu dài nhằm đảm bảo hiệu quả khai thác du lịch hai chiều.” ông Yên nói.

Ông Lê Hồng Hà cùng đại diện Vietnam Airlines tham dự Hội thảo

Để kích cầu du lịch trong nước, Lữ hành Saigontourist đang phối hợp cùng Vietnam Airlines nghiên cứu xây dựng sản phẩm ưu đãi với chuyến bay khởi hành sau 21h hàng ngày đến các điểm đến du lịch trong nước với mức giá vé máy bay giảm hơn 50% và miễn phí đêm khách sạn đầu tiên trong chương trình tour. Dự kiến, dòng sản phẩm này sẽ góp phần tăng nhu cầu du lịch đường bay của du khách trong mùa hè năm nay với một chính sách giá rất cạnh tranh mà vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ và đầy đủ các trải nghiệm cho du khách trong nước.

Phía Tập đoàn Sun Group kiến nghị địa phương-du lịch-hàng không phải bàn kế hoạch hợp tác ngắn hạn và lâu dài trên cơ sở chia sẻ lợi ích và trách nhiệm giữa các bên. Không chỉ hàng không và du lịch cần đưa ra chính sách giá tốt, các địa phương/điểm đến cũng cần đưa ra những chính sách ưu đãi giá hợp lý (về nghỉ dưỡng, vận chuyển, nhà hàng…) để tạo điều kiện xây dựng những chương trình, combo sản phẩm nghỉ dưỡng chất lượng với mức giá ưu đãi bao gồm cả vé máy bay, phòng khách sạn và tour du lịch… sẽ giúp các bên cùng có lợi, ổn định về lượng khách và đạt hiệu quả cao nhất.

Nhằm giảm mặt bằng giá vé, hỗ trợ việc kích cầu du lịch, đại diện các hãng hàng không, ngành du lịch kiến nghị Chính phủ tiếp tục các chương trình hỗ trợ các hãng bay như: giảm thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay, thuế nhập khẩu nhiên liệu bay; phí hạ cất cánh; giảm lãi suất vay ngân hàng; có các chính sách hỗ trợ về phát triển đội bay; chính sách quản lý giờ cất, hạ cánh, giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh và điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa; bỏ quy định về giá trần; địa phương có sân bay có cơ chế, chính sách bù lỗ cho ngành hàng không.

Vietnam Airlines ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác – Phát động du lịch nội địa cùng Đà Nẵng và Khánh Hòa

Để hướng tới hành động thực chất chứ không chỉ dừng lại ở thảo luận, trong khuôn khổ hội thảo, Vietnam Airlines và các địa phương đã xây dựng những giải pháp tăng cường liên kết, thu hút du khách và kích cầu du lịch nội địa. Tiêu biểu là trong dịp cao điểm, Vietnam Airlines sẽ cung ứng gần 1 triệu chỗ bay đêm, khởi hành sau 21h tối và trước 6h sáng trên nhiều đường bay nội địa, với mức giá khuyến mại rất hấp dẫn. Để các chuyến bay liên kết hiệu quả với du lịch, mang đến chất lượng và mức giá hợp lý, Vietnam Airlines đã Ký kết bản ghi nhớ hợp tác – Phát động du lịch nội địa trong mùa cao điểm với thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. 

Theo thỏa thuận, Vietnam Airlines triển khai thêm sản phẩm bay đêm từ Hà Nội/TP Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng vào khung giờ sáng sớm và tối muộn với mức giá khuyến mại lên đến 30% giá vé, thời gian áp dụng cho hành khách mua vé và bay trên Vietnam Airlines từ nay đến hết ngày 27/12/2024. Đây là một sáng kiến giúp thu hút du khách đến các tỉnh thành, có triển vọng mở rộng áp dụng trên toàn quốc và góp phần kích cầu du lịch nội địa trong mùa hè năm nay.

Việt Hùng
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.