1. Ngành hàng không “lên dây cót” sau đại dịch Covid-19
Năm 2024 khép lại với nhiều thăng trầm của thị trường chứng khoán Việt Nam, khi đối mặt với áp lực từ cả trong nước lẫn quốc tế. Bất chấp dòng vốn ngoại rút ròng kỷ lục và sức hút ngày càng lớn từ thị trường Mỹ, VN-Index vẫn ghi nhận mức tăng 12,1% so với cùng kỳ, chốt năm tại 1.266,78 điểm. Tuy nhiên, thị trường chủ yếu dao động quanh biên độ hẹp 1.200 – 1.300 điểm suốt 3/4 thời gian giao dịch, trong khi phần lớn mức tăng đến từ quý I.
Dù thị trường chứng khoán đối diện nhiều thách thức, không ít nhà đầu tư vẫn đặt “ngôi sao hy vọng” vào triển vọng phục hồi kinh tế nhờ các chính sách kích cầu của Chính phủ. Trong bức tranh chung, ngành hàng không nổi lên như một điểm sáng sau 2 năm chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid – 19.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2024 đạt 17,6 triệu lượt, gần chạm mức của năm 2019 – thời kỳ đỉnh cao của ngành du lịch. Trong đó, hơn 14,8 triệu lượt khách quốc tế đến bằng đường hàng không, chiếm 84,4% tổng lượng khách. Du lịch nội địa cũng ghi nhận kết quả khả quan với 110 triệu lượt khách. Đà phục hồi này thúc đẩy kết quả kinh doanh tích cực của các hãng hàng không và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ liên quan trong năm 2024.
Bên cạnh đó, Thông tư 34 của Bộ Giao thông vận tải, có hiệu lực từ ngày 1/3/2024 cũng mang lại lợi thế cho ngành hàng không qua quy định cho phép điều chỉnh tăng giá trần vé máy bay. Nhờ đó, từ đầu năm 2024, giá vé trung bình hạng phổ thông trên nhiều chặng bay đã tăng so với năm 2023. Mức giá cao hơn trong khi chi phí vận hành không có nhiều biến động, giúp các hãng bay cải thiện biên lợi nhuận đáng kể.
Song song với những tín hiệu tích cực, ngành hàng không vẫn đối mặt không ít thách thức. Các yếu tố tiêu cực như áp lực lạm phát, tỷ giá gia tăng, chính sách tiền tệ thắt chặt ở nhiều quốc gia và lãi suất duy trì ở mức cao tiếp tục là rào cản đối với tăng trưởng của ngành. Đồng thời, giá nhiên liệu hàng không neo cao trên mức 100 USD/thùng cùng tình trạng thiếu hụt máy bay cũng gây áp lực lớn lên hoạt động khai thác của nhiều hãng vận tải.
Trong bối cảnh đó, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – HVN) đã chứng minh được sức bật sau giai đoạn khó khăn bởi đại dịch. Nỗ lực tái cấu trúc và tối ưu vận hành giúp hãng ghi nhận nhiều dấu ấn tích cực, kéo theo sự bứt phá của cổ phiếu, mang lại tỷ suất sinh lời vượt trội cho nhiều nhà đầu tư nắm giữ.
2. Dấu ấn năm 2024 của Hãng hàng không Quốc gia
Cổ phiếu Vietnam Airlines (HVN) “cất cánh”
Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong quý I/2024 nhờ sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào trạng thái đi ngang, đối diện với ngưỡng kháng cự 1.300 điểm. Dù vậy, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vẫn nổi lên như một điểm sáng, mang lại tỷ suất sinh lời ấn tượng khoảng 170% từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 7. Thanh khoản của HVN cũng ghi nhận nhiều phiên giao dịch kỷ lục, với hàng chục triệu đơn vị được khớp lệnh mỗi ngày.
Tuy chịu áp lực chốt lời song HVN đã ghi nhận sự hồi phục vào cuối năm 2024. Luỹ kế cả năm, thị giá HVN đã tăng gần 120%, mang theo những kỳ vọng về sự tái định vị mạnh mẽ của hãng hàng không quốc gia.
Điểm nhấn từ đề án tái cấu trúc
Vào cuối tháng 6/2024, Quốc hội đã đưa quyết định quan trọng khi gia hạn khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng để giải quyết những khó khăn trước mắt cho Vietnam Airlines.
Tiếp đến, trong cuối tháng 11/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua đề án tái cơ cấu tổng thể của Vietnam Airlines, trong đó có kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên tối đa 22.000 tỷ đồng. Số vốn này sẽ được dùng để xử lý dứt điểm các khoản nợ phát sinh trong thời kỳ đại dịch, khôi phục năng lực tài chính và đầu tư vào các dự án chiến lược, giúp HVN tận dụng tối đa đà phục hồi của thị trường hàng không trong nước và khu vực. Ngoài ra, nghị quyết hỗ trợ CTCP Hàng không Pacific Airlines, bao gồm việc xóa tiền phạt chậm nộp và lãi chậm nộp thuế đối với các khoản nợ phát sinh trước ngày 31/12/2024.
Những động thái hỗ trợ này đã thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc đồng hành cùng Vietnam Airlines, tạo động lực vực dậy “đôi cánh” hàng không quốc gia và đưa doanh nghiệp trở lại đà tăng trưởng.
Lợi nhuận đạt mức kỷ lục
Bắt nhịp với sự khởi sắc của ngành hàng không, Vietnam Airlines liên tục cắt giảm và tối ưu chi phí, nâng cao hiệu quả vận hành, qua đó từng bước cải thiện kết quả kinh doanh. Ngay từ quý I/2024, hãng gây bất ngờ khi báo lãi 4.441 tỷ đồng, trong đó 3.030 tỷ đồng đến từ khoản xóa nợ của Pacific Airlines – công ty con của HVN, sau khi đơn vị này trả tất cả máy bay thuê và đạt thỏa thuận miễn giảm nợ với chủ tàu bay. Nhờ hưởng lợi từ giá vé tăng cao và nhu cầu phục hồi trở lại, Vietnam Airlines tiếp tục ghi nhận lợi nhuận dương trong các quý tiếp theo.
Ước tính trong năm 2024, hãng hàng không quốc gia mang về 114.741 tỷ đồng doanh thu, tăng 23% so với năm trước, trong khi lợi nhuận trước thuế lên tới 7.324 tỷ đồng – mức cao nhất trong lịch sử hoạt động. Sản lượng vận chuyển cũng tăng trưởng mạnh với 22,7 triệu lượt hành khách (tăng 8%) và 314.700 tấn hàng hóa (tăng 40%). Hiệu suất khai thác cải thiện đáng kể khi số giờ bay bình quân đạt 11 giờ/ngày trên mỗi tàu bay, tăng 25% so với năm 2023.
Kết quả kinh doanh khả quan đã giúp cho Vietnam Airlines đã chính thức thoát khỏi chuỗi thua lỗ kéo dài 4 năm liên tiếp, mở ra cơ hội giúp cổ phiếu HVN tránh nguy cơ bị hủy niêm yết.
Mạng lưới bay vươn rộng, Vietnam Airlines khẳng định vị thế trên bầu trời quốc tế
Trong năm 2024, Vietnam Airlines đã tiếp tục đẩy mạnh chiến lược mở rộng mạng lưới đường bay quốc tế, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của hành khách và nâng cao khả năng kết nối giữa Việt Nam và các thị trường quốc tế. Những bước đi này không chỉ khẳng định vị thế mà còn góp phần phát triển ngành du lịch, kinh tế và tạo dựng các cơ hội hợp tác đa phương.
Một trong những dấu mốc quan trọng là việc khai trương 5 đường bay quốc tế mới trong năm 2024. Cụ thể, trong tháng 6, HVN đã tổ chức khai trương đường bay thẳng giữa Việt Nam và Philippines, trở thành hãng bay Việt Nam đầu tiên thực hiện kết nối trực tiếp giữa 2 quốc gia.
Đến tháng 10, đường bay thẳng đầu tiên và duy nhất giữa Việt Nam đến Munich (Đức) đã được Vietnam Airlines chính thức khai trương tại Sân bay Quốc tế Nội Bài và Sân bay Quốc tế Munich, mang đến cơ hội kết nối thuận tiện hơn cho hành khách giữa Việt Nam và khu vực châu Âu. Cũng trong tháng này, Vietnam Airlines mở đường bay mới giữa Hà Nội và Phnom Penh (Campuchia), kết nối các khu vực kinh tế quan trọng và thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa 2 nước.
Những đường bay mới không chỉ giúp Vietnam Airlines mở rộng phạm vi hoạt động mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành du lịch và kinh tế trong khu vực, đồng thời nâng cao sự hiện diện của HVN trên bản đồ hàng không quốc tế.
Nâng cấp đội tàu bay hiện đại
Bước sang năm 2024, đội tàu bay của Vietnam Airlines không ngừng lớn mạnh, với sự gia nhập của những chiếc máy bay hiện đại và tiên tiến. Tính đến hết năm 2024, Vietnam Airlines sở hữu tổng cộng 63 máy bay Airbus A321, 14 máy bay Airbus A350, 17 máy bay Boeing 787 và 6 máy bay ATR 72.
Điểm nổi bật trong năm qua là Vietnam Airlines đã tiếp nhận thêm 5 máy bay mới, bao gồm 2 chiếc Boeing 787 và 3 chiếc Airbus A321 NEO. Những mẫu máy bay thế hệ mới này không chỉ sở hữu công nghệ tiết kiệm nhiên liệu mà còn giảm thiểu tiếng ồn, góp phần bảo vệ môi trường. Việc bổ sung các dòng máy bay tiên tiến cũng giúp hãng nâng cao trải nghiệm bay, mang đến cho hành khách không gian thoải mái hơn và dịch vụ chất lượng cao hơn.
Thăng hạng với loạt giải thưởng danh giá
Nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ cùng với sự phục hồi của thị trường hàng không, Vietnam Airlines đã vượt qua giai đoạn khó khăn để từng bước lấy lại đà tăng trưởng. Song song với nỗ lực cải thiện tình hình kinh doanh, hãng hàng không quốc gia được vinh danh với hàng loạt giải thưởng uy tín, đánh dấu những bước tiến đáng kể trong chất lượng dịch vụ và hoạt động khai thác.
Cụ thể, Vietnam Airlines được Cirium – tổ chức phân tích dữ liệu hàng không có trụ sở tại Anh – xếp vào Top 10 Hãng hàng không đúng giờ nhất châu Á. Hãng cũng được APEX trao danh hiệu Hãng hàng không 5 sao thế giới, đồng thời góp mặt trong Top 5 Hãng hàng không đúng giờ nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong nước, Vietnam Airlines giữ vững vị trí hãng hàng không đúng giờ nhất Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024, theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam.
3. Vietnam Airlines trên đường bay phục hồi
Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán TP. HCM (HSC) đã điều chỉnh tăng trung bình 50% dự báo lợi nhuận trước thuế của hoạt động kinh doanh cốt lõi giai đoạn 2025-2026, chủ yếu nhờ điều chỉnh giả định về lưu lượng hành khách và lợi suất hành khách. Ngoài ra, lợi nhuận thuần cũng được dự báo tăng đáng kể, bao gồm cả các khoản thu nhập không thường xuyên từ tái cấu trúc Pacific Airlines (JPA) và doanh thu bán tài sản.
Về công suất và nhu cầu, HSC nâng dự báo trung bình 2,9% đối với ghế luân chuyển (ASK) và 3,7% đối với khách luân chuyển (RPK) trong giai đoạn này. Trong năm 2025, hệ số sử dụng ghế dự kiến tăng lên 80% do tình trạng thiếu máy bay. Tuy nhiên, đến năm 2026, hệ số này có thể đạt 87% khi công suất khai thác gia tăng nhờ các động cơ hoàn tất kiểm tra và trở lại hoạt động.
Bên cạnh đó, HSC điều chỉnh tăng trung bình 1,7% dự báo lợi suất hành khách trong giai đoạn 2025-2026. Cụ thể, năm 2025, lợi suất hành khách dự kiến giảm 2,5% so với năm trước do áp lực cạnh tranh và điều chỉnh giá vé. Đến năm 2026, chỉ số này tiếp tục giảm 1% khi tình trạng thiếu máy bay dần được giải quyết, tạo điều kiện để các hãng hàng không mở rộng khai thác.
Về chi phí vận hành, HSC dự báo chi phí đơn vị trung bình giảm 1,4% trong giai đoạn 2025-2026 nhờ tối ưu hóa hoạt động. Riêng giá nhiên liệu bay, HSC duy trì giả định ở mức 106 USD/thùng trong cả 2 năm. Do đó, tỷ trọng chi phí nhiên liệu trên tổng chi phí đơn vị (khoảng 30%-35%) dự kiến không thay đổi trong năm 2025 và tăng nhẹ 10% vào năm 2026. Ngoài ra, HSC cũng điều chỉnh giảm trung bình 2,1% các chi phí đơn vị khác (ngoài nhiên liệu bay) nhờ xu hướng quản lý chi phí hiệu quả hơn.
Nhìn chung, năm 2025 sẽ là cột mốc quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của Vietnam Airlines trên hành trình phục hồi và tăng trưởng bền vững. Với chiến lược tái cơ cấu toàn diện, sự cải thiện về tài chính cùng đà khởi sắc của ngành hàng không, hãng bay quốc gia đang từng bước lấy lại vị thế và sẵn sàng vươn cao trên bản đồ thế giới.