30 năm chắp cánh bay nối tình hữu nghị Việt-Trung

Trong chặng đường 30 năm mở đường bay đến Trung Quốc, Hãng Hàng không Quốc gia Vietnam Airlines đã đạt được nhiều dấu mốc quan trọng trong vai trò là cầu nối giao thương, văn hoá giữa hai nước.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vận chuyển hơn 11 triệu lượt khách

Năm 1994, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines khai thác đường bay thường lệ đến Trung Quốc với điểm đến từ TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đi Quảng Châu, tần suất 2 chuyến/tuần bằng máy bay TU3 có 67 ghế. Năm 2001, đường bay được bổ sung các loại tàu bay khác vào khai thác như Fokker, Airbus A320, tần suất tăng dần lên 2-3 chuyến/tuần. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng khai thác đường bay thẳng từ Hà Nội đến Bắc Kinh trong năm này, tần suất 3 chuyến/tuần bằng máy bay A321. Các đường bay được tăng dần tần suất trong những năm sau đó đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.

Năm 2010, hãng tiếp tục mở đường bay tới điểm đến thứ 3 tại thị trường Trung Quốc là Thượng Hải. Đường bay Hà Nội – Thượng Hải cũng được khai thác ổn định 3 chuyến/tuần và sau đó tăng lên 7 chuyến/tuần. Từ năm 2011, hãng mở tiếp đường bay TP Hồ Chí Minh – Thượng Hải để hoàn thiện sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh với các hãng bay khác.

Đến nay, Vietnam Airlines đang duy trì 5 đường bay từ Hà Nội/TP Hồ Chí Minh tới 3 điểm đến của Trung Quốc là Quảng Châu, Bắc Kinh và Thượng Hải với tổng số 33 chuyến bay/tuần. Trong đó, tần suất khai thác đến Quảng Châu là 14 chuyến/tuần.

Vietnam Airlines cũng đang hợp tác với nhiều hãng bay Trung Quốc theo hình thức liên danh hoặc chia chặng để đa dạng sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của hành khách đến các điểm nội địa khác ở Trung Quốc và Việt Nam.

Vietnam Airlines cho biết Trung Quốc là một trong những thị trường trọng điểm của Vietnam Airlines ở nước ngoài, có đóng góp lượng khách và doanh thu lớn trong toàn mạng bay của hãng. Giai đoạn 2009-2019, các chỉ tiêu khai thác của Vietnam Airlines tại thị trường Trung Quốc đều tăng trưởng tốt, tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách của thị trường đạt trung bình xấp xỉ 30%/năm.

Nhiều dư địa phát triển

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc đang ở mức cao nhất trong lịch sử. Tiếp sau chuyến thăm lịch sử của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc tháng 10/2022, năm 2023, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam -Trung Quốc có bước phát triển to lớn, đạt thành tựu mang ý nghĩa lịch sử. Trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 12/2023, hai Đảng, hai nước đã nhất trí tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của quan hệ Việt – Trung, là định vị mới đưa quan hệ hai Đảng, hai nước bước vào giai đoạn phát triển tốt đẹp hơn nữa.

Về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước đạt nhiều thành tựu nổi bật. Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hợp tác đầu tư nước ngoài của Trung Quốc tại Việt Nam đã đạt kết quả ấn tượng với các dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, công nghệ cao chiếm ưu thế. Cụ thể, tính đến tháng 3/2024, các nhà đầu tư Trung Quốc có 4.418 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 27,6 tỷ USD, đứng thứ 6/145 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Tính riêng năm 2023, Trung Quốc đứng thứ 4 về đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 4,5 tỷ USD, tăng gần 80% so cùng kỳ năm trước. Về thương mại, Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 171,84 tỷ USD (tính đến năm 2023). Ngược lại đối với Trung Quốc, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN và đứng thứ 6 trên thế giới.

Trong lĩnh vực du lịch, Trung Quốc là một trong những quốc gia dẫn đầu về lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam. Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội quý I/2024 do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/3 cho biết quý I/2024, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019-năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Trong đó, khách đến từ Trung Quốc đạt khoảng 890 nghìn lượt, gấp 6,4 lần so với cùng kỳ 2023 và đứng thứ 2 trong số các quốc gia có du khách đến Việt Nam nhiều nhất. 

Theo các chuyên gia kinh tế, sự phát triển ấn tượng của thị trường vận tải hàng không giữa Việt Nam – Trung Quốc là một trong những điều kiện quan trọng góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và giao lưu văn hoá giữa hai nước, trong đó có phần đóng góp không thể thiếu của hãng hàng không quốc gia Việt Nam, thể hiện qua việc ngày càng có nhiều khách hàng Trung Quốc chọn lựa các sản phẩm và dịch vụ do Vietnam Airlines cung cấp. 

30 năm mở đường bay đến Trung Quốc với tổng sản lượng vận chuyển đạt hơn 11 triệu lượt khách, Vietnam Airlines không chỉ chinh phục được thị trường hàng không lớn nhất thế giới với hơn 1 tỷ dân mà còn làm tốt vai trò là những cánh bay kết nối tình hữu nghị giữa hai nước láng giềng. Tính đến đầu năm 2024, sản lượng vận chuyển hành khách tại thị trường Trung Quốc của Vietnam Airlines đạt hơn 11 triệu lượt khách.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.