[2/9] Văn hóa soi đường cho sự phát triển của Vietnam Airlines

Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã chú trọng xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam giàu mạnh, soi đường cho phát triển của đất nước. Kế thừa tinh thần ấy, Vietnam Airlines cũng đã và đang xây dựng cho mình nền văn hóa đậm đà bản sắc, là tiền đề cho sự phát triển của Hãng hàng không Quốc gia.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Văn hóa soi đường cho quốc dân đi

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” lịch sử do chính Người chuẩn bị, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã chú trọng xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam mới đúng như V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Sau khi người ta đã hoàn thành cuộc cách mạng chính trị lớn nhất chưa từng thấy trên thế giới, thì những nhiệm vụ khác lại đặt ra cho chúng ta, những nhiệm vụ về văn hóa” và “nâng cao trình độ văn hóa là một trong những nhiệm vụ bức thiết nhất”mà những người cộng sản phải làm sau khi đã giành được chính quyền.

Vì thế, ngày 13/9/1945, chỉ 11 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nhà nước Việt Nam mới, trong buổi tiếp ông Nguyễn Tường Phượng (Tạp chí Tri Tân), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Có chính trị mới có văn hóa, xưa kia chính trị bị đàn áp, nền văn hóa của ta vì thế không nảy sinh được. Nay nước ta đã độc lập, tinh thần được giải phóng, cần phải có một nền văn hóa hòa hợp với khoa học và hợp cả với nguyện vọng của dân”. Tiếp đó, phát biểu trong buổi khai mạc phòng triển lãm văn hóa ngày 7/10/1945, Người cũng khẳng định: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học của công nhân Nhà máy 1/5 (Hà Nội), lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành công nghiệp, ngày 19/12/1963. (Ảnh tư liệu).

Ngày 24/11/1946, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ. Đây chính là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của ngành văn hóa và thông tin. Người nêu nhiệm vụ của văn hoá mới là, phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hoá xưa và nay để xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam với ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng. Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hoá nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ.

Đặc biệt, Người khẳng định: “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.

Văn hóa và sự phát triển của Vietnam Airlines

Học tập tư tưởng của Người, trong suốt chiều dài lịch sử của mình, với vai trò là Hãng hàng không Quốc gia, VNA đều luôn không ngừng xây dựng cho mình một nền văn hóa giàu bản sắc.

Nền tảng văn hóa doanh nghiệp của VNA được định vị bởi Tầm nhìn – Sứ mệnh: Giữ vững vị thế của Tổng công ty là doanh nghiệp hàng không giữ số 1 tại Việt Nam; Vietnam Airlines là Hãng hàng không Quốc gia, lực lượng vận tải chủ lực tại Việt Nam, hãng hàng không hàng đầu châu Á được khách hàng tin yêu và lựa chọn; Cung cấp dịch vụ hàng không chất lượng cao, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đa dạng của khách hàng… Cùng với đó là 5 Giá trị cốt lõi: An toàn là số 1 – Khách hàng là trung tâm – Người lao động là tài sản quý giá nhất – Không ngừng sáng tạo – Tập đoàn hàng không có trách nhiệm.

Với vai trò là Hãng hàng không Quốc gia, VNA đều luôn không ngừng xây dựng cho mình một nền văn hóa giàu bản sắc. (Ảnh: VNA).

Là một doanh nghiệp hàng không, VNA xây dựng cho mình một nền Văn hóa an toàn trong tổ chức. Văn hóa an toàn là nhận thức và niềm tin của người VNA về các vấn đề an toàn, như một cách thức mà VNA thực hiện công việc để quản lý an toàn. Văn hóa an toàn là nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành Hàng không. Ở VNA, Văn hóa an toàn là số 1, không thể đánh đổi trong mọi hoạt động của Hãng.

Bên cạnh đó, để có thể mang đến cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ tốt nhất, VNA xây dựng Văn hóa Dịch vụ nâng tầm tại Hãng. Với Văn hóa Dịch vụ nâng tầm, VNA sẽ mang đến cho khách hàng những trải nghiệm đáng ngạc nhiên, góp phần không nhỏ trên thành trình vươn tầm trở thành hãng hàng không quốc tế 5 sao.

Văn hóa an toàn là nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành hàng không và của VNA. (Ảnh: VNA).

Và mới đây nhất, tiến thêm một bước trên hành trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành Hãng hàng không số, VNA đã bắt tay vào xây dựng Văn hóa số khởi đầu bằng xây dựng văn hóa và hành vi lãnh đạo thể hiện qua đường lối, chiến lược và kế hoạch rõ ràng cùng sự cam kết, quyết tâm và chuyển hóa thành các hành động cụ thể trong toàn tổ chức. Văn hoá số sẽ dần được hình thành trên lộ trình chuyển đổi số, tạo ra nguồn nhân lực với những giá trị nổi bật cho VNA. Từ đó tạo ra môi trường số cho thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại VNA.

Hình thành và phát triển cùng VNA trong suốt chiều dài lịch sử, những nét văn hóa sẽ là tiền đề, cơ sở, động lực thúc đẩy, soi đường cho sự phát triển lớn mạnh không ngừng tại Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam.

Le Thi Hang-COMM
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.