Sự kiện đã điểm lại lịch sử phát triển, những dấu mốc đáng chú ý và những đóng góp của đường bay thẳng Việt Nam – Pháp trong 20 năm qua đối với quan hệ hữu nghị hai nước. Trong lịch sử hàng không, Vietnam Airlines là hãng hàng không Việt Nam đầu tiên và duy nhất khai thác đường bay thẳng Việt Nam – Pháp trong suốt 20 năm (2003 – 2023), giữ vai trò quan trọng trong hợp tác hàng không và thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa 2 quốc gia.
Tại sự kiện, Vietnam Airlines và các đối tác hàng không, du lịch đã thực hiện nghi thức phát động, thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch Việt Nam – Pháp. Đồng thời, hãng tổ chức tri ân các đại lý, các đối tác hàng không Pháp đã luôn sát cánh, ủng hộ Vietnam Airlines trong suốt quá trình thiết lập và phát triển đường bay Pháp.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Vietnam Airlines đã xác định đường bay đến Pháp có vai trò chiến lược trọng yếu, do vị trí của Pháp là cửa ngõ của châu Âu với khả năng kết nối vào Bắc Mỹ. Bên cạnh đó, Pháp còn là quốc gia có truyền thống hợp tác lâu dài và bền chặt với Việt Nam.
Năm 1993-1994, Vietnam Airlines đã tiên phong đặt viên gạch đầu tiên cho đường bay Việt Nam – Pháp khi thiết lập văn phòng đại diện tại Pháp và khai thác đường bay này qua một điểm dừng tại Dubai bằng máy bay Boeing 767.
Năm 2003, với việc nâng cấp lên đội máy bay thân rộng Boeing 777-200ER hiện đại nhất thời điểm đó, Vietnam Airlines chính thức mở đường bay thẳng trực tiếp không điểm dừng từ Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đến Paris vào ngày 24/6/2003.
Đường bay thẳng đã giúp rút ngắn thời gian bay chỉ còn 12 giờ đồng hồ so với 1 ngày như trước. Lượng hành khách bay giữa Việt Nam và Pháp đã tăng trưởng hết sức nhanh chóng sau khi Vietnam Airlines mở đường bay thẳng. Đường bay cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hàng trăm nghìn du khách ghé thăm hai nước mỗi năm.
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết: “Hai thập kỷ kể từ khi mở đường bay thẳng, Vietnam Airlines đã vận chuyển tổng cộng 3,8 triệu lượt khách và 174.500 tấn hàng hóa giữa hai nước. Mức tăng trưởng hành khách, hàng hóa trung bình hàng năm giai đoạn trước đại dịch lần lượt là 5%/năm và 10%/năm. Không chỉ vận chuyển hành khách, hàng hóa, Vietnam Airlines tự hào đã góp phần kết nối kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Việt Nam và Pháp, với nhiều hoạt động hợp tác hàng không, hỗ trợ ngoại giao, du lịch và quảng bá hình ảnh đất nước, con người của hai quốc gia.”
Trong đại dịch Covid-19, Vietnam Airlines đã phát huy mạnh mẽ vai trò của hãng hàng không Quốc gia, vượt qua mọi khó khăn của dịch bệnh để duy trì đường bay vận tải hàng hóa, chuyên gia, công dân giữa Việt Nam, Pháp và châu Âu. Sau khi Covid-19 được kiểm soát, hãng đã nhanh chóng phục hồi tần suất bay thương mại và đẩy mạnh kích cầu trên đường bay Việt – Pháp.
Hiện nay, với tần suất bay 10 đến 11 chuyến mỗi tuần, cùng việc khai thác máy bay thân rộng Airbus A350 và chất lượng dịch vụ hướng tới 5 sao, Vietnam Airlines đang giữ vị trí số 1 trên đường bay với gần 75% thị phần khách vận chuyển trực tiếp giữa 2 nước và hiệu suất sử dụng ghế ở mức cao là 84%.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực của Vietnam Airlines trong việc kết nối hai đất nước: “Trong suốt 20 năm, Vietnam Airlines là trụ cột trong hợp tác hàng không Việt Nam – Pháp, qua đó góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa 2 quốc gia, 2 châu lục. Đặc biệt, tôi đánh giá cao những nỗ lực của hãng nhằm vượt qua khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19 và nhanh chóng phục hồi, phát triển đường bay Pháp. Với những bước tiến mạnh mẽ, Vietnam Airlines đang phát huy tốt vai trò là cầu nối hàng không, hỗ trợ thúc đẩy quan hệ Việt – Pháp ngày càng tốt đẹp hơn.”
Những cánh bay của Vietnam Airlines đã góp phần quan trọng thúc đẩy kết nối kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Việt Nam và Pháp. Hiện nay, Pháp là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Kim ngạch thương mại Việt Nam – Pháp có tốc độ tăng trưởng bình quân 15,7%/năm trong giai đoạn năm 2011 – 2019.
Năm 2022, kim ngạch thương mại hai nước đạt 5,34 tỷ USD, tăng hơn 3 lần từ mức 1,6 tỷ USD vào năm 2009. Không chỉ hợp tác về kinh tế, hai nước còn có truyền thống hợp tác, giao lưu sâu rộng trên nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục, y tế, quy hoạch đô thị, hàng không, du lịch, phát triển bền vững…