AI đã len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, biến những điều tưởng chừng viễn tưởng thành hiện thực chỉ trong chớp mắt. Nhờ AI, con người có thể sáng tạo nhanh hơn, xử lý dữ liệu khổng lồ trong tích tắc, tự động hóa những công việc phức tạp và thậm chí hiện thực hóa những ý tưởng chưa từng có trước đây. Nhờ AI, thế giới trở nên tiện lợi, hiệu quả và kết nối hơn bao giờ hết. Nhưng liệu AI có thể thay thế con người? Liệu một cỗ máy có thể sở hữu cảm xúc, trực giác và chiều sâu nội tâm như con người?
Từng câu trả lời, từng hình ảnh sống động về sự chuyển đổi của các góc cạnh cuộc sống khi AI hiện diện đó đã được tái hiện sống động trong một bộ phim tài liệu trên kho giải trí của Vietnam Airlines mang tên: “AI vs Human: The Creativity Experiment” (AI và Con người: Thí nghiệm về Sự Sáng tạo).

Bộ phim tài liệu “AI vs Human: The Creativity Experiment” đưa người xem vào một cuộc thử nghiệm độc đáo, nơi câu hỏi lớn được đặt ra: Liệu máy móc có thể sáng tạo như con người? Để tìm câu trả lời, chương trình thiết kế một sân chơi công bằng giữa hai “đội”: một bên là những nghệ sĩ, nhà biên kịch, nhà thiết kế và nhà làm phim tài năng – những con người với trái tim đầy cảm xúc và khối óc giàu trải nghiệm; bên kia là các công cụ AI tiên tiến, mạnh mẽ với khả năng xử lý dữ liệu vượt xa trí tưởng tượng.
Cả hai cùng nhận những nhiệm vụ sáng tạo như viết kịch bản phim ngắn, thiết kế hình ảnh, sáng tác nhạc nền và dựng video. Sau đó, các sản phẩm được đưa đến khán giả và chuyên gia để đánh giá mà không hề tiết lộ “tác giả” đứng sau.
Những phân cảnh trong video lần lượt mở ra hai thế giới đối lập nhưng đầy cuốn hút. Với con người, bạn sẽ thấy những khoảnh khắc đẹp đẽ của sự sáng tạo: một biên kịch trăn trở với từng câu thoại, một họa sĩ tỉ mỉ phác thảo dựa trên ký ức cá nhân, hay một nhạc sĩ ngân nga giai điệu từ cảm xúc sâu thẳm.
Ngược lại, phía AI lại gây ấn tượng bởi tốc độ và sự chính xác: chỉ trong tích tắc, nó phân tích hàng triệu mẫu dữ liệu, tái hiện phong cách nghệ thuật từ cổ điển đến hiện đại, và cho ra đời những sản phẩm hoàn hảo về mặt kỹ thuật. Kết quả thật bất ngờ – nhiều khán giả không thể phân biệt đâu là tác phẩm của con người, đâu là của AI. Thậm chí, có những lần AI được chấm điểm cao hơn nhờ sự mới lạ và tinh tế trong cách thể hiện.

Nhưng chương trình không dừng lại ở đó. Qua từng góc cạnh, từng chi tiết, người xem hẳn có thể nhận ra một điều: dù AI có thể tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, nó vẫn thiếu đi “hồn” – thứ chỉ con người mới có được nhờ những trải nghiệm sống động, những nỗi buồn vui, hay khả năng nhìn sâu vào tâm can người khác.
Thông điệp cuối cùng mà chương trình mang lại không nằm ở việc chọn phe thắng cuộc, mà là định hình lại mối quan hệ giữa AI và con người trong sáng tạo. Thay vì đối đầu, chúng ta nên xem AI như một công cụ hỗ trợ, một chất xúc tác để con người vươn xa hơn trên hành trình sáng tạo.
Một nhà làm phim có thể dùng AI để dựng storyboard (phân cảnh) nhanh hơn. Một nhạc sĩ có thể dựa vào AI để tạo ra nền nhạc, giúp họ tập trung vào việc sáng tác giai điệu chủ đạo. Một nhà thiết kế có thể sử dụng AI như một công cụ tham khảo, mở rộng biên độ sáng tạo mà không bị bó buộc bởi kỹ thuật. Điều quan trọng nhất, là bạn hay rộng hơn là mỗi chúng ta lựa chọn và sử dụng AI như thế nào?
Bộ phim tài liệu “AI vs Human: The Creativity Experiment” không chỉ đơn thuần là một chương trình giải trí, mà còn là một lời mời gọi suy ngẫm: Công nghệ sẽ tiếp tục tiến hóa, nhưng điều khiến con người trở nên độc nhất không phải là tốc độ hay độ chính xác, mà chính là cảm xúc, trải nghiệm và khả năng thấu cảm.
Hiện bộ phim đã có trong kho giải trí trên chuyến bay Vietnam Airlines.