“Đổi mới sáng tạo”: Khai thông thế bế tắc, định hướng tương lai (kỳ 1)

Bám sát thực tiễn, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc tìm tòi, sáng tạo, đổi mới phương pháp, quy trình công việc đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý Khoa học và Công nghệ (KHCN) và tổ chức triển khai hoạt động Nghiên cứu ứng dụng (NCUD) tại Trung tâm NCUD nói riêng và tại TCT nói chung, đó là những ý tưởng sáng tạo, thiết thực, hiệu quả.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chủ tịch Hồ Chí Minh có phong cách làm việc không cố chấp, bảo thủ mà luôn luôn có sự đổi mới và sáng tạo. Người nói: “Tư tưởng bảo thủ là như những sợi dây cột chân cột tay người ta… Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm”. Cuộc đời cách mạng của Người là một tấm gương tuyệt vời về đổi mới sáng tạo và luôn có sức khơi gợi, kích thích sự đổi mới sáng tạo cho mỗi chúng ta. Phong cách của Người là không chấp nhận tư duy “lối mòn”, kinh nghiệm chủ nghĩa, mà phải luôn cải tiến để ngày càng tốt hơn. Đó cũng là phong cách mà cuộc sống hiện đại đang đòi hỏi ở mỗi người đảng viên chúng ta.

Bám sát thực tiễn, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc tìm tòi, sáng tạo, đổi mới phương pháp, quy trình công việc đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý Khoa học và Công nghệ (KHCN) và tổ chức triển khai hoạt động Nghiên cứu ứng dụng (NCUD) tại Trung tâm NCUD nói riêng và tại TCT nói chung, đó là những ý tưởng sáng tạo, thiết thực, hiệu quả của đồng chí Nguyễn Bội Hồng Minh, Bí thư Chi bộ cùng tập thể Cấp uỷ, Lãnh đạo Trung tâm và toàn bộ Đảng viên thuộc Chi bộ Trung tâm nghiên cứu ứng dụng trong công cuộc xây dựng và phát triển tổ chức Đảng thời gian qua.

Kỳ 1: “Đổi mới sáng tạo”: Khai thông thế bế tắc, định hướng tương lai

KHCN phải gắn kết chặt chẽ với sản xuất.

Để phát triển KHCN một cách thiết thực, hiệu quả, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt nam, ngày 18/5/1963, Bác đã chỉ dẫn: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi.”

Tư tưởng chỉ đạo của Bác đã chỉ ra cho chúng ta thấy gắn kết chặt chẽ KHCN với sản xuất được coi là nền tảng tạo nên những kì diệu trong phát triển kinh tế với sự xuất hiện của các sản phẩm mới, những ngành nghề mới và cả nền kinh tế mới. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, KHCN phải gắn kết chặt chẽ với sản xuất, là một yếu tố đầu vào quan trọng của sản xuất và hướng vào giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế của đất nước”.

Một nội dung trong buổi sinh hoạt chuyên đề: Phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 2020, Chi bộ Trung tâm NCUD thực hiện

Trung tâm NCUD, tiền thân là Viện Khoa học hàng không. Trước khi chuyển về Tổng công ty HKVN, Viện Viện Khoa học hàng không là tổ chức KHCN duy nhất của ngành Hàng không trực thuộc Cục Hàng không Việt Nam. Các sản phẩm nghiên cứu khoa học của Viện lúc bấy giờ đã thể hiện đúng vai trò của mình với các đề tài nghiên cứu hỗ trợ phát triển ngành hàng không dân dụng như: Nghiên cứu tổ chức khai thác vùng trời cho hoạt động Hàng không dân dụng đạt hiệu quả cao; Đề án thiết kế qui hoạch mạng cảng hàng không – sân bay toàn quốc; Phương pháp xác định thông số đường bay và thiết lập mạng đường bay tối ưu trong không phận Việt Nam; Đánh giá hiện trạng môi trường tại các cụm cảng hàng không – sân bay  và các giải pháp bảo vệ… 

Tuy nhiên, sau khi chuyển sang hình thức là Cơ quan nghiên cứu khoa học thuộc doanh nghiệp với mục đích nghiên cứu và áp dụng trực tiếp kết quả vào thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh tại TCT HKVN thì Viện bắt đầu gặp nhiều khó khăn và vướng mắc. Năm 2015, TCT đã quyết định chuyển đổi từ Viện, đơn vị nghiên cứu khoa học có con dấu, tài khoản riêng sang Trung tâm NCUD, tổ chức tương đương cấp Ban thuộc TCT nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đó. Mặc dù vậy, sau 5 năm hoạt động (2015 – 2020), kết quả hoạt động khoa học công nghệ của Trung tâm NCUD nói riêng và của TCT nói chung vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của Lãnh đạo TCT.

“Nghiên cứu ứng dụng” hay “Nghiên cứu và Ứng dụng”

Sau khi nhận nhiệm vụ Lãnh đạo trung tâm nghiên cứu ứng dụng từ tháng 4/2020, đồng chí Nguyễn Bội Hồng Minh, Bí thư chi bộ Trung tâm NCUD, đã cùng với các cán bộ và người lao động bắt tay vào việc nghiên cứu, tìm ra những hướng đi mới để khắc phục những khó khăn vướng mắc mà Trung tâm đã gặp phải trong thời gian qua. 

alt text
Đồng chí Bí thư Chi bộ Nguyễn Bội Hồng Minh chủ trì cuộc họp trao đổi các vấn đề đổi mới hoạt động KHCN. (Ảnh: TTNCUD).

Là một cơ quan KHCN của TCT, vận dụng tư tưởng chỉ đạo của Bác trong việc phải tìm cách gắn kết chặt chẽ hoạt động KHCN với hoạt động sản xuất kinh doanh của TCT. Đồng chí Bội Minh đã cùng mọi người nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề liên quan đến hoạt động KHCN để xác định lại đâu là hoạt động mà Trung tâm cũng như TCT cần làm trong thời gian tới để có thể thực sự đưa hoạt động KHCN đến với thực tiễn hoạt động sản xuất như ý kiến chỉ đạo của nguyên Tổng giám đốc Dương Chí Thành trong buổi họp với Trung tâm năm 2016 “Trung tâm phải làm thế nào tổ chức được các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng ngay kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất kinh doanh (SXKD) của TCT chứ không phải nghiên cứu xong là đút vào ngăn bàn”. 

Qua những nghiên cứu mang tính hết sức căn bản ban đầu này mà nhiều vấn đề tưởng chừng như rất đơn giản lại là những thứ đã gây ra những hiểu nhầm trong cách hiểu cũng như cách thức tổ chức hoạt động của Trung tâm. Một trong số đó chính là cụm từ gắn liền với tên của Trung tâm: “Nghiên cứu ứng dụng”. Vậy là ở đây phát sinh ra những mâu thuẫn, hiểu nhầm giữa cách dùng cụm từ “Nghiên cứu ứng dụng” và “Nghiên cứu, ứng dụng” hay “Nghiên cứu và ứng dụng”. Sau khi cùng mọi người tìm hiểu cụ thể, ý nghĩa của những khái niệm này đã được làm rõ lại.

Phân loại theo tính chất của sản phẩm thì Nghiên cứu được phân loại thành: (1) Nghiên cứu cơ bản; (2) Nghiên cứu ứng dụng và Triển khai (R&D):

(1) Nghiên cứu cơ bản (Fundamental Research): là hoạt động nghiên cứu nhằm khám phá bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy. Sản phẩm của nghiên cứu cơ bản có thể là các khám phá, phát hiện, phát minh dẫn tới hình thành một hệ thống lý thuyết có giá trị tổng quát ảnh hưởng đến một hoặc nhiều lĩnh vực khoa học.

(2.1) Nghiên cứu ứng dụng (Applied Research): là sự vận dụng quy luật được phát hiện từ nghiên cứu cơ bản để giải thích một sự vật. Sản phẩm của Nghiên cứu ứng dụng là những nguyên lý mới về các giải pháp và áp dụng chúng vào sản xuất và đời sống. Lưu ý rằng Kết Quả của NCUD thì chưa ứng dụng được. Để có thể đưa kết quả NCUD vào sử dụng thì còn phải tiến hành một loại hình nghiên cứu khác, có tên gọi là Triển khai.

(2.2) Triển khai (Development), còn gọi là Triển khai thực nghiệm hoặc triển khai thực nghiệm kỹ thuật, là sự vận dụng các quy luật (thu được từ nghiên cứu cơ bản) và các nguyên lý (thu được từ nghiên cứu ứng dụng) để đưa ra các hình mẫu với những tham số khả thi kỹ thuật. Lưu ý rằng Kết quả triển khai thì chưa triển khai được. Sản phẩm của Triển khai mới chỉ là những hình mẫu khả thi về kỹ thuật, nghĩa là không còn rủi ro về mặt kỹ thuật. 

alt text

Như vậy có thể thấy rằng, hoạt động NCUD vẫn là một hoạt động nghiên cứu khoa học mang nét học thuật và lý thuyết là chủ yếu. Khả năng áp dụng vào thực tiễn là không cao. Và khi Trung tâm NCUD định hình hoạt động theo mô hình này thì các hoạt động nghiên cứu sẽ phải đi theo đúng quy trình, phương pháp của một hoạt động nghiên cứu mang tính lý thuyết. Kèm theo đó nữa, chính tên gọi của Trung tâm cũng khiến nhiều người thuộc các CQ/ĐV trong TCT mặc định hiểu rằng Trung tâm là một tổ chức R&D riêng biệt và nhiệm vụ của Trung tâm là “ngồi nghiên cứu”. Đó chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc không đưa hoạt động KHCN vào thực tiễn hoạt động SXKD như yêu cầu của Lãnh đạo TCT.

Liên tục trong nhiều cuộc họp Cấp uỷ, Lãnh đạo Trung tâm và các cán bộ chủ chốt, Đồng chí Bội Minh đã chỉ rõ và nhiều lần nhắc lại yêu cầu của Lãnh đạo TCT là Trung tâm phải triển khai hoạt động nghiên cứu và tìm cách ứng dụng các kết quả nghiên cứu đó vào thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của TCT nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm lãng phí và gia tăng tính cạnh tranh cho TCT. Tức là phải thực hiện được tốt hoạt động “Nghiên cứu và Ứng dụng”. 

Thế nhưng có thể thấy rằng nếu triển khai tổ chức của Trung tâm theo hướng hoạt động Nghiên cứu ứng dụng đúng như tên gọi thì sản phẩm của Trung tâm vẫn chỉ dừng ở góc độ Lý thuyết là chủ yếu. Nếu có triển khai thêm giai đoạn hoạt động nghiên cứu “Triển khai” thì kết quả cũng chỉ dừng ở sản phẩm mẫu. Muốn “Ứng dụng” vào thực tế thì cần thêm các giai đoạn nghiên cứu những tính khả thi khác như khả thi về tài chính, khả thi kinh tế, khả thi môi trường, khả thi xã hội. Hay nói cách khác, Trung tâm muốn thực hiện tốt yêu cầu của Lãnh đạo TCT là phải đưa kết quả Nghiên cứu vào thực tiễn hoạt động SXKD thì cần phải triển khai tốt hoạt động “Ứng dụng”. 

Vậy hoạt động “Ứng dụng” này là những hoạt động gì? Nó được triển khai như thế nào?

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bội Minh, Cấp uỷ và các cán bộ chủ chốt của Trung tâm NCUD đã tiếp tục nghiên cứu để tìm ra hướng đi cho Trung tâm xoay quanh vấn đề về “Ứng dụng” này. Một trong những hướng đi được mở ra đó chính là hoạt động “Đổi mới sáng tạo”.

“Đổi mới sáng tạo” – Cầu nối giữa Nghiên cứu khoa học và Ứng dụng kết quả nghiên cứu vào SXKD

Trong vài năm gần đây, chủ đề “Đổi mới sáng tạo” (ĐMST) đã được bàn thảo nhiều trên các diễn đàn khác nhau. Chủ đề này đang thu hút sự chú ý của các nhà quản lý, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, giới truyền thông và công chúng nói chung. Vậy tại sao ĐMST lại trở thành một chủ đề quan trọng như vậy, và những vấn đề gì đang được đặt ra đòi hỏi sự quan tâm của các chuyên gia?  

Trong Luật KHCN 2013, lần đầu tiên khái niệm ĐMST được đưa vào với định nghĩa như sau:  Đổi mới sáng tạo (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.

Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), ĐMST có thể hiểu một cách đơn giản là “việc/quá trình chuyển ý tưởng, tri thức thành một kết quả cụ thể như sản phẩm, dịch vụ, quy trình… mang lại lợi ích gia tăng cho kinh tế xã hội (KTXH)”. Khi một ý tưởng hay tri thức, dù có hấp dẫn và tiềm năng đến đâu, nếu chưa được chuyển thành các kết quả cụ thể để mang lại giá trị thì chưa được coi là ĐMST. Chức năng của ĐMST chính là đưa sự sáng tạo và tính mới thâm nhập vào hệ thống KTXH nhằm tạo ra các giá trị mới. Nếu không có ĐMST, nền kinh tế sẽ rơi vào trạng thái “tĩnh” và không tạo ra được giá trị mới cho phát triển. Do đó, ĐMST đóng vai trò thiết yếu đối với tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển xã hội. 

Hay nói cách khác, ĐMST là sự nối dài và là một bước tiếp theo của hoạt động nghiên cứu khoa học đi ra thị trường và xã hội. ĐMST chính là việc đưa các ý tưởng vào thực tiễn để tạo ra giá trị gia tăng, ví dụ thông qua thương mại hóa. Mặc dù đôi khi hoạt động nghiên cứu khoa học tạo ra các sáng chế và ĐMST gắn kết chặt chẽ với nhau đến mức khó mà có thể phân biệt chúng, trong nhiều trường hợp thì thường là có độ trễ về mặt thời gian giữa sáng chế và ĐMST. Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là trong khi các hoạt động nghiên cứu khoa học tạo ra các sáng chế nói chung có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào mà phổ biến nhất là ở các viện nghiên cứu và các trường đại học thì ĐMST lại chủ yếu diễn ra trong các nhà máy, doanh nghiệp.

alt text

Các hoạt động ĐMST có thể được phân loại theo một số cách khác nhau. Phân chia theo nội hàm của ĐMST sẽ bao gồm các loại sau:

► ĐMST sản phẩm: đưa nhanh sản phẩm mới ra thị trường hoặc đơn giản là cải tiến dòng sản phẩm hiện có.

► ĐMST dịch vụ: cung cấp một dịch vụ mới hoặc cải tiến các mô hình dịch vụ hiện có.

► ĐMST quy trình: đưa một quy trình mới vào sử dụng, mặc dù có thể cho một sản phẩm không mới.

► ĐMST cách làm thị trường: tạo ra một mô hình kinh doanh hoặc thị trường hoàn toàn mới.

ĐMST cũng được chia theo tốc độ, mức độ thực hiện, gồm 3 loại hình:

► ĐMST tuần tự (từ từ, dần dần, tiệm tiến): loại ĐMST đưa ra những cải tiến nhỏ nhưng có tác động đáng kể tới các sản phẩm và dịch vụ hiện có. Đây chính là hoạt động “CẢI TIẾN” mà người phương Đông thường hay sử sụng với thuật ngữ “KAIZEN”.

► ĐMST triệt để (đột biến): loại ĐMST nhằm ứng dụng những công nghệ hiện có vào một thị trường mới hoặc ứng dụng một công nghệ mới vào một thị trường hiện có hoặc thay đổi phương thức giao hàng.

► ĐMST thay đổi hẳn “kiểu chơi”: loại ĐMST này nhằm thay đổi thị trường hiện có và tạo ra một thị trường hoàn toàn mới. Hai loại hình cuối được người phương Tây sử dụng với thuật ngữ là “ĐỔI MỚI”.

Một phân loại khác hay được sử dụng và được coi là định nghĩa kinh điển với phân loại của OECD, chia ĐMST thành 4 loại theo 4 yếu tố cấu thành với mục đích cụ thể hóa hoạt động ĐMST, gồm: ĐMST sản phẩm, ĐMST quy trình, ĐMST marketing và ĐMST về mặt tổ chức (OECD, 2005). Phiên bản mới nhất của OECD (2018) đã sắp xếp lại chỉ còn ĐMST sản phẩm và quy trình.

alt text

Như vậy, sau một quá trình nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng về cách thức tổ chức cũng như triển khai hoạt động KHCN, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bí thư chi bộ Nguyễn Bội Hồng Minh, thế bế tắc đã dần được khai thông. Với đặc thù của TCT trong lĩnh vực hoạt động vận tải hàng không cùng với năng lực hiện tại của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng thì định hướng hoạt động trong thời gian tới được đồng chí Bí thư chi bộ xác định lại như sau:

► Hoạt động Nghiên cứu ứng dụng: Hoạt động mang nhiều tính lý thuyết, phù hợp với hoạt động trong các Viện nghiên cứu, Trường đại học. Khả năng ứng dụng, triển khai vào thực tiễn sản xuất kinh doanh của TCT chưa cao. Trong thời gian tới, cách thức tổ chức triển khai hoạt động này tại TCT và Trung tâm sẽ hạn chế hơn và chuyển sang hình thức liên kết giữa TCT với các tổ chức KHCN.

►Hoạt động Đổi mới sáng tạo: Hoạt động mang tính thực tiễn cao, giúp TCT nhanh chóng triển khai các giải pháp hữu ích vào hoạt động SXKD, sẽ được tập trung tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Bám sát thực tiễn, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc tìm tòi, sáng tạo, đổi mới phương pháp, quy trình công việc đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý Khoa học và Công nghệ (KHCN) và tổ chức triển khai hoạt động Nghiên cứu ứng dụng (NCUD) tại Trung tâm NCUD nói riêng và tại TCT nói chung, đó là những ý tưởng sáng tạo, thiết thực, hiệu quả.

Chuỗi hoạt động về Đổi mới hoạt động KHCN theo Tư tưởng Hồ Chí Minh tại Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng gồm 5 kỳ. CBNV có thể theo dõi từng kỳ như sau:

Kỳ 1: “Đổi mới sáng tạo”: Khai thông thế bế tắc, định hướng tương lai (xem tại đây)

Kỳ 2: Sáng kiến và ý tưởng – Giải pháp đổi mới sáng tạo: Muốn có quả thơm thì gốc phải tốt (xem tại đây)

Kỳ 3: Ai là người Nghiên cứu? Tiền thưởng sáng kiến bao nhiêu là đủ?

Kỳ 4: Hoạt động Đổi mới sáng tạo trong TCT, lựa chọn mô hình Push hay Pull?

Kỳ 5: Xây dựng Hệ sinh thái và hình thành văn hoá Đổi mới sáng tạo trong TCT. 

Chi bộ TTNCUD

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.