Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự tăng trưởng kinh tế, dân số ngày một tăng, nhân loại đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về môi trường. Điều này ảnh hưởng không chỉ trong phạm vi một quốc gia, một khu vực mà còn trên bình diện toàn cầu.
Nhận thức điều đó, phát triển bền vững đã trở thành một xu thế tất yếu mà nhân loại đang hướng tới. Những quan điểm này từ lúc Chủ tịch Hồ Chủ tịch còn sinh thời đã luôn luôn chú trọng, thể hiện tầm nhìn xa vượt thời đại của Người.
Học Bác trong công tác “trồng cây” và “trồng người”
“Vì lợi ích 10 năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người” – câu nói rất sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của việc đầu tư vào phát triển con người và môi trường. Tư tưởng của Bác về việc trồng cây không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ môi trường mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về việc xây dựng và phát triển con người.
Bác Hồ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trồng cây xanh. Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến, Bác đã kêu gọi toàn dân tham gia trồng cây, bảo vệ rừng. Bác từng nói: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Tư tưởng này không chỉ nhằm mục đích cải thiện môi trường sống mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, chung tay xây dựng đất nước của toàn dân.
Việc “trồng cây” ở đây mang ý nghĩa cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen, trồng cây giúp cải thiện môi trường sống, cung cấp không khí trong lành, ngăn chặn xói mòn đất và tạo ra không gian xanh mát. Trong khoảng thời gian mười năm, cây cối sẽ trưởng thành và mang lại nhiều lợi ích rõ rệt cho môi trường và cộng đồng. Những vụ sạt lở đất do nạn chặt phá rừng, do phát triển nóng ở một số địa phương là bài học cho công tác trồng cây của chúng ta.
Nhưng trồng cây là không đủ! Cùng với việc trồng cây, Bác Hồ cũng đặc biệt chú trọng đến việc “trồng người”. Với tư tưởng mọi thứ đều hướng tới nhân dân, hướng tới con người, Bác nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục và phát triển con người. Bác luôn coi trọng việc giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ, coi đó là nền tảng vững chắc để xây dựng một đất nước phát triển, văn minh.
Phát triển bền vững ở Vietnam Airlines : “Trồng cây phải song hành với trồng người”
Tiếp thu tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy vai trò Hãng hàng không Quốc gia, dù còn nhiều khó khăn do những hậu quả nặng nề của đại dịch, Vietnam Airlines luôn bền bỉ tham gia vào các hoạt động vì cộng đồng và môi trường. Từ nhiều năm qua, hãng đã triển khai rộng khắp các chương trình trồng cây nhằm bảo vệ môi trường và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Một trong những dự án tiêu biểu là chiến dịch “Góp lá vá rừng”, hãng phối hợp với các tổ chức cùng cộng đồng địa phương chung tay trồng hơn 30.000 cây xanh tại các khu vực rừng bị suy thoái, tính đến nay hơn 50 héc ta rừng tại khu vực Sơn La – Hòa Bình đã được phục hồi với sự hỗ trợ của Vietnam Airlines. Chiến dịch đang hướng tới mở rộng mạnh mẽ quy mô với mục tiêu trồng thêm hàng triệu cây xanh trên cả nước trong những năm tới đây.
Gần đây nhất, Vietnam Airlines và huyện đảo Côn Đảo đã chung tay phát động chiến dịch “Bay nhẹ tới Côn Đảo” với các hoạt động cụ thể về bù đắp CO2 và tái chế rác thải nhựa thành các vật dụng hàng ngày như bàn ghế, chậu cây. Hoạt động đã thu gom và tái chế được gần 2 tấn rác thải nhựa, trồng thêm hàng trăm cây xanh bản địa tại Côn Đảo v.v…
Không chỉ dừng lại ở việc trồng cây, Hãng hàng không Quốc gia còn chú trọng đến việc “trồng người” – một khái niệm sâu sắc hơn về giáo dục và phát triển con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bên cạnh hành động trực tiếp bảo vệ môi trường, Vietnam Airlines tập trung đào tạo, phát triển con người có tư duy và hành động phát triển bền vững. Trong các hoạt động trồng cây và tái chế rác thải nhựa nêu trên, Vietnam Airlines luôn thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến yếu tố con người:
Một là, nâng cao nhận thức của người dân tại các khu vực triển khai hoạt động. Chính người dân tham gia cùng Vietnam Airlines trồng cây để bảo tồn cảnh quan thiên nhiên nơi mình sinh sống, tạo ra sinh kế lâu dài cho người dân. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines đã sáng tạo ra “Tiết học xanh” nơi các trẻ em, chủ nhân tương lai của đất nước hiểu về tác dụng của cây xanh, về tác hại của rác thải nhựa và biện pháp để bảo vệ môi trường.
Ngay tại chính trụ sở của Vietnam Airlines cũng đã đã triển khai chương trình “Văn phòng xanh” khuyến khích mọi người lao động tiết kiệm điện, nước, giấy in. Ngoài ra, Vietnam Airlines còn có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng như tài trợ các chuyến đi nghỉ hè cho các học sinh nghèo, tổ chức các thư viện cho trẻ em vùng sâu vùng xa. Tất cả những hoạt động này không chỉ giúp cải thiện đời sống của cộng đồng mà còn góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững và nhân văn hơn.
Hai là, các hoạt động của Vietnam Airlines đã và đang lan tỏa tới cộng đồng doanh nghiệp như là một cách làm sáng tạo và hướng tới con người. Nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng đồng hành cùng Vietnam Airlines để thực hiện các mục tiêu vì cộng đồng như Momo, Lagom, Melia v.v…Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp tạo nên hiệu ứng truyền thông cộng hưởng rộng lớn hơn, giúp thu hút sự hưởng ứng từ đông đảo khách hàng, đối tác của mỗi doanh nghiệp đối với công tác phát triển bền vững. Những mục tiêu, kiến thức về phát triển bền vững được truyền tải sâu rộng hơn đến với cộng đồng ở cả phạm vi trong và ngoài nước.
Người lao động là tài sản quý giá nhất
Câu chuyện “trồng người” của Vietnam Airlines mở rộng hơn là một hành trình bền bỉ trong hơn 30 năm qua. Với đặc thù của hoạt động vận tải hàng không gồm nhiều công đoạn, sử dụng công nghệ cao và yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ theo những quy trình nghiêm ngặt, công tác huấn luyện, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trở thành “chìa khoá” góp phần để Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đảm bảo hoạt động an toàn tuyệt đối và không ngừng nâng tầm dịch vụ. Nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản chính là yếu tố then chốt để Vietnam Airlines phát triển bền vững.
Dù trong giai đoạn khó khăn dịch bệnh hay nỗ lực phục hồi phát triển như hiện nay, Vietnam Airlines luôn kiên định phương châm “Người lao động là tài sản quý giá nhất”, đề cao công tác đào tạo để nguồn nhân lực luôn có chất lượng tốt nhất, ở trạng thái sẵn sàng nhất để thích ứng với biến động phức tạp của thị trường.
Hằng năm, Vietnam Airlines tổ chức hàng trăm khóa đào tạo và huấn luyện chuyên sâu cho đội ngũ phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật và nhân viên phục vụ mặt đất. Các chương trình đào tạo này không chỉ diễn ra trong nước mà còn mở rộng ra các trung tâm huấn luyện quốc tế hàng đầu, giúp nhân viên cập nhật liên tục kiến thức và kỹ năng chuyên sâu. Đội ngũ giáo viên nội bộ được xây dựng chuyên nghiệp, đảm bảo quá trình giảng dạy đạt chất lượng cao.
Nhờ vậy, lực lượng nhân viên của Vietnam Airlines luôn sẵn sàng phục vụ hành khách với tay nghề vững vàng và thái độ chuyên nghiệp, để lại ấn tượng tích cực cho cả khách hàng trong và ngoài nước.
Đặc biệt, trong lĩnh vực đào tạo phi công, Vietnam Airlines tự hào là cái nôi đào tạo các thế hệ phi công cho ngành hàng không dân dụng Việt Nam. Sau hơn 3 thập kỷ, Hãng hàng không Quốc gia đã đào tạo hơn 1.200 phi công, trong đó có gần 500 cơ trưởng và 130 giáo viên phi công.
Sự đầu tư nghiêm túc trong đào tạo và huấn luyện của Vietnam Airlines đã giúp Hãng xây dựng được đội ngũ phi công có trình độ ngang bằng với các nước phát triển trong lĩnh vực hàng không. Từ năm 1994 đến nay, Vietnam Airlines đã chủ động đào tạo phi công nội địa, với tỷ lệ 88% phi công là người Việt Nam và chỉ 12% là phi công nước ngoài. Điều này không chỉ giúp Hãng tự chủ trong công tác đào tạo mà còn góp phần vào việc phát triển bền vững ngành hàng không của Việt Nam.
Năm 2024 ghi dấu những thành tựu mới của Vietnam Airlines trong công tác “trồng người” ở cả phương diện phẩm chất và chuyên môn. Trong năm nay, Vietnam Airlines đã triển khai đào tạo, huấn luyện cho tổng cộng 172.031 lượt học viên, bao gồm các khóa đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu.
Các chương trình bao gồm đào tạo an toàn và an ninh hàng không với 114.327 lượt, phát triển đội ngũ phi công với hơn 100 lượt học viên được đào tạo chuyển loại và nâng cấp, cùng hàng nghìn lượt nhân viên tham gia các khóa nâng tầm dịch vụ (uplifting service), khóa học chuyên đề và kỹ năng mềm.
Đáng chú ý, việc tổ chức đào tạo giáo viên phi công và cán bộ quản lý cấp trung đã giúp Vietnam Airlines duy trì và phát triển chất lượng giảng dạy, đảm bảo rằng đội ngũ nhân viên luôn cập nhật kiến thức và kỹ năng mới nhất.
Tư tưởng “trồng cây” và “trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là những lời dạy quý báu, mà còn là nền tảng cho chiến lược phát triển bền vững toàn diện của Vietnam Airlines. Việc chú trọng cả bảo vệ môi trường và đầu tư phát triển con người giúp hãng nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn tuyệt đối và khẳng định vị thế tiên phong trong ngành hàng không.
Những nỗ lực này đã phản ánh sự kế thừa và áp dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh của Vietnam Airlines trong công tác điều hành, cũng như khẳng định cam kết mạnh mẽ của Hàng hàng không Quốc gia trong việc xây dựng một doanh nghiệp bền vững, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước.