[VNExpress] “Vietnam Airlines đã qua giai đoạn khó khăn nhất”

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết hãng đã khôi phục hầu hết các đường bay nội địa và quốc tế, lên kế hoạch kết nối các điểm đến mới.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Ông Đặng Ngọc Hòa – Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines chia sẻ với VnExpress rằng hãng Hàng không Quốc gia đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, hồi phục hơn 90% số đường bay so với trước dịch Covid-19.

Theo ông, đại dịch đã lấy đi của Vietnam Airlines rất nhiều thành tựu về tài chính tích lũy được, nhưng cũng mang lại động lực để hãng chuyển mình nhanh hơn trong một môi trường kinh doanh đã có nhiều thay đổi. Trong tương lai, Vietnam Airlines sẽ vượt qua những thử thách, kinh doanh có hiệu quả, mở rộng quy mô và trở thành một trong các hãng hàng không được khách hàng ưa thích nhất trong khu vực.

Ông Đặng Ngọc Hòa – Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines (Ảnh: Giang Huy).

Sau ba năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, tình hình của Vietnam Airlines hiện nay thế nào?

– Không chỉ Covid-19 mà các vấn đề mâu thuẫn chính trị, đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu, sự phục hồi chậm của các thị trường trọng điểm như: Trung Quốc, Nhật Bản cũng đã tác động nặng nề đến ngành hàng không. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực không ngừng, kết hợp lòng tin của nhiều khách hàng, sự hỗ trợ của Chính phủ, cổ đông Nhà nước, Hãng Hàng không Quốc gia đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất và đang trong quá trình phục hồi.

Cụ thể, Vietnam Airlines đã khôi phục 100% mạng đường bay nội địa và 90% mạng đường bay quốc tế (trừ Nga và Myanmar), đồng thời hãng đã phát triển các đường bay mới đến Mỹ, Ấn Độ, Australia.

Năm 2023, đánh dấu một số dấu mốc quan trọng khi chúng tôi vận chuyển được trên 21,1 triệu lượt hành khách với 130.000 chuyến bay an toàn. Doanh thu năm qua đạt hơn 93.100 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm 2022 là 29,8% và tiệm cận mức đỉnh năm 2019. Tổng công ty Hàng không cũng đã nộp ngân sách nhà nước trên 3.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, hãng vẫn chưa thoát lỗ bởi hệ lụy tài chính do đại dịch Covid-19 để lại là quá lớn. Vì vậy, chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện và triển khai đề án tái cơ cấu tổng thể.

Năm vừa qua, các hãng hàng không trong nước phải đối mặt với rất nhiều sức ép lớn từ các chủ nợ, đối tác, nhà cung cấp tàu bay, còn với Vietnam Airlines áp lực là gì?

– Đầu tiên phải kể đến là các chi phí đầu vào. Riêng 2023, giá nhiên liệu bay Jet A1 vẫn neo ở mức cao khiến chi phí xăng, dầu của hãng tăng thêm 6.000 tỷ đồng so với trước dịch.

Tiếp theo đó, chi phí thuê máy bay cũng tăng trong bối cảnh các Ngân hàng Trung ương Mỹ, châu Âu giữ lãi suất ở mức cao để kiềm chế lạm phát. Thị trường hàng không thế giới thiếu máy bay do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các nhà cung cấp thiếu phụ tùng vật tư thay thế khiến giá thuê tàu, động cơ và nhiều chi phí khác cũng tăng thêm gần 30% so với giai đoạn trước.

Ngoài ra, Vietnam Airlines còn bị chịu thêm thiệt hại lớn bởi biến động tỷ giá của các đồng như yen (Nhật Bản), won (Hàn Quốc)… bởi chúng chiếm tỷ trọng doanh thu đáng kể. Hàn Quốc và Nhật Bản cũng là hai thị trường trọng điểm của Vietnam Airlines.

Còn trong nước, hạ tầng sân bay quá tải, tắc nghẽn khiến thời gian hành trình bay cho mỗi chặng bay bị kéo dài cũng làm chi phí khai thác của doanh nghiệp tăng thêm hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra cũng giống các hãng hàng không khác, Vietnam Airlines cũng có nghĩa vụ rất lớn là trả nợ cho các đối tác do hệ lụy từ đại dịch.

Với nhiều khó khăn còn hiện hữu như vậy, cơ sở nào để Vietnam Airlines đặt mục tiêu giảm lỗ rất lớn và tiến tới tiệm cận cân đối được thu chi từ năm nay?

– Đây là mục tiêu rất thách thức với Vietnam Airlines. Dù vậy, chúng tôi đặt quyết tâm rất cao sẽ thực hiện được bởi những yếu tố hỗ trợ cả từ bên ngoài và bên trong.

Về vĩ mô năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%. Nếu kinh tế đất nước đạt được kết quả này sẽ tác động tích cực tới ngành hàng không nói chung và Vietnam Airlines nói riêng. Cùng với đó là ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu khách quốc tế năm nay. Riêng tháng đầu năm, Việt Nam đã đón hơn một triệu lượt khách, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm 2023.

Thời gian qua, hãng đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp tự thân để cắt giảm, tối ưu chi phí, bước đầu mang đến những kết quả tốt. Tổng công ty đã rà soát, tái cơ cấu về tổ chức rất mạnh. Những biện pháp này đã giúp Vietnam Airlines tiết kiệm được 600-700 tỷ đồng một năm.

Ngoài việc triển khai thêm các sản phẩm mới, các chương trình bán mới, đẩy mạnh chuyển đổi số… chúng tôi cũng đang tiếp tục chương trình nâng tầm dịch vụ với mục tiêu tiến tới hãng hàng không 5 sao. Vừa qua chúng tôi cũng đã đạt được tổ chức APEX của Mỹ công nhận là hãng hàng không 5 sao về trải nghiệm khách hàng.

Năm 2023 cũng lần đầu tiên Vietnam Airlines có lãi gộp cả năm (doanh thu trừ chi phí bán hàng) và số lỗ thực tế đã giảm một nửa so với năm 2022. Năm 2024 chúng tôi đặt mục tiêu giảm mạnh số lỗ còn lại và tiệm cận được mục tiêu cân đối được thu chi.

Tàu bay thân rộng Boeing 787 của Vietnam Airlines (Ảnh: Vietnam Airlines).

Theo ông, hãng Hàng không Quốc gia có cần tái cơ cấu nếu không có đại dịch, bởi trước đây, kết quả kinh doanh mỗi năm đều có lãi, đặc biệt năm 2019 lợi nhuận đạt hơn 2.000 tỷ đồng?

– Vietnam Airlines tái cơ cấu không phải với lý do duy nhất là do đại dịch. Môi trường kinh doanh đã thay đổi, sự cạnh tranh gay gắt trong ngành hàng không đặt thách thức cho các hãng bay.

Vietnam Airlines vẫn luôn tự nâng cấp bản thân, nhưng những khó khăn từ đại dịch cùng sự cạnh tranh lớn đã thúc đẩy chúng tôi phải quyết tâm tái cơ cấu mạnh mẽ hơn. Hiện nay chúng tôi đang phải cạnh tranh với hơn 50 hãng hàng không cả nội địa và quốc tế.

– Hình hài của Vietnam Airlines hậu tái cơ cấu sẽ ra sao?

– Chúng tôi vẫn sẽ hoạt động theo mô hình một tập đoàn hàng không, tức Vietnam Airlines Group gồm cả hãng bay dịch vụ đầy đủ (full-service) và hãng hàng không chi phí thấp (low cost), nhưng bộ máy tinh gọn, năng động, hiệu quả hơn.

Vietnam Airlines sẽ tập trung mạnh vào an toàn hàng không khi coi đây là một trong những giá trị cốt lõi của chúng tôi. Vietnam Airlines đã đạt được mức an toàn chủ động (pro-active) và đang xây dựng để phát triển lên tiêu chuẩn tiệm cận mức tiên tiến.

Bên cạnh an toàn, doanh nghiệp cũng sẽ tiếp tục nâng cấp chất lượng dịch vụ, điều này nằm trong mục tiêu trở thành hãng hàng không 5 sao trong thời gian tới. Hãng đã được tổ chức Skytrax chứng nhận 4 sao trong nhiều năm. Đến nay, Vietnam Airlines một số dịch vụ của chúng tôi đặc biệt với hạng thương gia cũng đã đạt được nhiều chỉ tiêu của một hãng 5 sao.

Để hiện thực hóa việc này cũng sẽ cần thêm nhiều sự đầu tư về chi phí. Trong lúc khó khăn, trước mắt Vietnam Airlines sẽ tập trung nâng cao những tiêu chí không tốn chi phí, đó là yếu tố con người.

Với vai trò là một hãng Hàng không Quốc gia, Vietnam Airlines sẽ phải tiếp tục dẫn dắt ngành không Việt Nam để cạnh tranh với các hãng bay quốc tế, mang hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với thế giới.

– Vậy còn điều gì vẫn khiến ông trăn trở?

– Thứ nhất, đề án tái cơ cấu Tổng công ty vẫn chưa thực hiện được so với mục tiêu đề ra. Tiếp đó, chúng tôi cũng mong muốn Hãng hàng không Quốc gia phải phát triển mạnh mẽ, vươn tới nhiều thị trường quốc tế hơn.

Lấy Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ. Hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ – Turkish Airlines đạt được nhiều thành quả quan trọng và sở hữu mạng đường bay quốc tế tới 129 quốc gia. Còn Vietnam Airlines mới bay được tới gần 30 điểm đến quốc tế. Hay như Qatar – một quốc gia nhỏ ở vùng vịnh, nhưng hình ảnh đất nước, con người của họ cũng được quảng bá khắp thế giới nhờ phần nhiều từ hãng hàng không quốc gia Qatar Airways.

Trong thời gian tới, Vietnam Airlines sẽ cố gắng mở thêm nhiều đường bay quốc tế mới. Với việc nhận thêm hai tàu bay thân rộng Boeing Dreamliner 787-10 trong năm nay, chúng tôi đang nghiên cứu một số điểm đến mới xuyên lục địa tại châu Âu như Munich (Đức), Milan (Italy), Copenhagen (Đan Mạch), Seattle (Mỹ), Vancouver (Canada). Tại châu Á, Vietnam Airlines mở rộng khai thác tại thị trường Trung Quốc, thêm các đường bay tới Manila (Philippines)…

Công ăn việc làm, thu nhập của cán bộ, nhân viên cũng là một điều khiến tôi còn nhiều trăn trở. Năm qua, thu nhập của người lao động Vietnam Airlines đã phục hồi, nhưng mới được khoảng 80% mức trước dịch. Tôi mong muốn mỗi người lao động khi đi làm phải luôn tự hào khi khoác lên mình bộ đồng phục của Hãng Hàng không Quốc gia. Chúng tôi đã xây dựng một môi trường làm việc cạnh tranh quốc tế, tuy nhiên còn cần đảm bảo các động lực về kinh tế để phát huy tối đa tiềm lực của người lao động.

– Ở chiều ngược lại, để chia sẻ với khách hàng trong bối cảnh nhiều người dân thu nhập sụt giảm vì kinh tế khó khăn, giá vé máy bay nội địa năm nay sẽ thế nào?

– Chúng tôi tuân thủ nghiêm các quy định theo đúng khung giá vé máy bay nội địa do Bộ giao thông Vận tải quy định, các mức giá thấp, các chương trình khuyến mại kích cầu vẫn tiếp tục được duy trì.

Tuy nhiên, mặt bằng giá vé nói chung sẽ phụ thuộc nhiều vào các yếu tố chi phí đầu vào. Trước đây, với Vietnam Airlines, giá nhiên liệu chỉ chiếm 25% trên tổng giá thành vé thì hiện tăng lên gần 35%. Với các hãng bay giá rẻ, tỷ lệ này có thể lên đến gần một nửa. Giá thuê, vật tư, phụ tùng tàu bay, phục vụ mặt đất ở nhiều thị trường cũng tăng. Lương phi công tại Việt Nam đang gần tiệm cận với thế giới. Như vậy, gần như mọi chi phí đều tăng, trong khi giá vé nội địa vẫn bị khống chế bởi giá trần nên các hãng bay Việt Nam cũng đều khó khăn để cân đối.

Giá vé Tết tăng cao, nhưng thực tế tàu bay cũng chỉ chở khách từ Nam ra Bắc trước Tết, còn chiều ngược lại chuyến bay khá rỗng. Sau Tết thì tình trạng ngược lại. Bình quân mỗi dịp Tết nguyên đán, Vietnam Airlines có khoảng 1.050 chuyến bay rỗng một chiều vì các yếu tố đặc thù này.

Ngoài ra, vé máy bay có rất nhiều dải giá, khách hàng mua có kế hoạch đi lại sớm sẽ còn nhiều dải giá vé thấp có thể lựa chọn.

Theo: Thái Anh – VNExpress

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.