Ba giải pháp cứu nguy của Vietnam Airlines

Dự kiến lỗ hơn 20.000 tỷ đồng năm nay, Vietnam Airlines đưa kế hoạch cắt giảm chi phí 9.450 tỷ đồng, trong đó giải pháp tự thân hơn 6.000 tỷ đồng.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của Vietnam Airlines. Hãng hàng không quốc gia dự kiến năm nay sẽ lỗ hơn 20.000 tỷ đồng, sáu tháng đầu năm lỗ trên 10.000 tỷ đồng. Trước những dự báo này, Vietnam Airlines cho biết đã triển khai các biện pháp cắt giảm và tiết kiệm chi phí khoảng 9.450 tỷ đồng.

alt text
Vietnam Airlines đã triển khai các biện pháp cắt giảm và tiết kiệm chi phí khoảng 9.450 tỷ đồng. (Ảnh: VNA)

Ở các giải pháp tự thân, hãng đã tối ưu hoá hoạt động bảo dưỡng máy bay giúp giảm gần 5.300 tỷ đồng, tổ chức lại lao động và sản xuất giảm trên 800 tỷ đồng. Các phương án này gồm giảm 4 đầu mối ban, đơn vị ở cấp tổng công ty, khoảng 70 đầu mối cấp phòng ở cơ quan, đơn vị. Đại diện hãng cho biết, đến nay gói hỗ trợ tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng đã hoàn tất thủ tục pháp lý cần thiết.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, hiện có ba ngân hàng là SeABank, MSB và SHB cam kết tài trợ cho Vietnam Airlines vay 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Các gói hỗ trợ này được các ngân hàng thương mại cho Vietnam Airlines vay với lãi suất ưu đãi, không phải là lãi suất 0%, phần chênh lệch lãi suất sẽ tính vào phần góp vốn của nhà nước tại hãng.

Việc giải ngân dự kiến diễn ra đầu tháng 7 với điều kiện hãng phải tiếp tục triển khai các giải pháp tự thân, đàm phán đạt kết quả với các nhà cung ứng trong và ngoài nước để ứng phó với dịch.

Về tài chính, Vietnam Airlines cho biết sẽ tiết kiệm, cắt giảm chi phí thông qua đàm phán với nhà cung ứng để nhận hỗ trợ, tạo điều kiện giãn hoặc hoãn các khoản thanh toán. Hãng cũng đang triển khai để chuẩn bị phương án phát hành 8.000 tỷ đồng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Ở giải pháp thứ hai về điều hành, Vietnam Airlines cho biết tổ chức lại sản xuất phù hợp hơn với quy mô thị trường, tái cơ cấu lao động, tài sản và nguồn vốn. Hãng cho thuê lại các tàu bay không sử dụng, thanh lý đội tàu bay cũ, cải cách tiền lương, áp dụng chính sách lương mới trong dịch Covid-19…

Hàng hãng không cũng triển khai loạt giải pháp thương mại như ưu đãi giá vé, phối hợp với Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các hãng lữ hành. Mục tiêu của hãng là tăng doanh thu trong bối cảnh khách bay giảm, thông qua vận chuyển hàng hóa, bay thuê chuyến chở khách hồi hương, chuyên gia…

Ngoài ra, Vietnam Airlines đã xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn chống dịch, được đánh giá vượt trội, cao hơn yêu cầu của hàng không quốc tế. Hãng đưa những cải tiến mới, phù hợp thị trường và thị hiếu khách hàng sau dịch Covid-19 như nâng cao tiện lợi, đa dạng hóa kênh bán, đẩy mạnh giao dịch, thanh toán và làm thủ tục trực tuyến.

Với việc được Mỹ và Canada cấp phép, Vietnam Airlines chứng minh khả năng bay đến những quốc gia có những quy định khắt khe, cạnh tranh với các hãng hàng không lớn trên thế giới. “Những chiến lược này giúp Vietnam Airlines duy trì hiệu quả sản xuất kinh doanh và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước”, đại diện hãng nói.

“Ở hầu hết các nước, hàng không quốc gia đóng vai trò quan trọng, mang theo hình ảnh đất nước và đóng vai trò như một đại sứ. Vietnam Airlines đã đóng góp trong việc quảng bá văn hóa dân tộc với biểu tượng hoa sen, áo dài và ẩm thực vùng miền”.

Theo Tuấn Vũ – VnExpress

Nguyen Xuan Nghia – COMM

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.