Anna Turner đặt góc nhìn từ hiện tại hướng về quá khứ, từ người phụ nữ trưởng thành ngắm nhìn lại những rung động thanh xuân – một góc nhìn chiêm nghiệm, bao quát và bao dung, để người đọc cảm nhận rõ năng lượng tích cực của tình yêu, dẫu có là yêu thầm đi chăng nữa. Đó là một loại tình cảm tuyệt vời.
Về tình yêu và về tình yêu đơn phương, Phạm Lữ Ân đã viết như thế này trong “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”:
“Nhiều năm về trước, tôi đã tự hỏi mình, vì sao tình yêu đơn phương tồn tại? Vì sao người ta có thể ôm ấp hình bóng một người suốt hàng chục năm trời mà thậm chí không cần người ấy hay biết hay đáp trả? Bây giờ tôi chợt nhận ra lý do. Đó là bởi tình yêu tự nó đã làm thỏa lòng ta rồi, trước cả nỗi khổ đau vì không được đáp trả.
Niềm hạnh phúc sâu xa và trọn vẹn nhất mà chúng ta cảm nhận được trong tình yêu, không phải khi ta nhận ra rằng mình được yêu mà là khi ta nhận ra rằng mình yêu.
Bởi vì yêu chính là đã nhận.”
Anna Turner cũng đồng điệu cùng một dòng suy nghĩ ấy! Bởi vậy mà tác phẩm cô viết ra lý giải một thứ tình yêu đúng bản chất, là thứ tình yêu luôn hướng về hạnh phúc, là thứ tình yêu không làm con người ta tê liệt mà có thể nâng con người ta lên.
Những mẩu tình con con
“Tôi đã yêu người âm thầm như thế” gồm ba phần với chín câu chuyện.
Phần thứ nhất “Dù thế nào cũng đừng tuyệt vọng” lấy người đơn phương làm chủ thể với bốn câu chuyện: là Maria thầm mến Ray, là Samuel kiên trì theo đuổi Sophie, đó là Joyce yêu một hình ảnh ảo tưởng mà chị dựng lên cho Frank, là Anna âm thầm nỗ lực chạy theo bước chân của Alex. Mỗi người thể hiện tình cảm của mình theo một cách riêng, nhưng những rung động đầu đời của những cô cậu 16, 17 tuổi ấy – sao mà đẹp quá đỗi.
Phần thứ hai “Người từ chối và những nỗi khổ tâm” lấy đối tượng được thầm mến làm chủ thể, cũng gồm bốn câu chuyện: về Christina ám ảnh bởi cách theo đuổi của Andrei, về Maggie vốn không thích nhưng lại chấp nhận yêu rồi cuối cùng chia tay Ryan, về Patrick chạy trốn khỏi tình cảm vồ vập của bạn thanh mai Stella, và về Anna đã trốn tránh vì không muốn tổn thương tình cảm của Patrick. Có thể nói rằng, nhiều người khi đánh giá một chuyện tình đơn phương, đa phần sẽ dành sự mủi lòng cho kẻ yêu thầm và bị từ chối, mà quên rằng người nhận được tình yêu nhưng không thể đáp trả cũng có những nỗi khổ khó nói thành lời.
Phần thứ ba “Can đảm để yêu” chỉ có duy nhất một câu chuyện, và nó khép lại trọn vẹn khi Anna và Eric – hai con tim đã từng vấp ngã và đớn đau trên đường tình, lại lần nữa mạnh mẽ song phương hòa chung một nhịp đập.
Anna Turner may mắn được gặp gỡ rất nhiều người thú vị trong suốt quá trình trưởng thành, và nhận được sự tin tưởng để sẻ chia, để trút bầu tâm sự. Hầu như mỗi một người, trong đó có bản thân Anna, đều cất giữ một vài mối tình đến từ một phía – chúng có thể đang diễn ra, có thể đã là chuyện của quá khứ, hoặc có thể sẽ vĩnh viễn kéo dài.
Anna Turner thành công trong việc gắn kết một chuỗi những câu chuyện tưởng chừng chẳng liên quan, thành một tác phẩm mang cái nhìn toàn diện và đa chiều, về người yêu thầm và người được yêu, về người theo đuổi và người được theo đuổi, về người từ chối và người bị từ chối… Dường như chẳng ai có lỗi. Tình yêu cũng không có lỗi. Tác giả đặt một góc nhìn bao quát, ngay cả những giọt nước mắt đã rơi, khi ngoảnh đầu nhìn lại cũng cảm thấy thật đáng trân trọng.
Cuốn sách sẽ không giúp người đọc tìm câu trả lời cho những câu hỏi, rằng khi yêu đơn phương có nên tỏ tình hay không, rằng nên làm gì để đối phương đón nhận tình cảm của mình, rằng tỏ tình thất bại có nên tiếp tục kiên trì cố gắng hay không… Không có một câu trả lời khuôn sáo nào cả!
Đây không phải là một cuốn cẩm nang, cũng không phải là sổ tay tư vấn tâm lý tình cảm tuổi mới lớn. Chỉ là, mỗi người có thể nhờ lăng kính của tác giả Anna, và cả cậu bạn thân Louis miệng lưỡi sắc sảo của cô, mà nhận ra được những điều về tình yêu từ bấy lâu như mối tơ vò được nói ra thành lời, mạch lạc, dẫu có thể đôi chút khó nghe.
Đơn phương không phải là thứ tình cảm xấu hổ, đau khổ hay tự ti
Đơn phương, buồn mà đẹp.
Đôi khi, tình cảm ấy nhẹ nhàng đến như một cơn gió, là mong đợi một nụ cười, hay chỉ là không thể dời tầm mắt ra khỏi một bóng hình. Cũng có khi, tình cảm ấy nóng hổi và mạnh mẽ như dung nham chẳng thể kiềm chế, nguyện ý hái cả sao trời cho người thương.
Dữ dội hay dịu êm, thì đó cũng là một loại tình cảm tuyệt vời!
Dẫu yêu một người mà chính mình không hề có cơ hội, biết trước mình có thể sẽ bị từ chối, sẽ buồn bã, sẽ mất hết tự tin, thậm chí còn có thể khóc ướt cả gối nhiều đêm liên tiếp, nhưng vẫn mặc kệ tất cả rủi ro, vẫn như thiêu thân lao vào ánh lửa, chấp nhận lắng nghe tiếng nói của trái tim mình. Bởi vì, chính sự cay đắng đó là thứ làm nên hương vị cuộc sống, chính nỗi sợ hãi đó là thứ khiến lòng can đảm mạnh mẽ hơn, và cũng chính trong lo lắng, bất an mà từng giây từng phút trong cuộc sống đang có trở nên sinh động và ý nghĩa hơn.
Một điều thú vị nhưng ít ai chịu thừa nhận, người nhận được “lợi ích” đầu tiên chính là người đơn phương. Bấy lâu nay, đơn phương hay bị gán với những cụm từ đau khổ, tự ti, yêu mà không được hồi đáp… Con người dường như có xu hướng thương xót bản thân mình thay vì nghĩ cho cảm xúc của đối phương.
Bởi vì yêu chính đã là nhận rồi.
Bởi vì khi thích một ai đó, cảm giác khao khát được sánh đôi cùng họ khiến con người muốn thay đổi bản thân trở nên thật ưu tú. Khi thích một ai đó, con người trở nên bao dung, cao thượng hơn. Khi thích một ai đó, con người biết cách quan tâm đến người khác, nhiều hơn cả bản thân mình.
Cảm giác rung động vì một câu nói, vui vẻ bởi một nụ cười, có động lực để trở thành một bản thân tốt hơn bởi vì muốn người khiến mình yêu tán dương – thì người được lợi rõ ràng là người đơn phương mà? Con người tốt hơn thì lợi cho chính bản thân chứ người khác có nhận được gì đâu?
Bởi vậy mới nói, nhìn ở khía cạnh này thì tình đơn phương thật sự rất thú vị, nó đem lại động lực và người đơn phương sẽ có mục tiêu làm việc một cách quyết liệt nhất, tập trung nhất, và thành phẩm tạo ra cũng sẽ là thành phẩm tốt nhất. Không phải bị ép buộc hay vì áp lực, những thay đổi tốt đẹp này là hoàn toàn tự nguyện, mong muốn trở thành một phiên bản hoàn hảo nhất của bản thân.
Nghe có vẻ giống như học thuyết về tình yêu Plato, mà thật sự thì cũng không sai biệt lắm. Yêu đơn phương hay Platonic đều là loại tình cảm thúc đẩy bản thân mỗi người trở thành phiên bản tốt hơn, truyền động lực và cảm hứng để theo đuổi những mục tiêu đời mình. Khi ấy, việc đối phương có đáp lại hay không là lựa chọn của họ, còn bản thân người đơn phương đã nhận được rất nhiều từ tình cảm đó rồi.
Qua những rung động thanh xuân hết sức đáng trân trọng của bản thân và của mọi người xung quanh mình, Anna Turner mang lăng kính của cả người trong cuộc, người ngoài cuộc, và người từng trải… Soi rọi những góc nội tâm khó nhìn thấy, khiến độc giả phải thừa nhận rằng, chỉ cần thay đổi góc nhìn một chút thì tình cảm đơn phương, thật ra cũng không quá tệ như những cuốn tiểu thuyết ngôn tình sướt mướt thường miêu tả.
Giá trị của tình yêu là để mang lại hạnh phúc cho mỗi người
Bản chất của tình yêu vốn dĩ chưa bao giờ đi kèm với tiêu cực hay đau khổ. Dù là song phương hay đơn phương, thì giá trị của tình yêu, vẫn là để mang lại hạnh phúc cho con người. Bản chất của tình yêu, như đã nói, là thứ tình cảm luôn hướng về hạnh phúc, là thứ tình cảm không làm con người ta tê liệt mà có thể nâng con người ta lên.
Daisaku Ikeda viết trong “Con đường tuổi trẻ” rằng:
“Hạnh phúc không phải là một cái gì đó mà người khác – như một bạn gái hay bạn trai – có thể hiến tặng cho chúng ta. Ta phải hoàn thành cho chính mình.”
Chính vì thế, khi nhìn vào mặt phải của tình yêu, nhìn vào những gì bản thân đã có được sau những cung bậc cảm xúc của một tình yêu lặng thầm, người được điều gì suốt quá trình yêu đơn phương đó? Có đúng là chỉ toàn cay đắng hay không?
“Chúc bạn luôn luôn tìm thấy sự hào hứng, đằng sau mỗi cảm giác lo sợ khi yêu.” – Như lời tác giả Anna Turner nhắn gửi.
Duyên Bùi – VACS